Kết quả điều tra của hiệp hội chăm sóc giấc ngủ Mỹ cho thấy, trên dưới 50% người Mỹ mắc triệu chứng mất ngủ ít nhất 1 lần/ tuần. Tại châu Âu, khoảng 4%- 22% số người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chứng mất ngủ.
Khảo sát tại Trung Quốc trên 10.000 đối tượng cho thấy, 42,5 % số người gặp phải những rắc rối về giấc ngủ như: dễ tỉnh giấc, tỉnh giấc quá sớm, thiếu ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc…
Mất ngủ đã trở thành vấn đề phổ biến hiện nay, mà đối tượng chính là phụ nữ và người cao tuổi. và người cao tuổi. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người.
“Ngoài chế độ dinh dưỡng, tác động yếu tố môi trường, việc giấc ngon cũng là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu cho một cơ thể khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ”, kết luận của chuyên gia Tư vấn và chăm sóc sức khỏe Mỹ.
Dưới đây là những cách để hình thành” đồng hồ sinh học” cho giấc ngủ chất lượng:
1. Điều chỉnh thời gian ngủ hợp lý
Hàng ngày nên đi ngủ và thức dậy đúng giờ (kể cả ngày nghỉ) để tạo thói quen và hình thành đồng hồ sinh học.
2. Ngay cả khi mất ngủ cũng không nên "ngủ cố”
Nên thức dậy theo đúng thời gian đã định ngay cả khi mất ngủ, không nên ngủ cô, gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu. Sau khi ngủ dậy nên vận động nhẹ nhàng, cố gắng không nên kéo dài thời gian ngủ trưa hơn thường lệ.
3. Ăn uống theo giờ giấc, bữa tối không nên ăn quá no
Ăn uống cần đúng giờ giấc, việc quá bữa (thời gian ăn khác thường ngày) sẽ làm giảm khẩu vị và hứng thú ăn uống.
Những thực phẩm, đồ uống, dược liệu có nhiều chất béo, protein hoặc có tác dụng gây hưng phấn cho thần kinh không được “hoan nghênh” cho bữa tối. Bởi chúng cần thời gian tiêu hóa khá dài, trong khi ăn tối xong là thời gian đi ngủ.
Khi ngủ, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, do đó quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng sẽ chậm lại, nếu cơ thể dư thừa quá nhiều chất khó hấp thụ sẽ có cảm giác khó chịu, gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc.
4. Trước khi ngủ không nên đọc sách báo, tạp chí hay xem phim hành động
Thay vì xem những thứ gây kích thích mạnh tới trí não: sách báo, phim ảnh… làm mất ngủ, bạn nên vận động chân tay nhẹ nhàng như: mat-xa, xoa bóp, tập Yoga… nhằm giúp cơ thể thư thái hơn, dễ chìm vào giấc ngủ.
5. Phòng ngủ yên tĩnh, nhiệt độ thích hợp và tránh ánh sáng mạnh, tiếng ồn
Đây là một trong những điều kiện tối thiểu để có được giấc ngủ sâu và chất lượng.
6. Nếu có việc cần gấp phải làm hay những lo lắng về tâm lý, hãy viết chúng ra giấy
Việc làm tưởng chừng đơn giản này vô cùng hiệu quả. Nó như san sẻ “gánh nặng” tâm lý cho bạn. Khi đã chắn chắn “loại bỏ” những lo toan thì chứng mất ngủ sẽ không tìm đến bạn.
Nếu gặp rắc rối quá nghiêm trọng về tâm lý, nên đến khám bác sỹ và dùng các loại thuốc an thần đúng theo chỉ định. Không được ỉ lại quá nhiều vào thuốc mà nên điều chỉnh những thói quen xấu: uống rượu bia, hút thuốc lá, áp lực cuộc sống… đồng thời, “nuôi dưỡng” những thói quen ăn uống, sinh hoạt, vận động tốt để đẩy lùi chứng bệnh ngày càng phổ biến này.
Phạm Hằng
Theo People