>> Hàng trăm tấn thực phẩm cập cảng vô thừa nhận
Sự bỏ chạy của doanh nghiệp lộ rõ khoảng trống trong quản lý mặt hàng này.
Cảng Khánh Hội, nơi có nhiều container thực phẩm ứ đọng - Ảnh: L.N |
Vô chủ
Một doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm ở Bình Dương cho Tiền Phong biết, trước đây nhiều doanh nghiệp không được phép vẫn nhập khẩu thực phẩm.
Theo Trung tâm Thú y vùng VI, hiện toàn phía Nam có khoảng 60 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, nhưng chỉ 20 phần trăm doanh nghiệp đảm bảo điều kiện chuẩn về vệ sinh thú y, kho lạnh khi nhập thịt. Từ đầu tháng Chín đến nay chỉ có khoảng 10 container thịt gà nhập về, làm thủ tục kiểm dịch thông quan, bằng 1/10 thời gian trước đó. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp muốn nhập khẩu thịt phải được ngành chức năng cho phép. Vậy nhưng, từ nhiều năm qua, do sự dễ dãi của ngành chức năng nên không ít doanh nghiệp không đủ điều kiện về kho bảo quản, sơ chế, đóng gói cũng được nhập thịt.
Thậm chí, có doanh nghiệp nhập thực phẩm về cảng xong mới lo đi xin giấy phép nhập khẩu và cũng được chấp nhận.
Tuy nhiên, gần đây ngành thú y bắt đầu siết chặt quản lý thịt nhập khẩu. Động thái mạnh tay của Cục Thú y khi không cho nhập khẩu phụ phẩm, nội tạng động vật và cấm chiếu xạ hàng vào Việt Nam bằng hai quyết định ngày 14/7 cũng khiến không ít doanh nghiệp không mặn mà với việc làm tờ khai nhập hàng.
Vì vậy, khoảng 2.500 tấn thực phẩm nhập khẩu về các cảng ở TPHCM từ tháng 7, 8 đến nay đang vô thừa nhận.
Đại diện Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I và II cho biết, số thịt ứ đọng tại cảng một phần do doanh nghiệp bỏ hàng, phần vì vướng thủ tục. Trong khi đó, phí lưu cảng, cộng với phí quá hạn lưu container cho hãng tàu khiến mỗi container phải mất thêm từ 100 - 150 USD/ngày. Vì vậy, doanh nghiệp bỏ hàng.
Gửi nhầm
Có điều lạ là hơn 130 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tồn tại ở Cảng Phước Long, quận 9 gần một năm nay nhưng không có doanh nghiệp nào nhận.
“Có một khối lượng lớn hàng xác định được chủ nhưng từ khi cập cảng tháng 7/2008 đến nay, doanh nghiệp vẫn không đến làm thủ tục thông quan, đưa hàng về” - Ông Mai Văn Trí - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực 4, cho biết.
Lạ hơn nữa là khi hải quan khu vực này yêu cầu doanh nghiệp trên đến nhận hàng, thì được đại diện doanh nghiệp cho biết, lô hàng đó không thuộc sở hữu của họ, đối tác gửi nhầm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, lô hàng trên đã làm thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu của nước xuất khẩu và cho biết, nơi đến của lô hàng là Cty V - Cty chuyên nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam.
Khoảng 25 tấn thịt gà nhập khẩu đang nằm chờ ở Cảng Khánh Hội, quận 4 cũng được ghi đích danh tên doanh nghiệp nhận hàng là một Cty nhập khẩu thực phẩm đóng ở Bình Dương, nhưng đã hơn một năm, doanh nghiệp này vẫn không đến nhận, vì lý do hàng gửi nhầm. Lô hàng trên đã hết hạn từ tháng 6/2009, chưa có hướng xử lý.
Trong khi theo quy định, thịt đông lạnh nhập về phải để tại cảng, chờ thú y lấy mẫu xét nghiệm. Nếu kết quả đạt chất lượng doanh nghiệp mới đưa về kho lưu trữ.
Vậy nhưng, để tránh tình trạng tắc cảng và giúp giảm chi phí lưu bãi, lưu tàu, theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI, nơi đây vẫn cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kho, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đến làm thủ tục cho thông quan vẫn thấp, so với đăng ký nhập hàng.
Sự thật việc bỏ của chạy lấy người của các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm quá rõ nhưng theo một cán bộ hải quan, hiện chưa có chế tài xử lý các doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu buộc phải tiêu hủy hàng vô chủ này các hãng tàu và các cảng sẽ lãnh đủ chi phí trong khi doanh nghiệp thì nhởn nhơ, vô can.