Đánh giá về những thách thức trong năm 2010, TS Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam là một trong số rất ít nước đi qua suy thoái kinh tế sớm hơn so với các nước khác.
Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế thế giới đã qua đi nhưng những điểm yếu bên trong của nền kinh tế vẫn còn tồn tại và có thể sẽ trầm trọng hơn nếu không được tập trung giải quyết trong thời gian tới.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Một trong những điểm yếu cần lưu ý đó là thị trường Việt Nam phát triển không đồng bộ, nguồn nhân lực cho doanh nghiệp dù linh hoạt nhưng vẫn yếu và sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn thấp.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy, năng lực quản trị doanh nghiệp ở tầm vĩ mô còn thấp xa so với yêu cầu. Cũng theo ông Thiên, dù năm 2009, Việt Nam đã phục hồi rất tốt nhưng câu hỏi đặt ra là chi phí cho phục hồi của Việt Nam như thế nào.
Theo đại diện Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam cần thận trọng với nguy cơ lạm phát trong năm 2010. Chống lạm phát sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất của năm 2010.
Những yếu tố làm gia tăng lạm phát đã xuất hiện tương đối rõ và thể hiện qua việc tăng trưởng tín dụng trong năm ngoái đã vượt quá mức khống chế của Chính phủ khi đạt tới 39%.
Cùng với đó, chi tiêu cho đầu tư cũng tăng rất mạnh, kéo theo thâm hụt ngân sách lên tới 6,9%, ở mức cao nhất trong các năm từ trước đến nay.
“Việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là lựa chọn chính xác. Trong thời gian tới cần tập trung các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và tiến hành cải cách mạnh hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng như các tập đoàn kinh tế, không để khu vực này trở thành nơi hút tiền quá lớn”- Ông Thiên đánh giá.
Nguy cơ lạm phát trở lại trong năm 2010 - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Cũng theo ông Thiên, quyết định tăng lương của Chính phủ trong năm nay là rất đúng đắn do Việt Nam đã trải qua một thời gian quá dài tăng trưởng nóng, lạm phát cao.
Cần chuyển hướng xuất khẩu
Đánh giá về những thách thức với Việt Nam trong năm 2010, ông Matthias Duhn, Giám đốc Phòng Thương mại châu Âu tại Hà Nội (Eurocham) cho rằng thách thức lớn nhất cho Việt Nam trong năm 2010 là cân bằng tăng trưởng một cách cẩn trọng mà không thúc đẩy lạm phát đồng thời đưa ra những giải pháp phát triển bền vững dài hạn cho đất nước.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu và chủ yếu dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu, da thuộc, may mặc, gạo và cà phê.
“Một trong những vấn đề chủ chốt của phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam là dịch chuyển từ xuất khẩu các mặt hàng cơ bản sang xuất khẩu các mặt hàng cao cấp hơn, có giá trị gia tăng về mặt lâu dài, đặc biệt trong ngành công nghệ cao.Ngay như chuyện một cái áo xuất khẩu thì các thành phần chủ yếu đều là nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp bằng việc gia công mà thôi ”- Ông Matthias nói.
Theo đại diện Eurocham, để thực hiện việc chuyển dịch tới ngành sản xuất công nghệ cao, thu hút đầu tư từ châu Âu và quốc tế thì Việt Nam cần giải quyết 3 vấn đề: Cơ sở hạ tầng; giáo dục và các chính sách tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ.
Riêng về cơ sở hạ tầng không chỉ giới hạn ở cầu đường, sân bay mà còn bao gồm cung cấp năng lượng.
Năm 2009 có những chậm trễ đáng lo ngại trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Sự gia tăng nhu cầu vận chuyển container đã và đang thách thức năng suất cảng cửa khẩu và sẽ trở thành một trong những rủi ro hạn chế hiệu quả đầu tư trong tương lai nếu không được coi là vấn đề cấp thiết.