Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà văn Kim Lân

Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà văn Kim Lân
TP - Cuộc trò chuyện ông dành cho báo chí diễn ra tại nhà riêng của ông ở xóm Hạ Hồi, Hà Nội cách đây chưa lâu. Thế mà chiều qua, ông đã ra đi...

Hơn 15 giờ 30 chiều qua, 20/7, nhà văn Kim Lân đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu Nghị. Nghe tin này tôi gai cả người, bởi cách đây ít lâu dù không được khỏe nhưng ông vẫn vui vẻ tiếp tôi tại nhà riêng ở xóm Hạ Hồi (Hà Nội). Và đây chính là cuộc trò chuyện cuối cùng ông dành cho cánh báo chí...

“Cu Tràng cũng là tôi, con chó xấu xí cũng là tôi…”

Đọc những tác phẩm của ông, người ta nhận thấy đó đều là những cái ông rút ruột ra mà viết?

Tôi chủ trương từ lâu viết về những con người bình thường, đó là những người nông dân. Vì tôi quan niệm rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước đúng hay sai nó nằm ở đời sống người dân. Những người bình thường đó bao giờ cũng thiệt thòi. Nên nhà văn muốn đòi cho những con người đó quyền làm người và quyền sống.

Ngày xưa cũng có những lần tôi đi công tác viết theo yêu cầu, nhưng những thứ đó viết ra đều rất nhạt, khô cứng, và đọc lên cứ thấy nó giả thế nào ấy. Bởi nó không thuộc cái của mình.

Tôi xuất phát từ anh nông dân nghèo, nên khi viết về chính những người đó thì mình lại dốc mình ra mà viết. Ví dụ như Lão Hai (trong truyện Lão Hai - pv) là tôi, anh cu Tràng trong Vợ nhặt cũng là tôi và thậm chí con chó xấu xí (trong truyện Con chó xấu xí - pv) cũng là tôi…

Nhìn lại một số tác phẩm của mình, nhiều truyện tôi viết về tôi: Một con chó cũng là tôi, thằng Tràng lấy vợ nhặt, tưởng như là không phải tôi, vì tôi có cưới đàng hoàng và cũng không bao giờ nhặt được ai cả. Nhưng nó cũng là tôi, vì khi viết truyện ngắn đó tôi cũng vừa mới lấy vợ (có cưới xin hẳn hoi, không phải nhặt), nhưng lấy vợ được ít ngày thì gặp đói.

Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà văn Kim Lân ảnh 1

Kim Lân tên thật là Nguyễn Kim Tài. Ông sinh ngày 1/8/1920, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Do hoàn cảnh khó khăn, ông lại là con “vợ lẽ” nên học chưa hết bậc tiểu học thì phải đi làm. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết  về làng quê Việt Nam- mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc.

Những tác phẩm chính của ông gồm: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn năm 1962)…

Trong cả hai gia đoạn tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay.

Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn và của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng…

Theo Bách Khoa toàn thư Việt Nam

Trong gia đình tôi cũng chỉ có ba người: tôi, vợ tôi và bà mẹ. Thì cái cảnh của tôi khi đó cũng không khác gì là cảnh mới nhặt được vợ trong truyện. Hai nữa là chính những ngày đói kém đó, vợ tôi cũng đi buôn cám, đã thế bà mẹ tôi tên là bà Tam, thì trong truyện tôi gọi là bà Tứ.

Thực ra khi viết tôi cũng không nghĩ rằng lấy mình ra để viết, mà chỉ nghĩ trong đầu là viết về cái đói nhưng con người vẫn yêu đời, tin ở con người dù cái đói bao vây xung quanh, vẫn tin yêu, đùm bọc nhau và vẫn tràn đầy khát vọng sống. Nhưng sau khi viết xong, nghĩ lại thì hóa ra lại là viết mình.

Thế còn truyện ngắn “Con chó xấu xí”?

Tôi viết “Con chó xấu xí” là viết sau khi xảy ra chuyện “nhân văn giai phẩm”. Tuy tôi không bị liệt vào nhóm Nhân văn giai phẩm nhưng lúc bấy giờ người ta xướng ra việc đấu tranh với “nhân văn giai phẩm” thì có 5 người không tham gia việc “đánh” Nhân văn giai phẩm, gồm có: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng.

Chúng tôi không tham gia hội họp, không viết bài “đánh”… vì chúng tôi cho rằng đó đều là anh em mình cả. Chúng tôi chỉ muốn, nếu thực sự họ sai thì phải thuyết phục họ, vì tất cả đều mới ở trong kháng chiến mà ra cả (Hoàng Cầm, Trần Dần, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt...). Nhưng chính vì không tham gia, nên người ta cũng ghét chúng tôi.

Và chính “Con chó xấu xí” là ông viết để tự bạch tâm trạng của mình với mọi người lúc bấy giờ?

Đúng thế ! Tôi chỉ muốn nói rằng, tuy tôi có là con chó xấu xí nhưng vẫn trung thành với chủ. Nguyễn Công Hoan đọc xong bảo “thằng này ngu bỏ mẹ, tự nhận mình là con chó!”. Ông Văn Cao thì nhận xét “gớm cậu viết võ kín quá!” làm tôi sợ.

Thực ra mình chỉ muốn làm kẻ đội đơn quỳ dưới công đường nói rằng “tôi bị oan”. Còn Nguyễn Minh Châu khi nói chuyện với các nhà văn trẻ, lấy chuyện đó ra mà rằng “viết văn thì phải có văn, giống như Kim Lân viết Con chó xấu xí. Sau này ông ấy chết chỉ cần mang nó ra mà đọc điếu văn”.

Nhưng ông đâu có bị “đánh” mà kêu oan?

Cũng bị đánh chứ, vì khi đó tôi có viết một truyện ngắn “Ông lão hàng xóm”, ngày ấy cũng là chuyện nói về sai lầm trong cải cách ruộng đất. Lúc bấy giờ in ra, nhiều người thích vì cho rằng viết thế là dữ dội. Cộng với mình lại thêm tội “không chịu viết bài để đánh nhân văn giai phẩm” thế là người ta cũng không ưa chúng tôi luôn…

Những người bạn viết với ông như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân…  thường có sức viết rất khỏe và không nghỉ ngơi. Thậm chí Tô Hoài nay vẫn còn viết mạnh. Còn ông có một thời gian dài không thấy ông viết gì, vì sao vậy?

Tôi nói thật, nghề các anh ấy giỏi hơn tôi. Còn tôi, về sức viết và nghề viết là yếu. Vì mình là người vừa ít học lại đọc cũng ít. Nên chủ yếu tôi viết những cái gì nó thuộc về tôi là tốt.

Nói thật, tôi không viết hay được về những nhân vật tích cực, hăng hái. Cái đó mọi người viết tốt hơn tôi. Nên các truyện của tôi đều viết về những người nghèo, bị thiệt thòi trong đời sống… Nếu phải viết trái với ý mình là tôi không viết được.

Thế trong thời gian dài không viết ấy, ông làm gì?

Tôi làm nhiều chứ! Không một tờ báo, nhà xuất bản nào của Hội (Nhà văn) mà tôi không làm. Rồi tham gia giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng viết văn. Tôi với anh Nguyên Hồng làm việc này rất hợp nhau. Cũng có thời gian khá dài tôi làm ở Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội.

Tôi chủ yếu làm biên tập ở Nhà xuất bản (Hội Nhà văn). Khi làm công tác bồi dưỡng ở trường viết văn của Hội với anh Nguyên Hồng. Tôi và anh Hồng coi các anh, chị đến học tập đều là những người bạn thân thiết của mình.

Khi nhà văn làm diễn viên điện ảnh

Cuộc trò chuyện cuối cùng với nhà văn Kim Lân ảnh 2

Nhà văn Kim Lân và NSND Nguyễn Đăng Bảy (anh vợ) tại vườn nhà ngày 19/2/2006. Ảnh: N.Đ.Toán

Ngoài tác phẩm văn chương, công chúng còn biết đến nhà văn Kim Lân như là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng nhất trong số những nhà văn từng tham gia đóng phim. Lý do đến với điện ảnh của ông?

Thú thực, tôi là diễn viên kịch thực thụ của Ban kịch Hà Nội. Vì tôi với Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Trần Hoạt là cùng quê với nhau. Và chúng tôi được anh Chu Ngọc bảo ra đóng kịch, thì đi đóng.

Kịch Kiều Loan là tôi có tham gia diễn. Nên khi tôi đóng phim cũng đóng được. Nên khi đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng vai lão Hạc thì tôi nhận lời, vì tôi và lão Hạc có những cái rất gần nhau: Nghèo nhưng không hèn. Tôi rất thích cái tính cách ấy.

Tôi tham gia đóng nhiều phim, nhưng vai mà tôi tâm đắc nhất vẫn là lão Hạc trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”.Vì tính cách của mình rất gần với tính cách lão Hạc, rồi cái hình thức bên ngoài cũng vậy, ăn nói thì thều thào, thảm hại…

Khi vào vai lão Hạc, ông có gặp khó khăn nào khi mà phải đóng với một “chú Vàng”?

Hồi đó đạo diễn Phạm Văn Khoa mua cho tôi một con chó xồm, màu vàng, đưa về cho tôi nuôi trong vòng 2 tháng. Nhưng vì là con chó già, nên việc thuần phục nó rất khó, mãi tôi mới cho nó ăn và dắt nó đi chơi được.

Nhưng đến lúc ra trường quay, đèn chiếu sáng loáng, người xem lại đông, nên nó sợ, đả thương mấy người. Quay được một ngày thì bị anh đạo cụ bực mình quá đập chết. Vì thế ở trong phim nếu người tinh mắt xem thì là hai con chó diễn chứ không phải một.

Đang lúc gay go tìm chó thay thế, anh đạo cụ đi lang thang tìm khắp nơi, tình cờ vào một lò gạch hút thuốc lào nói chuyện thì tay chủ lò gạch khoe “úi, tôi có con chó tuyệt lắm”. Con chó có tên là Gấu. Thời điểm máy bay Mỹ ném bom ra Bắc, nó từng được chủ giao cho đi chăn 30 con bò. Con này to lắm, nó cao bằng nửa người tôi.

Thoạt nhìn sợ lắm (không giống với con chó trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao, gầy gò và bé - NV). Tay chủ lò gạch dắt chó đến giao cho tôi và nói “Gấu, ông này là át chủ bài của mày nhá”. Tôi cầm, dắt nó đi một vòng. Rồi mua kẹo lạc cho nó ăn…

Trong phim có chuyện lão Hạc bán con Vàng, sau khi tôi cho nó ăn, mới đưa thòng lọng vào cổ nó. Thực tình khi đó tôi rất sợ nó cắn, nên mới đứng dậy quay mặt đi. Nhưng khi lên phim thì người xem lại nghĩ lão Hạc vì thương con Vàng mà không nỡ nhìn nó khi người ta dắt nó đi… (cười). Từ đấy người ta cứ gặp tôi là lại gọi “Lão Hạc, kìa lão Hạc kìa…!”.

Nay có còn ai gọi ông là Lão Hạc nữa không?

Có lần tôi vào Buôn Ma Thuột, đi qua chợ thấy người dân đứng lên chỉ trỏ, gọi “Lão Hạc!”. Khi ấy tôi lại đi cùng với diễn viên Bùi Cường (người đóng Chí Phèo), thế là úi giời, người ta đi theo cả đoàn…

Tôi với Bùi Cường phải lẻn vào một quán cà phê ngồi mới thoát. Cho đến bây giờ cũng thế, hàng ngày tôi vẫn đi bộ quanh hồ Thiền Quang, dân tình gặp vẫn gọi mình là lão Hạc, nhưng cũng có người biết tôi là Kim Lân.

Vui vì có con nổi tiếng

Cả viết văn và đóng phim, ông đều có những thành công, nhưng phần lớn các con ông lại làm họa sỹ?

Trong nghệ thuật, có một số nghề như chèo, tuồng thì người ta thường truyền cho con cháu, nhưng viết văn thì rất khó truyền. Nên tôi có 7 đứa con thì 5 đứa là họa sỹ.

Vì thực ra, khi còn ít tuổi tôi rất thích vẽ. Tôi lại may mắn được giới thiệu đi làm sơn mài cho họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Nên, đầu tiên là tôi ao ước được làm họa sỹ, nhưng nếu làm họa sỹ phải ra Hà Nội học, và ít nhất cũng phải có bằng tốt nghiệp tiểu học, mà tôi thì lại thi trượt tốt nghiệp tiểu học. Bởi thế không đủ sức mà theo nghề họa.

Chính vì thế tôi luôn nghĩ là phải cho con Hiền (chị cả), thằng Chương (họa sỹ Thành Chương - con trai trưởng) đi học làm họa sỹ.

Chính ông đã định hướng để họa sỹ Thành Chương đi theo con đường hội họa?

Đúng thế! Tôi định hướng ghê gớm lắm. Khi nó thi vào trường Mỹ thuật thì vốn kiến thức ban đầu về hội họa là tôi dạy cho nó đấy chứ. Rồi khi nó học ở trường Mỹ thuật rồi tôi vẫn thường xuyên dắt nó đến nhà các họa sỹ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Nguyễn Tiến Chung…

Nó cứ vẽ được cái gì thì tôi lại đưa đến những họa sỹ này nhờ họ góp ý cho. Kể cả con Hiền (họa sỹ Nguyễn Thị Hiền-một trong những nữ họa sỹ được nhiều người biết đến).

Nay trong giới họa sỹ, Thành Chương là họa sỹ khá nổi tiếng được nhiều người biết đến và tranh bán cũng chạy. Còn ông, nhìn vào sự nghiệp hội họa của con mình ông có hài lòng không?

Tôi nghĩ nhiều người ở cái tuổi như tôi (năm nay ông vừa tròn 87 tuổi) con cái hư cũng có, nhưng con tôi dù cũng có những ảnh hưởng của xã hội, song chúng đều là những người tốt. Có chút sự nghiệp hội họa tốt.

Tôi có 7 đứa con thì có tới 5 đứa đi theo con đường hội họa: Con gái cả Nguyễn Thị Hiền vẽ giản dị nhưng rất có chiều sâu; thằng Chương vẽ cũng tốt…

Ông có hay sang Phủ Thành Chương?

Cũng ít lắm. Mới được vài lần. Ví dụ khi nào có quay phim, hay khi đón những vị khách quan trọng, như hồi có Hoàng hậu Thụy Điển… Phủ to quá, mình cũng thấy ngợp.

Vả lại bây giờ tuổi đã cao, đi xa quá tôi cũng thấy ngại. Với lại tính tôi không đi ngủ ở đâu được, ngoài cái Xóm Hạ Hồi này. Bây giờ già rồi, chẳng muốn đi đâu nữa.

Xin cảm ơn ông !

Bá Kiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.