PV Tiền Phong có cuộc gặp gỡ với doanh nhân ngoại quốc đầu tiên xin gia nhập quốc tịch Việt Nam này.
Ở lại làm con mẹ thầy
PV: Vì sao ông muốn trở thành công dân Việt Nam mà không phải là một nước nào khác?
Gabriel vừa làm việc vừa thưởng thức cà phê. Ảnh: Đại Dương |
Gabriel: Người Việt Nam rất đáng yêu, trẻ trung, năng động và hiếu học. Việt Nam rất an toàn so với các quốc gia khác. Một lý do nữa là nền kinh tế của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Tôi cho rằng ở tại Việt Nam cần có một DN Việt Nam thống lĩnh thị trường chứ không phải là công ty, tập đoàn đa quốc gia nào khác.
PV: Có những lý do nào thuộc về cá nhân?
Gabriel: Vợ tôi là người Việt, chúng tôi cưới nhau được 13 năm và có một con trai.
PV: Ông quyết định xin trở thành công dân Việt Nam từ khi nào?
Gabriel: Năm 1997, sau lần thứ ba từ Việt Nam trở về Philippines, tôi quyết định dành phần đời còn lại của tôi cho Việt Nam, sống và chết tại Việt Nam. Khi mẹ tôi còn sống, tôi triệu tập gia đình và thông báo điều đó. Còn ý định nhập quốc tịch Việt Nam hình thành kể từ khi tôi gia nhập gia đình cà phê Trung Nguyên, vào tháng 3/2009.
Khi đến với Trung Nguyên, tôi có ý thức rất rõ ràng là sẽ trở thành công dân Việt Nam. Đó cũng là lý do tôi xin phép được lấy tên Việt của mình là Đặng Nguyên. Đặng là họ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - người sáng lập ra Trung Nguyên. Nguyên là một phần không thể thiếu của cà phê Trung Nguyên.
PV: Điều gì dẫn ông đến với Việt Nam từ 18 năm trước?
Gabriel: Tôi được Pepsi thuê. Nhiệm vụ của tôi lúc đó là xây dựng hệ thống phân phối, bán hàng tại thị trường Campuchia. Với những thành tích tôi đạt được tại Campuchia trong vòng sáu tháng, Pepsi chuyển tôi sang Việt Nam, nơi thị trường tiềm năng hơn và lớn hơn. Đó là cơ duyên tôi đến và quyết định ở lại Việt Nam từ dạo ấy.
Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa
PV: Lý do khiến ông rời Pepsi?
Gabriel: Khi tôi xác định mình sẽ sống hết phần đời còn lại ở Việt Nam, thì tôi cũng quan niệm rằng mình sẽ phục vụ cho công ty của chính quốc gia đó. Đó là lý do tôi rời Pepsi để làm việc cho công ty của Việt Nam.
PV: Tuy nhiên, ông chưa bước vào Trung Nguyên mà lại vào Tân Hiệp Phát?
Gabriel: Tôi đến với Tân Hiệp Phát lúc đó là muốn chứng minh rằng ở thị trường Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành vị trí số 1.
Ở giai đoạn đó, Tân Hiệp Phát ở vị trí số 3, sau hai hãng nước giải khát lớn của nước ngoài. Và tôi đã định cho tôi một giai đoạn là ba năm để đưa Tân Hiệp Phát lên vị trí số 1. Trước khi rời Tân Hiệp Phát, tôi cùng DN này đạt được mục tiêu đã đề ra.
PV: Vì sao ông lại ra đi khi đang thành công ở Tân Hiệp Phát?
Gabriel: Điều làm cho tôi ấn tượng là tầm nhìn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch, TGĐ Cà phê Trung Nguyên. Tầm nhìn của ông là hướng tới những người uống cà phê trên toàn cầu. Ông tự xác định nhiệm vụ là kết nối những người yêu và đam mê cà phê trên thế giới.
Trung Nguyên cũng như cá nhân ông Vũ, ngoài việc quan tâm đến kinh doanh, còn quan tâm đến vấn đề kinh tế và cục diện của quốc gia. Đó là lý do tôi muốn được gia nhập và cùng đội ngũ Trung Nguyên phát triển.
PV: Ông có thích uống cà phê không?
Gabriel: Chắc chắn thích rồi. Khi uống cà phê tôi có được trạng thái đặc biệt, rất thoải mái và có nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo và tư duy một cách sâu sắc hơn. Riêng cà phê Việt Nam, tôi thấy người Việt Nam có cách uống cà phê hiếm có. Những quốc gia mà tôi từng đi qua không như vậy.
Ở Việt Nam, người ta uống cà phê đam mê, tỉ mỉ, phải từng bước, chầm chậm, cho phép họ bước lùi lại quan sát thế giới, tư duy theo chiều sâu và bắt đầu đi đến hành động.
PV: Ông có xác định gắn bó lâu dài với một thương hiệu nào của Việt Nam không?
Gabriel: Mong muốn của tôi là dành phần cuộc đời đi làm còn lại với Trung Nguyên. Tầm nhìn và hoài bão của Trung Nguyên là rất rõ ràng. Trung Nguyên còn mong muốn sử dụng cà phê như là một đại sứ về văn hóa, thông qua cà phê có kết nối các quốc gia lại với nhau hơn và, thông qua cà phê, giới thiệu về hình ảnh, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, không thể dễ dàng đạt được mong muốn ấy trong một khoảng thời gian ngắn. Với tôi, được sống, làm việc và đóng góp cho chiến lược đó là một vinh dự.
PV: Ở Trung Nguyên ông đảm trách nhiệm vụ gì?
Gabriel: Cùng với tập thể Trung Nguyên xây dựng vị trí thống lĩnh trước khi vươn ra thị trường thế giới. Tại Việt Nam, phải là DN Việt Nam thống lĩnh thị trường cà phê, và ứng cử viên xứng đáng nhất là Trung Nguyên, chứ không thể là DN nước ngoài nào khác.
Chúng tôi có được những phương thức để giữ vững vị trí thành công của mình về cà phê. Chúng tôi còn có khả năng thực thi, triển khai mạnh mẽ các kế hoạch. Với cái tinh thần cà phê toàn cầu, chúng tôi nghĩ mình đang có trong tay những công thức để thành công.
Mai kia bóng mát quả lành
PV: Các DN Việt Nam, không loại trừ Trung nguyên, có điểm yếu chung là hệ thống phân phối còn hạn chế. Ông có kế hoạch gì để củng cố hệ thống phân phối cho Trung Nguyên trong thời gian sắp tới?
Gabriel: Việc đầu tiên khi tôi về với Trung Nguyên là tôi gặp gỡ các nhà phân phối trong toàn quốc. Điều quan trọng nhất mà chúng tôi đã làm là chia sẻ với các nhà phân phối tầm nhìn, mục đích và tôn chỉ của công ty chứ không đơn giản là việc mua bán cà phê.
PV: Các ông có chính sách gì để các nhà phân phối cùng liên kết với Trung Nguyên mở rộng hệ thống phân phối một cách tốt hơn?
Gabriel: Chắc chắn phải cân đối thật thông minh giữ hai yếu tố. Một là những giá trị, quyền lợi vật chất, trước mắt. Hai là những giá trị mang tính tinh thần, tính cộng đồng và có tầm xa. Nếu chỉ quan tâm đến yếu tố thứ nhất mà bỏ qua yếu tố thứ hai, chúng ta chỉ thắng được trong ngắn hạn thôi.
PV: Làm thế nào để các ông chiếm được hay chiếm lại thị phần trong nước và vươn tới vị trí thống lĩnh như các ông mong muốn?
Gabriel: Về cơ bản, chỉ có ba việc. Thứ nhất Trung Nguyên cam kết với người tiêu dùng chất lượng sản phẩm của chúng tôi luôn đứng hàng đầu.
Việc thứ nhì, hàng hóa của chúng tôi phải đến gần tay người tiêu dùng nhất về mặt vật lý, giá cả cho đến hình ảnh. Hai cái đó chúng tôi đã cố gắng để làm tốt nhất.
Việc thứ ba, làm sao người tiêu dùng trong nước thấy được hoài bão của Trung Nguyên và chia sẻ được với Trung Nguyên. Tôi tin, tại thị trường Việt Nam, sẽ không có cửa các tập đoàn đa quốc gia về cà phê.
PV: Chia sẻ, truyền đến người tiêu dùng cái khát vọng của Trung Nguyên, được làm như thế nào và ở mức độ nào?
Gabriel: Có một điều mà tôi- một người đến từ Philippines - thấy Việt Nam rất may mắn là có được nguồn nông sản quý giá. Tôi ước mơ đến một ngày nào đó người Việt Nam sẽ dùng sản phẩm cà phê với một niềm tự hào đây là sản phẩm chất lượng của Việt Nam, chỉ Việt Nam có.
PV: Mục tiêu của anh tại Trung Nguyên trong một vài năm tới là gì?
Gabriel: (Cười) Rất tiếc là thông tin này chúng tôi không được phép chia sẻ. Nhưng cái có thể chia sẻ và đảm bảo được là Trung Nguyên sẽ có những sản phẩm số một với những dịch vụ số một, hơn hẳn bất kỳ những đối thủ cạnh tranh nào kể cả công ty đa quốc gia có mặt tại Việt Nam. Điều chúng tôi đặt ra dựa trên một cơ sở phát triển bền vững.
PV: Cảm ơn ông và hy vọng ông sẽ thấy hạnh phúc khi sống tại Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch, TGĐ Cà phê Trung Nguyên: Gabriel là doanh nhân chuyên nghiệp từ thái độ đến phương pháp làm việc. Ông ấy có những thành tích hàng đầu về kinh doanh. Điều quan trọng là ông cảm nhận, chia sẻ được tinh thần cà phê Việt Nam của Trung Nguyên và tự nguyện trở thành công dân Việt. Tại Trung Nguyên đã xuất hiện một thế hệ nhân lực người Việt dám chơi, nhưng biết chơi thì chưa. Trung Nguyên đang cùng những chuyên gia số một thế giới lên kế hoạch chinh phục cả ở thị trường trong nước và thế giới. |
Đại Dương
Thực hiện