Nhà thơ Tế Hanh - Ảnh: S.T |
Chỉ chục ngày trước đó, báo Tiền Phong vừa đưa tin bài Hà Nội vắng em của ông là một trong 15 bài thơ của 11 tác giả Việt Nam được đưa vào tổng tập văn học thế giới- một loại SGK tham khảo xuất bản tại Anh quốc.
Bài thơ với những câu Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây/ Anh theo các phố đó đây/Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em được Tế Hanh viết vào một trong những lần đi dạo quanh hồ Thiền Quang- được ông yêu quý gọi là “cái bàn viết thân yêu”.
Chế Lan Viên, trong lời bạt viết cho Tuyển tập Tế Hanh (1987): “Nếu vào trong khu vườn, Xuân Diệu sẽ ngoạm vào cả các trái hồng lẫn các trái xanh, Huy Cận lắng nghe chất nhựa trên cành, người nào đó hì hục tìm thơ trong bộ rễ âm thầm, còn với Hanh thì màu xanh của lá cũng đủ cho anh hạnh phúc” |
Trong bài viết Nhà thơ Tế Hanh: Thích làm thơ khi đi dạo, Võ Văn Trực kể, năm 1939, chỉ sau một giao ước vu vơ với cô bạn gái, cậu học sinh Quốc học Huế đã dành cả kỳ hè để sáng tác một tập thơ:
“Đi chơi với bạn dọc bờ bể hoặc leo núi hoặc bơi thuyền trên sông, ông mê mải làm thơ. Viết xong bài này lại viết tiếp bài khác.
Có dạo, mỗi ngày viết một bài”. Và kỳ hè đó đã làm nên tập thơ đầu tay Nghẹn ngào được giải thưởng của nhóm Tự lực Văn đoàn.
Tế Hanh có lần tâm sự với Vương Trí Nhàn: “Nhiều tập thơ mình làm trầy trật mãi không xong, trong khi hai tập thơ hay nhất của mình, Nghẹn ngào và Gửi miền Bắc, những bài chính chỉ làm trong độ nửa tháng”.
Tên khai sinh của nhà thơ là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20/6/1921 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Đông Yên, xã Bình Dương, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 15 tuổi, ra Huế học trung học cũng là thời điểm ông bắt đầu gặp gỡ, giao lưu với các tác giả Thơ Mới để rồi trở thành một đại diện không thể thiếu của thơ kỳ này.
Tế Hanh đặc biệt giữ được một giọng thơ, hồn thơ riêng, bền bỉ qua các giai đoạn lịch sử. Trên trang chutluulai.net, người mang nick quocky711 viết: “Có tiếng nói, có con đường hôm qua được đồng cảm, nâng niu mà hôm nay và ngày mai cũng được nâng niu, đồng cảm- đó là đường thơ Tế Hanh”.
Vào những năm 1980, Tế Hanh từng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Dịch thuật rồi Chủ tịch Hội đồng Thơ- Hội Nhà văn Việt Nam. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Vào tuổi 70, mắt Tế Hanh đã đau nặng, chắc do đọc quá nhiều. Ông được xem là “một trong những nhà thơ Việt Nam đọc thơ tây nhiều nhất”. Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, tháng 5/1999, trong lúc đọc thơ tại buổi gặp gỡ với những nhân chứng Trường Sơn, Tế Hanh đột quỵ nằm bất động tới khi qua đời.
Vào cấp cứu trong bệnh viện Việt Xô, một người hâm mộ tên Hải ở Thanh Hóa đã theo luôn nhà thơ về nhà để chăm sóc. Tác giả Trần Đăng đến thăm ông giai đoạn này, kể: “Anh (Hải) đọc liền tù tì những bài thơ của Tế Hanh, từ tiền chiến cho đến thời cách mạng, không vấp một dấu phảy”.
N.M.Hà
(tổng hợp)