Ách tắc

Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay (Bài 2)

Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay (Bài 2)
TP - Khi hội nghị đánh giá tác động sau hai năm gia nhập WTO đối với doanh nghiệp Việt Nam (giữa tháng 4/2009) gần đến hồi kết, một phụ nữ cao niên, tóc bạc phơ rụt rè đứng lên: “Tôi xin có ý kiến”. Giọng bà nhẹ nhàng nhưng tha thiết: “Xin cho chúng tôi được làm người tử tế”.

Bài 1: Trầy trật xin chào đời

Đắng cay của doanh nghiệp - Đoạn trường ai hay (Bài 2) ảnh 1

Do bất hợp lý về thuế VAT, phần lớn hoạt động phối lẻ gạo và các loại nông sản  ở thị trường trong nước rơi vào tay thương lái Ảnh: Đại Dương

Cử tọa thoạt tiên bật cười, nhưng ngay lập tức im lặng vì nhận ra điều hệ trọng. Người vừa lên tiếng khẩn cầu ấy là bà Nguyễn Thị Cúc (Ba Cúc) - Chủ nhiệm HTX Ba Nhất- một cơ sở sản xuất hàng thủ công mây tre đan xuất khẩu nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh.

"Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ, chỉ nên đánh thuế dựa trên hóa đơn đầu ra của các doanh nghiệp thay vì dựa trên hóa đơn đầu vào" - Ông Đặng Quốc Hùng- Phó Chủ tịch Hawa

Những bất cập trong chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) không chỉ ngăn cản sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp và hoạt động chế biến sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ nông lâm nghiệp, mà còn vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế bí và buộc phải gian lận để tồn tại.

Câu chuyện về thuế VAT bật ra từ trong gan ruột bà. HTX Ba Nhất chuyên tận dụng rác thải ngoài đồng, từ rơm rạ đến lá buông, cói, lát, bèo lục bình để đổi lấy USD. Sản phẩm của Ba Nhất xuất khẩu đến hàng chục nước trên thế giới, mỗi năm thu về hàng triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động nông thôn nghèo.

Làm ăn chân chính và đạt nhiều thành tích, song HTX này đang dở khóc dở cười vì buộc phải gian lận bất đắc dĩ. “Cơ chế quy định, muốn được khấu trừ thuế sau khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải có hóa đơn chứng từ đầu vào.

Trong khi đó, hầu hết nguyên vật liệu đầu vào đều mua từ nông dân, lấy đâu hóa đơn đỏ?”- bà Ba Cúc hỏi, rồi tự đáp: “Để được hoàn thuế, buộc lòng doanh nghiệp phải đi mua hóa đơn của một doanh nghiệp khác để hợp thức hóa chứng từ và, vô hình trung, doanh nghiệp trở thành thủ phạm, hay đồng lõa, thậm chí là nạn nhân của hành vi gian lận”.

Ông Đặng Quốc Hùng- Giám đốc Cty Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (Hawa), tính toán, khi mua hóa đơn, ngoài việc mất 1,6 phần trăm thuế, các doanh nghiệp chế biến phải chi thêm một khoản lót tay khác cho đơn vị trung gian. Tổng số tiền phải chi cho khoản mua hóa đơn lên đến 2 phần trăm tổng giá trị lô hàng, nhưng doanh nghiệp không được khấu trừ đồng nào.

Ách tắc

“Những bất hợp lý của thuế VAT đối với doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng có nguồn gốc từ nông lâm sản xuất hiện từ ngay khi luật thuế này có hiệu lực. Từ nhiều năm qua, nó âm ỉ. Đến bây giờ bức xúc của doanh nghiệp mới bùng phát”- ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng GĐ Công ty Vinamit, mở đầu câu chuyện dài với phóng viên Tiền Phong về thuế VAT và vấn đề phát triển thị trường trong nước.

Sở dĩ đến giờ mới bùng phát là bởi nó gây cản ngại đến việc phát triển thị trường nội địa của các doanh nghiệp. Do không được khấu trừ thuế VAT, trước đây, các doanh nghiệp không mặn mà với việc phát triển hệ thống phân phối ở thị trường trong nước. Khi xuất khẩu gặp khó khăn, doanh nghiệp buộc phải quay lại thị trường nội địa như một giải pháp cứu cánh trước mắt.

Mặt khác, vì nhận ra những sai lầm quá khứ đã bỏ trống sân nhà cũng như ý thức được tầm quan trọng của thị trường nội địa đối với sự phát triển lâu dài, bền vững nên doanh nghiệp đang lao vào phát triển, củng cố thị trường nội địa. Và cũng phải đến lúc này, doanh nghiệp mới thật sự cảm nhận một cách đầy đủ những cản ngại của thuế VAT.

Tại một diễn đàn gần đây ở TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên dẫn ra một ví dụ không lấy làm vui. Đó là hai doanh nghiệp lớn nhất nước trong lĩnh vực kinh doanh lương thực TCty Lương thực Miền Bắc và TCty Lương thực Miền Nam, mỗi năm xuất khẩu hàng triệu tấn gạo nhưng không có lấy một cửa hàng bán lẻ ở trong nước.

Nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất hợp lý của thuế VAT. Ông Nguyễn Lâm Viên tính toán, khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, doanh nghiệp được khấu trừ thuế theo hợp đồng xuất khẩu, tức không phải chịu thuế VAT; trong khi bán hàng trong nước, doanh nghiệp lại phải chịu năm phần trăm thuế VAT.

“Bán hàng trong nước vừa tốn rất nhiều chi phí để xây dựng hệ thống phân phối, lại vừa phải chịu thuế VAT, đồng thời mất công khai báo thường xuyên. Trong khi đó, xuất khẩu không mất gì, vừa được tiếng lại vừa được miếng.

Làm sao không tránh khỏi tình trạng các doanh nghiệp lao theo xuất khẩu và bỏ trống thị trường nội địa cho hàng hóa nước ngoài?”- Ông Viên đặt vấn đề.

Vị Tổng giám đốc doanh nghiệp chuyên sấy khô nông sản này cho rằng, cách tính và khấu trừ thuế VAT như hiện nay chỉ làm lợi cho thương lái. Do không phải chịu bất cứ khoản thuế VAT nào, và với chiến thuật đánh du kích linh hoạt, thương lái sẵn sàng bóp chết các đối thủ làm ăn theo lối chính quy luôn phải tuân thủ các quy định nhà nước.

Ông tâm sự: “Tôi cũng như mọi người làm ăn chân chính, muốn được là người tử tế, nhưng trong điều kiện hiện nay, liệu có phải doanh nghiệp càng làm ăn nghiêm túc và minh bạch thì càng chết”. Ông cũng thú nhận, mỗi năm Vinamit mua vào hàng trăm tấn nông sản nguyên liệu của nông dân nhưng chỉ “mua bán luồn luồn” chứ không thể minh bạch.

Ông Viên đang nỗ lực thoát khỏi vòng luẩn quẩn, ức chế do sự bất cập của thuế VAT gây ra bằng việc phối hợp với một số đơn vị hình thành hệ thống phân phối nông sản. Nhưng ông cũng thú nhận chỉ có thể làm ở quy mô nhỏ, vì vướng những quy định thuế, đã vậy còn phải lách luật bằng việc phân phối cho chính Cty Vinamit.

Ông Viên nhìn nhận, thương lái ít nhiều giúp nông dân tiêu thụ một lượng lớn nông sản và cung cấp sản phẩm cho thị trường, nhưng sẽ không giúp phát triển được hệ thống phân phối lớn, chuyên nghiệp và đủ mạnh để giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với nước ngoài ngay tại sân nhà.

Mấu chốt của vấn đề, theo ông, muốn doanh nghiệp phát triển thị trường trong nước và muốn làm được hệ thống phân phối lớn và mạnh thì phải minh bạch. Muốn minh bạch phải bắt đầu từ việc xem xét, điều chỉnh lại chính sách thuế VAT.

MỚI - NÓNG