Nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam Ảnh: AP |
Trong cuộc nghiên cứu được tiến hành từ năm 1994, IOM phát hiện chất da cam có thể làm tăng nguy cơ mắc 17 căn bệnh cho những người bị phơi nhiễm, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ, bao gồm bệnh bạch cầu, ung thư tuyến tiền liệt, đái đường, thai dị dạng...
Tuy nhiên, những nghiên cứu của IOM chỉ đưa ra được bằng chứng rõ ràng về mối liên quan giữa chất da cam với vài căn bệnh.
Kết quả nghiên cứu mới nhất được đăng trong báo cáo cập nhật “Cựu chiến binh và chất da cam” khiến danh sách trên dài thêm, nhưng IOM cũng khẳng định chỉ phát hiện được “bằng chứng hạn chế” về mối liên quan trực tiếp giữa chất da cam với bệnh tim, Parkinson.
Qua nghiên cứu thực tế và căn cứ vào các dữ liệu khoa học, chuyên gia IOM xác định, dù các yếu tố như tuổi tác, trọng lượng cơ thể và hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nhưng những người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Tuy nhiên, báo cáo cập nhật của IOM nhấn mạnh mối liên quan giữa chất da cam và bệnh tim chưa thực sự rõ ràng bởi vì rất khó phân biệt rạch ròi giữa các yếu tố như tuổi tác, trọng lượng cơ thể và hút thuốc lá với chất da cam.
Theo IOM, trong khi kết quả nghiên cứu mới giúp củng cố mối liên quan giữa chất da cam với bệnh Parkinson lại chưa có số liệu về bệnh tật của các cựu binh nên chưa thể đưa ra sự khẳng định.
Dù vậy, dư luận Mỹ vẫn cho rằng, kết quả nghiên cứu trên là bước đi đầu tiên quan trọng để các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam giành được sự trợ giúp từ chính phủ trong việc điều trị các căn bệnh mà họ tin là có liên quan đến chất da cam.
Theo các nhà khoa học Mỹ, quân đội nước này đã rải khoảng 75 triệu lít chất độc da cam/dioxin và các chất diệt cỏ tương tự xuống Việt Nam từ năm 1962 đến 1971. Các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cũng than phiền về vấn đề sức khoẻ và yêu cầu chính phủ trợ giúp y tế, tài chính.
Sau vụ kiện dai dẳng, năm 1984, bảy công ty hoá chất Mỹ, bao gồm Dow và Monsanto, đồng ý trả 180 triệu USD cho các cựu binh. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn rất nhiều cựu binh tiếp tục cuộc đấu tranh.
Hội Nạn nhân Da cam Việt Nam ước tính có 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc và tiến hành vụ kiện chống lại các công ty hoá chất Mỹ. Tuy nhiên, tháng 3/2009, Toà án Tối cao Mỹ quyết định không xem xét đơn kiện của các nạn nhân chất da cam người Việt Nam và các cựu binh Mỹ chống lại công ty Dow, Monsanto và những nhà sản xuất hoá chất khác vì đã sử dụng chất da cam. |