Các chuyên gia ngành thép cảnh báo sẽ có khoảng 30 phần trăm doanh nghiệp ngành thép sử dụng công nghệ lạc hậu mất khả năng cạnh tranh trong vài năm tới - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ lạc hậu sẽ phải trả giá trong vài năm tới, các chuyên gia ngành thép cảnh báo.
Bài 1: Công nghệ lạc hậu, hậu quả nhãn tiền
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, điều đáng chú ý trong đầu tư ngành thép hiện nay là việc trừ một số doanh nghiệp có công nghệ đạt chuẩn còn lại phần lớn ở trong tình trạng báo động.
Rất nhiều trường hợp một số công nghệ từ Trung Quốc đã không còn được sử dụng nhưng lại được doanh nghiệp Việt Nam ở các địa phương nhập về. Trong khi ở Trung Quốc hiện nay, họ có quy định lò điện phải trên 50 tấn/mẻ thì mới cho xây dựng mới. Với lò cao, họ quy định phải trên 1.000 m3 trở lên mới được xây dựng mới.
Trong khi đó, doanh nghiệp của ta lại nhập loại lò điện chỉ có công suất 20 – 30 tấn/mẻ và loại lò cao công suất 200 – 300 m3 về.
Những loại lò này giá rất rẻ, hợp túi tiền nhưng các doanh nghiệp không hề biết, hay không hề tính tới việc các loại lò lớn thì hiệu quả cao hơn, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường hơn.
Một bất hợp lý nữa, hiện có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào loại lò cao nhưng lại xây dựng không gần biển để thuận tiện cho việc vận chuyển mà đầu tư vào các nhà máy ở các vùng cao với trữ lượng mỏ chỉ đủ dùng trong khoảng 20 năm. Khi xây dựng các lò cao phải tính đến nguồn cung cấp đủ đáp ứng trong 30 - 50 năm mới có hiệu quả.
“Hiệp hội Thép Việt Nam cũng từng đề nghị ngừng cấp phép cho các nhà máy sử dụng loại công nghệ này. Điều này sẽ tránh được việc phải giải quyết sự tồn dư của các loại mô hình công nghệ lạc hậu, cũng như việc các doanh nghiệp sẽ không có khả năng cạnh tranh” - Ông Nghi cảnh báo.
Một loạt các địa phương thời gian gần đây xuất hiện các loại công nghệ lạc hậu này như Hải Phòng có doanh nghiệp đầu tư xây ba lò cao công suất 250 m3/cái, Hải Dương có doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò công suất 350 m3. Các lò này đều sử dụng loại thiết bị của Trung Quốc như đã nói ở trên.
Cùng góp mặt trong việc đầu tư vào các loại công nghệ cũ này còn có nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng. Cá biệt ở Thanh Hóa có lò chỉ ở mức 50 m3.
“Trong quy hoạch ngành thép vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ nay đến tháng 9/2011 sẽ cấm sử dụng các loại công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường” - Đại diện VSA cho biết.
Đầu tư vội: Tiền mất tật mang
Theo ông Nghi, luyện kim là ngành ô nhiễm môi trường nên xu hướng của thế giới hiện nay là đầu tư tập trung cho dự án lớn để đảm bảo các tiêu chí môi trường đồng thời giúp tiết kiệm chi phí.
Hiện ở Việt Nam chỉ có một khu mỏ lớn nằm ở Hà Tĩnh với trữ lượng khoảng 500 triệu tấn quặng và mỏ Bảo Hà ở Lào Cai với trữ lượng 120 triệu tấn quặng, đủ để đầu tư cho các dự án thép. Ở các tỉnh hiện nay chủ yếu là mỏ nhỏ với trữ lượng một vài triệu tấn quặng. |
Trung Quốc đã có bài học thấm thía trong thời kỳ toàn dân làm gang thép. “Nay họ rút kinh nghiệm từ các bài học này thì ta lại dính vào. Cách làm ăn chộp giật sẽ khiến doanh nghiệp phải trả giá rất đắt”- Ông Nghi nói.
Những hậu quả nhãn tiền có thể nhận ra, theo ông Nghi chính là sự mất khả năng cạnh tranh của chính các doanh nghiệp ngành thép đã đổ tiền đầu tư vào các công nghệ lạc hậu trong thời gian qua để rồi nay bị há miệng mắc quai.
Các lò luyện thép công suất nhỏ tiêu tốn điện năng nhiều hơn, nhiên liệu sử dụng nhiều hơn so với lò tiêu chuẩn. Khối lượng than điện cực, có chi phí nhiều triệu đồng/kg, tiêu hao với các lò tiêu chuẩn khoảng trên 2 đến 2,5 kg thì với loại lò công nghệ lạc hậu phải mất từ 4 đến 5 kg. Đó là chưa tính đến tiêu hao gạch chịu lửa.
Chi phí gia tăng từ lượng dầu tiêu thụ lớn cũng là yếu tố làm đội chi phí của các doanh nghiệp. Trung bình, với lò đạt tiêu chuẩn tiêu hao cho mỗi tấn thép cán là 25 – 30 kg dầu thì các lò này mất tới 40 – 45 kg dầu/tấn. Cá biệt có những lò tiêu hao tới 50 kg dầu/tấn thép sản xuất.
Với phần chi phí đẩy tăng cao như vậy, hầu hết doanh nghiệp này không thể đầu tư cho việc bảo vệ môi trường. Với một lò điện kiểu trên khi đưa một thiết bị lọc bụi vào, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu, chi phí tiêu hao điện năng cho thiết bị lọc bụi này chạy khi sản xuất một tấn thép là 30 – 50 kWh.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - Ảnh: Thục Quyên |
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện có khoảng 30 phần trăm doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng hơn 40 phần trăm doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20 phần trăm doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.
“Đến năm 2015, các nhà máy sử dụng công nghệ rất lạc hậu này chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Những doanh nghiệp không cân đối nguồn nguyên liệu tốt cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Đây là cái giá phải trả khi thiếu sự quy hoạch” - Ông Nghi khẳng định.
Cũng theo đánh giá, trong tình trạng thiếu điện như hiện nay, việc sử dụng công nghệ luyện thép bằng lò điện hồ quang, lò điện trung tần sẽ gặp khó khăn về nguồn điện.
Nhiều dự án chậm tiến độ Bộ Công Thương cho biết, nhiều dự án thép lớn đang triển khai bị chậm tiến độ từ 2 đến 3 năm so với dự kiến ban đầu. Thậm chí nhiều dự án phải thu hồi giấy phép do được cấp phép nhiều năm không triển khai. Điển hình là các dự án liên doanh cán nóng ESSAR - Tổng Cty Thép Việt Nam (VN Steel) chậm hai năm, hiện chưa xác định thời điểm khởi công xây dựng; liên hợp gang thép Lào Cai mới triển khai phần khai thác mỏ, phần đầu tư nhà máy gang thép chậm tiến độ một năm so với cam kết ghi trong giấy phép đầu tư. Dự án Liên hợp thép Quảng Ngãi do Tập đoàn E-United (Đài Loan) làm chủ đầu tư cũng bị chậm hai năm. Hàng loạt các dự án khác như Nhà máy Gang thép Yên Bái, Nhà máy Thép tấm Cán nóng VINASHIN; Liên doanh Khoáng nghiệp Hằng Nguyên; Nhà máy Thép cán nguội Phú Mỹ (giai đoạn 2),... cũng nằm trong danh sách các dự án thực hiện chậm trên một năm so với kế hoạch. |
Còn nữa