Cơ quan này thông báo sẽ thực hiện kiểm tra và xử lý các công ty vi phạm theo quy định hiện hành.
Nghiệp vụ mua bán khống chứng khoán gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi thị trường bắt đầu xuống dốc - Ảnh: Phạm Yên |
Cách đây hơn tháng, một nhà đầu tư (NĐT) nữ gọi điện đến một tờ báo để trình bày. Chị kể, hiện đi công tác tại Nghệ An nhưng rất bất ngờ khi điện thoại di động nhận được tin nhắn thông báo tài khoản của chị vừa thực hiện giao dịch bán đi một số cổ phiếu STB.
Ngay lúc đó, chị gọi điện về CTCK có mở tài khoản để thắc mắc thì được nhân viên công ty này hẹn mai trả lời.
Hôm sau, khi trở về Hà Nội, nhà đầu tư này đã liên lạc lại với phóng viên nhưng không phải để nhờ cậy tìm hiểu mà là cảm ơn và từ chối đưa vụ việc lên báo (chị không cung cấp tên CTCK- PV) bởi lý do: “hai bên đã thỏa hiệp”. Hóa ra, CTCK kia hứa sẽ đền cho chị một khoản tiền trích từ lợi nhuận số chứng khoán đã bán.
Trò chuyện với Tiền Phong, một NĐT tại sàn chứng khoán khác cho hay, câu chuyện trên chỉ là một ví dụ về mượn tài khoản để mua bán.
Cá nhân ông, với tư cách là khách VIP do giúp CTCK nọ một số việc cũng từng khốn khổ bởi sự ưu ái của họ.
Cụ thể, “đầu năm 2008, khi VN-index ở ngưỡng 600 điểm, CTCK đã động viên tôi mua vào. Mặc dù lúc đó, tài khoản của tôi chỉ có hơn 100 triệu đồng nhưng bên họ đã cho phép tôi được mua mấy lô cổ phiếu lên tới hơn 600 triệu.
Ngay khi VN- Index xuống dưới 400 điểm, theo mức giảm 30 phần trăm, họ đã tự động bán hết cổ phiếu trong tài khoản của tôi” - Nhà đầu tư này cho hay, ngay cả khi bán hết chứng khoán, ông vẫn nợ họ số tiền gần 200 triệu đồng. Đến nay, không còn tiếp tục giao dịch nữa, nhưng số tiền nợ trên vẫn bị treo lơ lửng.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng và dịch vụ CTCK Tràng An, do tính chất phát triển của thị trường ngày càng đông các công ty, tổ chức tham gia cho nên đi kèm đó là sự cạnh tranh giữa các công ty về dịch vụ mới nảy sinh, trong đó có nghiệp vụ mua và bán khống chứng khoán.
“Điều này có tính hai mặt. Thứ nhất, nó tạo tính thanh khoản cho thị trường. Nhưng cũng do có cả tiền thực và tiền ảo nên chắc chắn, nếu không kiểm soát tốt, sẽ tạo nguy cơ bong bóng và tiềm ẩn rủi ro cao”- Ông Dũng nói.
Về chuyện mua bán khống, ông Quách Mạnh Hào, Phó Tổng giám đốc CTCK Thăng Long, thừa nhận, trên thế giới nghiệp vụ trên là rất bình thường, nhưng chỉ dành cho NĐT chuyên nghiệp.
“Còn ở Việt Nam, sẽ là rất nguy hiểm nếu không có chứng khoán mà công ty vẫn cho bán”- Ông Hào khẳng định.
Dòng tiền đến từ đâu?
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, VN-Index đóng cửa ở mức 528,49 điểm, giảm 12,32 điểm. Thanh khoản của thị trường dâng cao nhờ hoạt động mua bán tích cực, với 78,3 triệu chứng khoán được khớp lệnh, tương ứng 3.202,9 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm, khiến nhà đầu tư sốt ruột, muốn lợi nhuận tăng nhanh - Ảnh: K.H |
Đây là phiên có khối lượng khớp lệnh lớn thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau ngày 21/8. Ông Dũng nhận định: “Giao dịch tăng mạnh thể hiện niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời tạo tính thanh khoản cho thị trường, kích thích luồng tiền”.
Có khoảng bao nhiêu trong số trên là thực của NĐT, bao nhiêu tiền hoặc chứng khoán có từ vay mượn?
“Tỷ lệ này, theo quan điểm cá nhân tôi, có thể là 70 và 30 phần trăm. Trên thực tế, hiện có khá nhiều CTCK và định chế tài chính đang hoạt động (quỹ đầu tư) tham gia thị trường sẵn sàng thoả thuận cho NĐT vay từ 200 - 300 phần trăm so với số tiền NĐT đã bỏ vào chứng khoán. Nhà nước đang muốn giảm nóng cho thị trường và cảnh báo về nghiệp vụ mua bán khống cũng là một biện pháp”- Ông Dũng nhận xét.
Thống kê ngày 1/9 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy, chỉ riêng trong tháng 8/2009, khối ngoại đã có 20 tổ chức và 54 cá nhân nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán.
Về NĐT trong nước, theo tìm hiểu của Tiền Phong từ các CTCK, số tài khoản mở mới tăng không đáng kể. Nhưng, kể từ khi VN- Index bước qua ngưỡng 400 điểm, khá nhiều NĐT nhỏ lẻ mạnh dạn rót thêm tiền.
Liệu vốn kích cầu có thể chảy bao nhiêu vào TTCK? Theo ông Hào, khó có thể xác định số tiền cụ thể. Nhưng trước thông tin về việc có thể sẽ thêm một gói kích cầu hỗ trợ, làm bước đệm giảm sốc cho doanh nghiệp, ông Hào lưu ý Chính phủ nên có thông tin sớm vì, nếu không, sẽ là cơ hội cho một số đối tượng trục lợi trên TTCK.
“Thị trường hàng hóa, tài chính, tiền tệ, vàng, ngoại hối, bất động sản, chứng khoán còn chứa đựng những nguy cơ bất ổn do hiện tượng đầu cơ còn diễn ra khá phổ biến. Các biện pháp điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước chưa đủ mạnh để có thể ngăn ngừa hoặc hạn chế các hiện tượng này, sẽ kéo theo các rủi ro cho hệ thống ngân hàng”- TS Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN, cảnh báo.
Theo ông, đây cũng là một lý do NHNN thấy cần thiết tiếp tục áp dụng cơ chế điều hành lãi suất cơ bản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay.
Trong một bản phân tích về tính hình cho vay đầu tư chứng khoán, Hiệp hội các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định, nghiệp vụ mua bán khống chứng khoán giúp cho nhiều NĐT và CTCK gặt hái được lợi nhuận. Tuy nhiên, có thể gây nhiều rủi ro cho NĐT khi thị trường bắt đầu lao dốc. Nếu không tỉnh táo, tích cực tất toán các khoản nợ, tài sản của họ sẽ nhanh chóng bị bốc hơi, lâm vào hoàn cảnh tiền bán chứng khoán không đủ trả ngân hàng. Dịch vụ này chỉ dành cho nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, chấp nhận rủi ro cao và khi thị trường đang có xu hướng đi lên, nhiều thông tin tốt hỗ trợ. |