Cắt nhầm buồng trứng bệnh nhân?

Cắt nhầm buồng trứng bệnh nhân?
Bị đau bụng âm ỉ, chị Xuân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ở quận Tân Phú, TPHCM thăm khám. Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán chị bị u nang buồng trứng phải bán xoắn. Tuy nhiên, khi phẫu thuật, thay vì điều trị khối bán xoắn kia, bác sĩ lại cắt buồng trứng trái.
Bệnh nhân Xuân bức xúc vì cho rằng bác sĩ đã cắt nhầm buồng trứng của mình. (Ảnh chụp tại cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM)
Bệnh nhân Xuân bức xúc vì cho rằng bác sĩ đã cắt nhầm buồng trứng của mình. (Ảnh chụp tại cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM).


Bệnh nhân: Bác sĩ cắt nhầm

Chị Phạm Thị Xuân, 24 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12 kể: “Ngày 8-3, tôi thấy đau bụng ở vùng hố chậu phải nên đến khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Phú Thọ để khám. Sau khi có kết quả siêu âm, bác sĩ cho biết tôi bị u nang buồng trứng phải bán xoắn, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ”. 14 giờ cùng ngày, chị Xuân được chỉ định phẫu thuật do bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, phụ trách. Ca mổ kéo dài hơn 1 tiếng và bác sĩ Sơn cho biết “an toàn”.

Ngày 11-3, chị Xuân xuất viện. Ngày 16-3, trong lúc đang làm việc, chị bị đau đột ngột. Chị Xuân gặp bác sĩ Sơn để yêu cầu khám lại nhưng bị từ chối. “Bác sĩ Sơn giải thích các triệu chứng đó thuộc bệnh lý nội khoa, không thuộc ngoại khoa”- Chị Xuân bức xúc kể.

Quá lo lắng, chị Xuân đến BV phụ sản Hùng Vương thăm khám lại. Kết quả siêu âm tại đây cho thấy chị bị một “khối cơ nang nằm ở buồng trứng phải”. Điều này đồng nghĩa khối u nang buồng trứng phải được BV Đa khoa Phú Thọ chẩn đoán trước đó vẫn chưa được phẫu thuật. Lục tìm hồ sơ bệnh án từ BV Đa khoa Phú Thọ, chị Xuân tá hỏa khi trong phiếu phẫu thuật, hồ sơ tóm lược bệnh án ghi “phẫu thuật buồng trứng trái xoắn”.

Bệnh viện: Không có chuyện đó!

Ngày 12-7, tại cơ quan đại diện báo Tiền Phong ở TPHCM, chị Xuân cho biết đã đi khám nhiều nơi và các bác sĩ chuyên khoa sản khẳng định khả năng có con của chị rất thấp. “Tôi chưa lập gia đình, nang buồng trứng trái đã bị cắt, trong khi nang phải lại có khối cơ nang nên tôi rất lo lắng về thiên chức làm mẹ của mình”- Chị Xuân nói.

Theo hồ sơ tóm tắt bệnh án của chị Xuân chẩn đoán trước mổ tại BV Đa khoa Phú Thọ: “U nang buồng trứng phải bán xoắn”. Nhưng trong phần điều trị lại ghi “Phẫu thuật cắt bỏ nang buồng trứng trái qua nội soi”. Chẩn đoán sau mổ lại ghi “u nang buồng trứng trái xoắn 180 độ”.

Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn - người trực tiếp phẫu thuật cho biết: “Bệnh viện đã làm đúng và hết trách nhiệm”. Tuy nhiên chị Xuân bức xúc bởi cứ cho là phát hiện ra u nang buồng trứng trái xoắn, tại sao bác sĩ tự quyết định mổ mà không tư vấn, hỏi ý kiến của bệnh nhân? Trong khi phẫu thuật nang buồng trứng xoắn bằng nội soi có thể bảo tồn (giữ lại) được.

Theo tường trình của bác sĩ Sơn, mặc dù siêu âm ban đầu phát hiện u nang buồng trứng phải xoắn nhưng trong khi mổ, các bác sĩ phát hiện u nang buồng trứng lớn 7cm nằm bên trái, xoắn 180 độ nên tiến hành phẫu thuật u nang bên trái chứ không phải bên phải như chẩn đoán ban đầu.

Về việc bệnh nhân khiếu nại tại sao bác sĩ không bảo tồn khi phát hiện u nang buồng trứng trái xoắn, và không tư vấn cho bệnh nhân, xin ý kiến phẫu thuật, bác sĩ Sơn cho biết :“Do u nang quá lớn, chiếm gần như toàn bộ buồng trứng trái và có biến chứng xoắn, nên không có chỉ định bảo tồn”.

Tuy nhiên, bác sĩ Sơn thừa nhận sai sót “không ghi nhận thương tổn hoặc dấu hiệu bất thường của các cơ quan trong ổ bụng, bao gồm cả tử cung và buồng trứng bên phải nên đã không ghi vào tường trình phẫu thuật. Và bệnh nhân Xuân mổ cấp cứu nên bác sĩ đã không làm hội chẩn như mổ chương trình”.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.