Trong tác phẩm này, tác giả Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn, trò chuyện về nhiều vấn đề xung quanh chủ điểm “Thơ đến từ đâu” với 24 nhà thơ Việt Nam ở nhiều quốc gia.
Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Đà Linh (Nguyễn Đức Hùng), nguyên Tổng biên tập NXB Đà Nẵng, người đã có công tổ chức, biên tập cuốn sách này.
“Về Văn học tương lai, tôi cũng tiện thể tiên báo với bạn rằng, nó sẽ được viết ra bởi lớp những người trẻ tuổi tử tế và lịch lãm mà ở thời điểm này hoàn toàn chưa được nhận biết” (đề từ của Hemingway, L'Avenir de la Littérature - Tương lai Văn học, Frédéric Badre, Éditions Gallimard, 2003).
Bác sĩ - Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng không còn trẻ nữa, và chắc hẳn cũng không bao giờ chịu già. Nhưng với Hemingway, anh thuộc nội hàm tiên báo ấy. Một công dân thế giới. Một dòng máu, tâm hồn Việt đậm đà.
Thơ đến từ đâu, không đơn giản là một tập hợp những bài phỏng vấn rải rác đây đó. Đọc thật kỹ (không chỉ một lần), thêm cả ngẫm ngợi, từ ý tưởng đến từng con chữ trong đàm đạo (dia-logue), ta sẽ thấy, thật khó khăn trong việc đặt để thể loại!
Nhưng thôi, ta cứ để cái phần não cố hữu “chuyên xét đoán” được giải lao, chỉ vậy thôi, thì cái phần “cảm thụ" sẽ thế chỗ. Tôi đã làm như thế, và thấy Nguyễn Đức Tùng đang đi trên những “lưỡi dao”, nhiều sắc nhọn. Hồi hộp, chờ đợi, lo âu, nghi ngờ... rồi vỡ òa trong sự thán phục. Tâm khẩu đều phục.
Anh đã phải đàm đạo, đối thoại với bao nhiêu nhà thơ? Bao nhiêu chữ, tứ, câu thơ, bài thơ? Bao nhiêu Tác phẩm? Bao nhiêu nền Văn hóa? Ngôn ngữ? Cổ kim đông tây, trường phái, nhóm phe... tôi đã phải làm cái công việc kim chỉ, tỉ mẩn: kê tên những tác giả, những tác phẩm, trong ngoài, kể cả nghiên cứu, dịch thuật... từ Vân Đài loại ngữ (Lê Quý Đôn)... tới Ly Hoàng Ly, từ Gilsberg... tới Murakami, khi 4 con số dần hiển hiện, chợt hiểu khả năng làm thống kê không phải năng khiếu của mình.
Điều này cho thấy, sự khổ luyện nơi anh, tình yêu thiết tha riết róng với thơ nơi anh, và không thể thiếu một chút duyên (tiền định), phải chăng những điều này đã giúp anh đi qua những sắc nhọn, để nâng những phỏng vấn cụ thể thành cuộc đàm đạo về Thơ nói riêng, rộng hơn là Văn hóa trên tầm vóc mới.
Trong cuốn sách này, có thể gặp rất nhiều những ý kiến hay và thú vị của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Tường, Trần Nghi Hoàng, Inrasara, Đỗ KH., Nguyễn Thụy Kha, Ngô Tự Lập, Du Tử Lê, Trần Nghi Hoàng, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Đỗ Quyên, Lê Vĩnh Tài, ...
Cũng qua đàm đạo, mà ở quê nhà được biết đến, được đọc thơ, và như được trò chuyện với nhà thơ nữ duy nhất-1/21 Nguyễn Thị Hoàng Bắc, ở tận bên kia Bán cầu, một tài nữ, giỏi cả thơ văn, theo chiêm cảm, chị có nỗi khổ ở tâm, nhưng đổi lại, chị có cái sướng “đái qua ngọn cỏ” (Nguyễn Thị Hoàng Bắc - trả lời NĐT).
Chị em quê nhà sẽ rất vui được biết chị, nhưng sau này chữ THỊ biến khỏi họ tên của các kiều nữ Việt, chị phải chịu (hưởng) một phần trách nhiệm (hay phần công lao)?...
Tôi đã chạm vào thế giới tâm hồn Nguyễn Đức Tùng, không thì tại sao lại mơ ước một cuộc sống đầy chất Thơ, và cũng biết đó là điều bất khả! Một chút hoang mang, một chút thôi, nhưng cũng đủ cảm kích “chiếc chiếu của tình tự dân tộc, của Thơ ca Việt Nam” mà anh đan dệt. Tôi hiểu, nó như một lời hiệu triệu.
Thơ đến từ đâu, đã trở nên một hòa điệu thật mới, nó ở phía bên kia thiện ác, của những bàn tay xiết trong bóng tối che lấp mặt trời. Chỉ với những Nốt Nhạc đầy ngẫu cảm. Phải chăng Nguyễn Đức Tùng đã đưa lại một loại thể mới của Văn học?