Cách học như học giả Phạm Toàn đưa ra rất sát thực, tạo ra cơ hội cho phụ huynh học sinh bổ sung cho con em của mình về ý thức dân tộc nói chung, tiếng Việt nói riêng trong xu thế hội nhập văn hoá. Hy vọng sẽ có nhiều sáng tạo như thế để bổ sung vào kho tàng học liệu.- (Phạm Mạnh Hùng)
Rất hoan nghênh nhóm Cánh Buồm đã dốc hết tâm trí để soạn bộ giáo trình cho học sinh lớp 1. Bộ giáo trình rất hay, phương pháp mới nhưng tôi cảm thấy nó quá tải so với học sinh. Chương trình học như hiện nay tôi thấy cũng tốt lắm rồi. Con tôi học bình thường, không đi học thêm, không học trước khi vào lớp 1 nhưng chỉ sau học kỳ I là có thể đọc lưu loát, biết viết hầu hết những chữ thông thường (không quá khó về chính tả). Do đó, tôi thấy không cần phải thay đổi giáo trình nữa. - (DHV)
Sau bao nhiêu năm gắn bó với ngành giáo dục, chứng kiến bao nhiêu lần cải cách, cải tiến và thay đổi chương trình, sách giáo khoa bậc tiểu học, lần đầu tiên tôi được nghe nhóm Cánh Buồm của học giả Phạm Toàn ra mắt bộ sách giáo dục hiện đại trước công chúng.
Chúng ta cần kiểm tra lại kế hoạch giảng dạy, nội dung sách giáo khoa (SGK) mà chúng ta đã và đang thực hiện. Sự gắn bó giữa người soạn và người dạy chưa tương đồng, nội dung giảng dạy nặng về kiến thức mà bỏ quên điều kiện tâm sinh lý của từng đối tượng học. Từ đó đưa đến cách dạy, học “từ chương” để lấy điểm trình độ, chưa thâm nhập, gắn kết giữa “học đi đôi với hành” và nhất là bỏ quên việc giáo dục “kỹ năng sống” cho các em.
Bây giờ, đã có nhóm Cánh Buồm tiên phong trong vấn đề này, và theo tôi nghĩ, nhiều người khác tâm huyết với sự nghiệp giáo dục sẽ tiếp nối... Còn kết quả ra sao sẽ do thầy cô và học sinh đánh giá một cách cụ thể, thực tế nhất. Mong rằng cơ chế “độc quyền SGK” không tạo áp lực lấn át...- (Dương Văn Ngọc)
Tôi chưa từng nghe nói về bộ sách này nên không thể nhận xét gì. Nhưng về mặt nguyên tắc, tôi không muốn phiêu lưu và đưa học sinh ra làm thực nghiệm. Với các môn chính khoá, tôi đề cao việc tuân thủ nội dung chương trình mà Bộ GD&ĐT ban hành. Với các môn tự chọn, trường có thể tìm kiếm tài liệu giảng dạy phù hợp và hiệu quả nhưng đó phải là những tài liệu đã được các nhà quản lý, các chuyên gia thẩm định, giới thiệu. Tôi cho đó là sự thận trọng cần thiết trong một môi trường hoạt động mà trẻ con là chủ thể hưởng lợi. - Nguyễn Thị Diệp (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Hà Nội)
Tôi cũng chưa từng được nghe tới bộ sách của nhóm Cánh Buồm. Tuy nhiên, là một người thích sưu tầm SGK, chắc chắn tôi sẽ tìm mua một bộ để nghiên cứu xem nó có gì khác với bộ chúng tôi đang dạy không. Là giáo viên dạy lớp 1 lâu năm, tôi nhận thấy bộ sách hiện hành có nhiều điều không ổn.
Tôi sưu tầm rất nhiều bộ sách của nhiều nước, của nhiều thời kỳ, chắt lọc từ đó những cái hay để áp dụng vào công việc mình đang làm. Chẳng hạn, tôi xem bộ sách giáo khoa Thực nghiệm của giáo sư Hồ Ngọc Đại và thấy trong đó có nhiều bài dạy trẻ con rất ngộ nghĩnh. Chẳng hiểu bộ của nhóm Cánh Buồm này có liên quan gì tới bộ sách đó không? Dù bộ sách được soạn dựa trên chương trình nào, căn cứ vào cách thức tổ chức hoạt động dạy - học ra sao, theo tôi tiêu chí quan trọng để đánh giá là phải làm cho học sinh học tập hứng thú, hiệu quả. - Hà Thị Vỵ (giáo viên Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội)
Quý Hiên (thực hiện)