Trong đó, ít hay nhiều, xuất hiện trong thoáng chốc hay đậm đặc, nhưng đều có chất huyền hoặc, thậm chí ma quái. Những điều khó tin nếu đòi hỏi thực chứng, nhưng vẫn luôn tồn tại trong cảm thức của mỗi người.
Từ lâu, cái thật, thậm chí thật thà vẫn chiếm lĩnh văn chương Việt Nam. Hiện vẫn tràn ngập một lối viết tả chân và đa số người viết hiện nay vẫn tin rằng đây là cách viết đúng đắn nhất.
Trong bối cảnh đó, những tìm tòi trong phong cách - nội dung của nhà văn trẻ Di Li có thể coi là một con đường mới.
Ám ảnh, cuốn hút nhất trong tập, phải nói đến truyện “Bức tranh và ngôi nhà cổ”. Với kết cấu trinh thám – kinh dị, câu chuyện tạo ra được một không khí – cái vô cùng quan trọng, không chỉ trong thể loại này, nhưng đặc biệt cần trong thể loại này.
Câu chuyện bắt đầu từ một bức tranh lạ, từ hình thức đến nội dung, và bất cứ ai định mua bức tranh đều bị một lực lượng vô hình cản trở. Bức tranh, chỉ được giao vào tay hai nhân vật có từ tâm – như một định mệnh.
Hai nhân vật này phải vượt qua những cản trở ghê gớm, mà cản trở lớn nhất chính là tính chất hoang đường của toàn bộ câu chuyện gợi ra từ bức tranh.
Câu chuyện cuốn hút với nhịp độ nhanh: Cuộc tìm kiếm và thám hiểm căn phòng bí mật, các nhân vật chính phải đối phó với kẻ thủ ác xảo quyệt... Những “lối đi sâu, cầu thang dốc và xoáy hình trôn ốc”... những “pho tượng với những khuôn mặt nhăn nhúm, khổ sở với đôi mắt hoặc đang kinh hoàng, hoặc đang ai oán”... được sử dụng hiệu quả.
Truyện Tầng thứ nhất (được lấy tên cho tập) lại có một kết cấu khác. Câu chuyện kể về một... nhà báo với cuộc sống dưới địa ngục. Câu chuyện được dẫn dắt với những tình tiết hài. Cái hài này, được thể hiện bằng những câu văn ngắn gọn nhưng sắc nhọn, cũng là một thế mạnh của cây bút này.
Di Li tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nôi. Truyện ngắn Cocktail của chị (cũng có mặt trong tập) đã đoạt giải ba trong cuộc thi Truyện ngắn TC Văn Nghệ Quân Đội 2005-2006.