Lóc filê cá tra. Ảnh: Sáu Nghệ |
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Kết quả là nỗ lực lớn, trong tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng đã thấy rõ nguyên nhân làm cho hiệu quả sản xuất cá tra còn thấp”.
Năm 2009, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang 133 thị trường. Trong đó, ba thị trường hàng đầu đều có kim ngạch trên 100 triệu USD là Mỹ, Tây Ban Nha, Đức. So với năm 2008, cá tra mất 14 thị trường cũ, có thêm 17 thị trường mới.
Một thị trường chồm hổm
Sản phẩm cá tra xuất khẩu vẫn chủ yếu là filê đông lạnh nên giá thấp. So với năm 2008, xuất khẩu cá tra năm 2009, giảm mạnh hơn ở hầu hết các thị trường. Thậm chí, một số thị trường tăng được sản lượng mà kim ngạch vẫn giảm, vào Tây Ban Nha sản lượng tăng 9% nhưng kim ngạch giảm 0,6%.
Các số liệu tương ứng ở Đức là tăng 0,2% giảm 1,7%, Trung Quốc tăng 4,6% giảm 2,4%, Hồng Kông tăng 3,9% giảm 3,3%. Duy nhất ở thị trường Nga tăng được giá trị, nhưng không lớn, trong lúc sản lượng lại giảm lớn.
Trên thị trường thế giới, cá tra Việt Nam vẫn có thế mạnh gần như độc quyền. Tuy nhiên, năm 2009 đã phải chứng kiến cá tra bị nói xấu nhiều nơi, một số thị trường đã cấm (sau mở lại) hoặc lăm le cấm như Nga, Ucraina.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương so sánh, Na-uy có sản phẩm cá hồi cũng gần như độc quyền và họ luôn giữ được giá trị cao với sản lượng xuất khẩu duy trì ở mức 800.000 tấn/năm. Còn cá tra Việt Nam, ai muốn nuôi, chế biến, kinh doanh đều được, tạo nên một thị trường chồm hổm, cạnh tranh bất kể nên làm hại nhau, Thứ trưởng Phương nói.
Giảm sản lượng, tăng kim ngạch
Theo Hiệp hội Chế biến & Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cả nước hiện có 281 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, trong đó chỉ khoảng 100 doanh nghiệp có nhà máy chế biến.
Hiện nay, người nuôi cá tra khó kiếm lời 10% doanh thu. Bộ NN&PTNT cho rằng, phải phấn đấu để người nuôi được lời tối thiểu 30% như nhiều nông sản khác. |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, ông đi ra nước ngoài càng thấm thía việc làm ăn tự phát gây hại lớn, đôi khi chỉ lô hàng nhỏ kém chất lượng của một doanh nghiệp nào đó mà tất cả sản phẩm cá tra bị coi thường.
Năm 2009 cũng là năm đánh dấu việc các cơ quan nhà nước có sự tập trung cho một sản phẩm chiến lược là cá tra. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương dẫn đầu các đoàn công tác đi đàm phán về thị trường cá tra ở Mỹ, EU, Nga và Ucraina, Ba Lan.
Bộ NN&PTNT thành lập ban điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga để chủ động đàm phán khi nước này tuyên bố tạm ngừng nhập cá tra (ngày 20-12-2008). Sau đó Nga đã mở cửa trở lại.
Ngày 18-5-2009, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm Trưởng ban. Kết quả, đã có khoảng 80% diện tích nuôi cá gắn với nhà máy chế biến.
Tổng kết năm 2009, Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL cho rằng, chất lượng chuỗi sản xuất cá tra chưa được kiểm soát là yếu kém lớn nhất hiện nay. Thấy rõ điểm yếu này, Bộ NN&PTNT đặt kế hoạch tăng cường kiểm soát chất lượng.
Bộ sẽ ban hành các quy định kỹ thuật, địa phương tăng cường kiểm tra, đưa sản xuất cá tra vào ngành sản xuất có điều kiện. Các nhà máy tăng sản phẩm chế biến có giá trị cao để tăng giá xuất khẩu, từ đó tăng giá mua cá tra nguyên liệu.
Năm 2010 duy trì diện tích và sản lượng cá tra tương đương năm 2009 là trên 6.000 ha và 1,2 triệu tấn. Xuất khẩu ở mức 600.000 tấn nhưng kim ngạch tăng lên 1,5 tỷ USD.