Bác sĩ Vương Ngọc Lan tạo phôi bằng cách bơm tinh trùng của người chồng vào trứng của người vợ - Ảnh: T.T.D. |
Nhiều người khi rơi vào tình trạng hiếm muộn nghe ai chỉ đâu là chạy đó. "Chạy" thuốc nam không hết thì bám víu vào thuốc bắc. Chữa thuốc không khỏi lại đi coi bói để đổi bếp, dời nhà.
Nhà mình bỏ hoang ra ở nhà trọ cũng chưa có thai, nhiều người mới "cầu cứu" đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Với những bệnh nhân nghèo, thụ tinh trong ống nghiệm giống như đánh cược với số phận. Ở châu Âu các ca thụ tinh trong ống nghiệm được bảo hiểm y tế thanh toán, còn ở VN thụ tinh trong ống nghiệm đã mở ra giấc mơ nhưng lại là gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình.
Cầm đất, bán nhà
Từ Phước Long (Bình Phước) lên TP.HCM, không người thân thích, không biết đường đi, vợ chồng chị Lê Thị Đẹp lén lút ngủ ở hành lang Bệnh viện Từ Dũ.
Trong thời gian chờ khám bệnh, tối tối hai vợ chồng ăn tạm cơm hàng cháo chợ. Cả ngày họ xếp hàng tại khu khám vô sinh. Bên ngoài, trời rả rích mưa. Bên trong bệnh viện không khí vẫn nóng hầm hập với hàng trăm người đang đứng ngồi.
11 năm cưới nhau, 11 năm họ cúi mặt vào rẫy điều, rẫy mì. Biết bao lần họ rớt nước mắt với những câu dè bỉu: "Ăn ở ác nhơn nên không có con nổi". Khi đã bước qua tuổi 40, hai vợ chồng mới dám đi TP.HCM chữa bệnh.
Bàn tay đen nhẻm, gân guốc của anh cầm chặt kết quả xét nghiệm rồi ngồi bệt xuống nền nhà. Tinh trùng yếu! Muốn có con phải làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tỉ lệ thành công khoảng 35%. Chi phí thấp nhất 30 - 40 triệu đồng. Với những người dân quê như anh chị, số tiền ấy là cả gia tài.
Thoáng trầm ngâm, chị Đẹp an ủi: "Hay là mình cầm sổ đỏ vườn điều đi. Cứ cố hết sức! Được thì vui, không được cũng chịu. Nếu không chạy chữa hết sức mình, em sợ sau này già, hai vợ chồng sẽ hối hận".
Mải miết nhìn một phụ nữ đi khám thai đứng ở gần bãi giữ xe, anh đặt tay vào bụng vợ và ao ước: "Giá như cái bụng bầu đó để vô cái bụng này he!". Anh nhìn cái bụng lép kẹp của vợ, trả lời: "Ừ, còn một tia hi vọng cũng thử!".
Bao nhiêu ca khám vô sinh là bấy nhiêu hoàn cảnh. Vợ chồng chị Đẹp còn may khi có vườn để cầm cố. Với chị Hương - một công nhân với mức lương tròm trèm 1 triệu đồng/tháng, ước mơ có con quá xa xôi.
Ngày biết mình bị tắc ống dẫn trứng, chị khóc ròng. Thương con, cha mẹ chồng đã quyết định bán miếng đất ở Gò Vấp cho chị thụ tinh trong ống nghiệm.
Bác sĩ Vương Ngọc Lan (khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ) vẫn cứ day dứt với một đôi vợ chồng lam lũ nọ đến điều trị trong những ngày cận tết 2007. Sau khi trả kết quả thụ tinh lần một âm tính, bác sĩ khuyên hai tháng nữa quay lại làm lại. Người chồng nói: "Em ở tận Thanh Hóa". "Thế thì hai vợ chồng về quê ăn tết đi, qua tết vô!".
Nghe đến đó, hai vợ chồng khóc: "Em đâu còn về để làm gì nữa. Nhà đã cho mướn. Vườn đã bán hết rồi. Đi về tốn tiền lắm. Em đề nghị bác sĩ làm liền cho em. Ở đến khi nào có bầu, tụi em mới có mặt mũi về quê”.
Với chị Huỳnh Minh Hạnh, khi hi vọng vỡ tan cũng là bắt đầu một bi kịch. Sau năm năm cưới nhau không con, chồng chị đồng ý bán căn nhà. Ban đầu, anh cũng im lặng dọn ra ở nhà trọ với vợ.
Những mong sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, tiếng cười trẻ thơ sẽ bù lại những ngày vất vả của hai vợ chồng. Hồi hộp. Chờ đợi. Và hi vọng. Cho đến ngày thử, kết quả: Chị không có thai!
Người chồng không nói một lời và bỏ đi biệt tích. Dù hai vợ chồng còn phôi trữ đông trong bệnh viện, nhưng sau lần đó, các bác sĩ không thấy chị quay lại nữa.
Đánh đổi tính mạng
Một nghiên cứu của khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ cho thấy: Những người phụ nữ khó có con luôn mang tâm trạng mặc cảm nặng nề; đa số đàn ông bị vô sinh bị mất tự tin. Có người buồn chán, thất vọng sinh ra rượu chè, bỏ bê công việc. Nhiều cặp vợ chồng bị vô sinh phải bỏ xứ ra đi. Cứ 10 người bị vô sinh được hỏi thì tám người sợ họp mặt gia đình, bạn bè… Chỉ cần một câu hỏi: "Sao, có con chưa?" đủ làm họ sợ hãi, ngại ngùng. |
Gần 40 tuổi, một mình sống trong căn nhà ở TP.HCM, nhìn bạn bè dắt con đi chơi, chị Trong cũng khao khát có một gia đình. Chị sợ căn nhà trống trải. Chị thèm có người chia sẻ cùng chị những điều buồn vui.
Thế nhưng căn bệnh tim bao năm qua đã khiến chị kìm nén nỗi khát khao rất phụ nữ ấy. Mặc cảm và không muốn làm khổ người đàn ông mình yêu thương, chị quyết không lập gia đình. Tuy nhiên, càng ngày chị càng mong có một đứa con.
Cuối cùng, chị tìm đến Bệnh viện phụ sản Quốc tế Sài Gòn xin tinh trùng vô danh để thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ cho biết: Bệnh của chị sẽ cực kỳ nguy hiểm khi mang thai, nguy hiểm nhất có thể hi sinh cả tính mạng.
Tuy nhiên, người phụ nữ ấy không ngại ngần khi đưa ra quyết định: "Tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định chấp nhận mọi giá. Điều tôi cần nhất là một đứa con!".
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Sương, trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương, trăn trở: "Theo qui định, bệnh viện từ chối những ca thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ trên 45 tuổi. Nhưng vì mong có một đứa con, không ít bà mẹ đã làm lại giấy tờ, khai tuổi trẻ hơn thực tế".
Ba trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ năm 1998 - Ảnh: T.T.D. |
Bác sĩ Sương nhớ có một Việt kiều Pháp đã tìm đến bệnh viện. Chị khai mới 40 tuổi. Lúc đó, Bệnh viện Hùng Vương mới triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, ca thụ tinh ấy thất bại, người phụ nữ ngậm ngùi trở về nước.
Sau này, khi đi công tác tại Pháp, bác sĩ Sương gặp lại người phụ nữ ấy. Lúc này chị mới thú thật: Khi đến bệnh viện chị đã 48 tuổi. Hai vợ chồng cưới nhau đã lâu, chồng chị ngày càng lớn tuổi và rất mê em bé.
Dù rất yêu chồng nhưng chị quyết định sẽ chia tay nếu không thể cho anh một đứa con. Chị sợ cuộc chia tay ấy nên âm thầm trở về VN thụ tinh trong ống nghiệm.
Sợ bệnh viện không nhận điều trị, chị đã chuẩn bị sửa năm sinh trong giấy tờ. Sau đó đi căng da mặt, nâng chân mày để nhìn trẻ hơn. Chị đã lừa dối vì khát khao được như những phụ nữ bình thường: Được làm mẹ!
Theo Yến Trinh
Tuổi trẻ