Làng tiến sĩ

Làng tiến sĩ
TP - Ngôi làng nhỏ ven sông Cầu hiện có 10 tiến sĩ, đó là làng Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, Hiệp Hoà (Bắc Giang).

Nhà ba tiến sĩ

Hết tuổi công tác, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học La Bình, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Trưởng khoa Hóa vô cơ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở về quê sống tại ngôi nhà nhỏ thuộc thôn Cẩm Xuyên. Ông Bình không thể quên được những ngày khó khăn trước đây phải đi bộ hàng chục kilômet để được học chữ. Ông bảo: Quê ông nghèo lại không có nghề phụ, người dân chỉ biết trông vào mấy thửa ruộng, bố mẹ ông phải làm thuê, làm mướn, bắt ốc, bắt cua bán lấy tiền cho con đi học. Nhưng cũng vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ông luôn bảo ban con phải cố gắng học thành tài để thoát nghèo.

Còn ông, lúc ấy cũng chưa nghĩ được học để làm gì mà chỉ thấy mình thích học và có khả năng tiếp thu được những kiến thức đã học. Năm 1956, ông sang tu nghiệp tại Liên Xô và đạt được học vị tiến sĩ năm 1970. Năm 1992, ông được phong giáo sư. Năm 2006, ông là một trong bốn người đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Với con cái, ông truyền đạt niềm đam mê học ấy cho họ, để bây giờ nhiều người cũng theo bước cha. Con gái đầu của ông là Tiến sĩ La Thái Hà, hiện là giảng viên Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Con gái thứ hai đỗ thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Người con út là La Bắc cũng là tiến sĩ, tốt nghiệp tại Mỹ và đang giảng dạy tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. “Tôi chỉ bảo với các cháu là ruộng đất thì bố mẹ trả hết Nhà nước rồi, bây giờ các con phải tự học để lấy nghề sinh nhai sau này. Cũng may là các cháu đều học được nên mới có kết quả như ngày nay” – Ông Bình nói.

Đất nghèo nuôi chí

Ông La Quang Nhị, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Xuyên cho biết, Cẩm Xuyên là thôn thuần nông, không có nghề phụ, ruộng đất ít, chỉ khoảng hơn một sào/khẩu nên đời sống người dân khó khăn. Nằm sát đê sông Cầu nên trước đây mỗi khi mùa mưa về, cả cánh đồng hầu như ngập trắng. Thế nhưng, người dân ở đây rất chăm lo cho sự học.

Bảy dòng họ lớn như dòng họ La, Ngô, Phạm, Nguyễn… đều thành lập những “dòng họ khuyến học” và đều có nhiều hình thức động viên, khen thưởng con cháu cố gắng học hành. Sự trưởng thành của những người con Cẩm Xuyên như gia đình ông La Bình, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Ngô Thế Chi hiện là Giám đốc Học viện Tài chính, Tiến sĩ Ngô Văn Chúc là Trưởng khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên… là những tấm gương sinh động nhất cho các thế hệ học trò trong thôn noi theo.

Ông Ngô Văn Thìn, Chi hội trưởng chi hội khuyến học thôn Cẩm Xuyên cho biết, hiện nay toàn thôn có 10 tiến sĩ và 8 thạc sĩ. Cử nhân có 81 người và hiện 42 học sinh đang theo học tại các trường đại học. Đặc biệt, có nhiều gia đình khó khăn, phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền nhưng vẫn quyết chí cho con đi học như nhà ông La Văn Thành đang nuôi 2 con là sinh viên đại học, ông Lê Duy Tình có cả 4 người con đều đang học đại học…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG