Tắm trong bồn có nhiều công dụng như giảm triệu chứng đau nhức khớp, giảm táo bón và bệnh về đường hô hấp |
1. Tắm trong bồn hoặc dưới vòi hoa sen.
Liệu pháp này có nhiều công dụng như giảm triệu chứng đau nhức khớp, giảm táo bón và bệnh về đường hô hấp.
Nếu bạn tắm bằng nước lạnh sẽ giúp hạ sốt, hết mệt mỏi. Tắm bằng nước pha thảo dược làm cho cơ thể thư giãn và có tác dụng dưỡng da.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp và phụ nữ có thai cần tránh dùng nước nóng; trẻ em, người cao tuổi nên dùng nước ấm.
Ngâm mình trong nước ngập tới cổ giúp điều trị chứng bệnh mất ngủ, buồn bực khó chịu, nóng trong
2. Ngâm mình trong nước ngập tới cổ.
Bạn cần dùng nước lạnh hơn nhiệt độ cơ thể chút ít để ngâm mình, giúp điều trị chứng bệnh mất ngủ, buồn bực khó chịu, nóng trong.
Sau khoảng 20 phút, lại thêm nước lạnh mới để nhiệt độ duy trì ở mức như trước.
Ngâm chân bằng nước nóng rồi lại chuyển sang ngâm bằng nước lạnh là liệu pháp rất hữu hiệu giúp giảm phù chân
3. Ngâm chân trong nước nóng và nước lạnh.
Ngâm chân bằng nước nóng rồi lại chuyển sang ngâm bằng nước lạnh là liệu pháp rất hữu hiệu giúp giảm phù chân.
Ngâm chân bằng nước nóng giúp giảm đau đầu, tức ngực, đau bụng kinh ở phụ nữ...; sau khi ngâm khoảng 10-30 phút, cần cho thêm nước nóng để giữ nhiệt độ ở mức như trước; khi kết thúc nên giội chân bằng nước lạnh.
4. Ngâm chân trong nước tăng dần độ nóng.
Đầu tiên bạn ngâm chân bằng nước ấm tương đương nhiệt độ cơ thể, sau tăng thêm nước nóng lên khoảng 40 độ và ngâm trong khoảng 10-15 phút.
Liệu pháp này có thể thực hiện hằng ngày có tác dụng tốt đối với người thường xuyên bị lạnh chân, bắt đầu có triệu chứng cảm cúm hoặc người mệt mỏi; nên tránh dùng liệu pháp này với những người bị giãn tĩnh mạch.
5. Ngâm chân bằng nước lạnh.
Bạn để ngập nước thật lạnh tới nửa ống chân cho đến khi có cảm giác tê cứng hoặc nước hết lạnh; lau chân và đi lại cho đến khi chân khô.
Liệu pháp này giúp giảm chứng giãn tĩnh mạch, đau đầu, huyết áp thấp, mất ngủ, hay cảm cúm hoặc ra mồ hôi chân; song liệu pháp này không hợp với người cao huyết áp, viêm bàng quang, tiểu đường.
6. Mát xa bằng khăn thấm nước lạnh.
Đây là liệu pháp "đánh gió" làn da bằng khăn bông hoặc găng tay thấm nước thật lạnh, giúp khí huyết lưu thông, tăng sức đề kháng, giảm mệt mỏi.
Liệu pháp này rất đơn giản, bắt đầu chà xát cơ thể bằng khăn lạnh từ hai cánh tay, rồi tới chân, ngực và lưng...
7. Hít thở hơi nước từ nồi xông.
Nồi xông có thể chứa các loại lá xông, dầu gió; sau khi đun sôi, để một lát rồi mở vung, trùm đầu bằng khăn bông hoặc chăn mỏng, cho hơi nước từ nồi xông phả vào mặt và phần trên cơ thể.
Liệu pháp này thực hiện trong vòng 1 giờ đồng hồ, giúp cho cơ thể tiêu độc, sảng khoái, đặc biệt hợp với người bị cảm cúm.
8. Chườm nước nóng vùng ngực.
Bạn dùng khăn bông thấm đẫm nước nóng chườm lên vùng ngực, nhưng phải có một khăn bông khô làm đệm (không chườm trực tiếp lên da); làm mỗi lần 5 phút lại thấm nước nóng mới; thực hiện trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Liệu pháp này giúp giảm các chứng bệnh về đường hô hấp.
9. Chườm nước lạnh.
Liệu pháp này giúp giảm đau, tiêu sưng trong các trường hợp bệnh gút, vết thương bầm dập.
Tuy nhiên, các thầy thuốc khuyến cáo chỉ nên thực hiện chườm lạnh trong vòng 20 phút để tránh làm tổn thương da.
10. Chườm nóng kết hợp với chườm lạnh.
Liệu pháp này giúp khí huyết lưu thông, đau khớp và nhức mỏi cơ.
Bắt đầu chườm nước nóng 3-4 phút, tiếp đó chườm nước lạnh khoảng 30 giây; thực hiện khoảng 5 lần, kết thục bằng chườm lạnh.
11. Chườm lạnh kéo dài.
Dùng khăn thấm nước lạnh bọc trong khăn bông khô áp lên vùng đau bệnh cho đến khi khăn lạnh nóng lên do nhiệt độ của cơ thể.
Liệu pháp này phải thực hiện kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ hoặc qua đêm; có tác dụng điều trị giảm đau, tiêu độc trong các triệu chứng đau họng, nhiễm trùng tai, đau khớp và ăn không tiêu...
Sơn Dương
Theo New Idea - 9/2009