Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, từ 2007 đến 2009, Việt Nam đã thu hút được hơn 4 nghìn dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với số vốn đăng ký hơn 114 tỷ USD, cao hơn gần 4,5 lần so với mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn năm năm (2006 - 2010).
Năm 2009, ĐTNN vào Việt Nam suy giảm, ước đạt 21,4 tỷ USD.
Sau ba năm gia nhập WTO, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất. Có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Malaysia đứng vị trí thứ nhất.
Bên cạnh các địa bàn thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An), FDI đã đến nhiều tỉnh khác.
Duy trì điều kiện đầu tư trong một số ngành dịch vụ
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc, trong ba năm vừa qua, vốn FDI thực hiện cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Năm 2009, ước vốn giải ngân đạt 10 tỷ USD. Tính chung cả ba năm, vốn thực hiện đạt 29,5 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm (2006 - 2010).
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập. Đóng góp của khu vực ĐTNN trong GDP cũng gia tăng mạnh trong giai đoạn này.
GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam vài năm qua.
Theo biểu cam kết của nước ta gia nhập WTO, kể từ ngày 1-1-2009 không hạn chế hình thức đầu tư - liên doanh hay 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực phân phối.
Các Cty có vốn ĐTNN trong lĩnh vực phân phối được phép cung cấp dịch vụ đại lý hoa hồng, bán buôn, bán lẻ tất cả các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam và các sản phẩm nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, ngoại trừ: xi măng và clinke, lốp (trừ lốp máy bay), giấy, sắt thép, thiết bị nghe nhìn, rượu và phân bón.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc, trong ba năm thực hiện cam kết gia nhập WTO cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài đều có sự đồng thuận cao trong việc đề nghị Chính phủ tiếp tục duy trì điều kiện đầu tư, kinh doanh trong một số ngành dịch vụ theo hướng không thay đổi điều kiện đã được áp dụng trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO.
Đây là điều kiện để đảm bảo sự ổn định của môi trường đầu tư, tránh tạo ra những rào cản mới đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.