Trung tâm thương mại Vinatex Mart chưa biết đến khi nào hoàn thành thủ tục để tiến hành đầu tư.Ảnh: Đại Dương |
“Tôi không có từ nào để diễn tả hết sự mệt mỏi khi phải chờ đợi thủ tục để triển khai đầu tư” - bà Hồng Hương - Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Vinatex Mart (Tập đoàn Dệt May Việt Nam) tâm sự với phophóng viên Tiền Phong chiều 26/5, tại văn phòng mới thuê trên đường Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Bà Hương kể, từ năm 2004, Vinatex Mart bắt đầu làm thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại - Siêu thị Vinatex Mart (cao 22 tầng tại số 300 đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM).
Từ hai năm trước, bà cho ngưng hoạt động và tiến hành tháo dỡ nhà xưởng siêu thị Vinatex Mart cũ, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị cho việc xây dựng mới.
Tuy nhiên, đến nay hơn năm năm trôi qua vẫn chưa có giấy phép xây dựng. Lý do, một mặt, bà bảo tại thủ tục quá nhiêu khê; mặt khác, bà thở dài dẫn ra ví dụ.
Khi tiến hành một công đoạn nào đó của quá trình xem xét hồ sơ dự án mà có sự tham gia của các sở ngành chức năng (liên ngành), mỗi lần họp bàn, sở này hoặc sở nọ cử cán bộ khác đến.
Vì không theo dõi liên tục, những cán bộ dự họp thay thế này không nắm được vấn đề có tính hệ thống nên không đưa ra được những ý kiến xác thực.
Trong mỗi cuộc họp đó, chỉ cần một ai trong số những đại diện sở ngành tham dự họp có một ý kiến không thuận, thậm chí vu vơ theo kiểu “nghe nói chỗ này có sự tranh chấp” là lập tức hồ sơ bị ách lại ít nhất ba đến sáu tháng.
Cũng thấm thía sự nhiêu khê vì thủ tục, ông Thái Nam, chủ một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc tại TPHCM than: “Để xây trụ sở mới, chúng tôi phải mất gần hai năm làm hồ sơ với hơn 100 văn bản”.
Chủ một doanh nghiệp địa ốc khác, bà Lan Hương cũng bức xúc: Doanh nghiệp của bà làm thủ tục xin giấy phép xây dựng một chung cư ở quận 2. Mọi giấy tờ, thủ tục liên quan nộp xong nhưng, ba năm rồi, vẫn chưa được cấp.
Bà đến Sở Xây dựng hỏi thì được cho biết còn phải đợi Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm định dự án. Bà lại đến Sở Kế hoạch - Đầu tư thì được trả lời còn phải đợi Sở Xây dựng thẩm định thiết kế.
Một lãnh đạo của Sở Xây dựng thừa nhận, theo quy định, thường mất khoảng chín tháng để hoàn tất thủ tục một dự án, nhưng thực tế phải mất bốn năm mới xong vì hồ sơ chạy lòng vòng qua các sở. Đã có quy định về thời gian trả lời văn bản nhưng, theo vị lãnh đạo này, ít cơ quan nào trả lời đúng yêu cầu.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) ngày 8/4 vừa rồi tại TPHCM, bà Phan Thị Ngọc Linh, đại diện Cty TNHH Giày Fuluh than phiền:
Fuluh được UBND tỉnh Long An cấp phép đầu tư nhà xưởng trên diện tích 46 ha để sản xuất, gia công giày xuất khẩu. Sau gần ba năm hoạt động, Fuluh vẫn chưa được bàn giao hết số diện tích đất kể trên. Việc chậm trễ giao đất khiến Cty không thể triển khai xây dựng nhà xưởng, thiết bị sản xuất như dự định.
Theo kế hoạch, Cty sẽ lắp đặt 14 dây chuyền với năng lực sản xuất 8,4 triệu đôi giày và huy động khoảng 7.000 lao động. Tuy nhiên, do trục trặc kể trên, đến nay, Cty mới triển khai sản xuất được 1/3 dây chuyền so với kế hoạch.
Bà Linh cho biết, tám héc ta đất chưa được bàn giao nằm đan xen trong khu vực xây dựng nhà xưởng và khu nhà ở của chuyên gia.
Để đảm bảo an toàn cho sản xuất và an ninh, Cty phải xây dựng rào tạm rất tốn kém. Điều khiến bà Linh lo ngại nhất là nếu tiếp tục không hoàn thành nhà xưởng, Fuluh sẽ không đáp ứng được yêu cầu của đối tác và có khả năng Cty sẽ không thực hiện được các đơn hàng trong thời gian tới.
Phải thăm vườn cò
Đội quân cò làm thủ tục luôn tập trung đông đảo trước Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Ảnh: Đại Dương |
Do những khó khăn khi đi cửa trước, nhiều doanh nghiệp phải tìm cách đi cửa sau. Đó cũng là lý do khiến đội quân chuyên làm dịch vụ tư vấn (cò) có đất sống.
Trong vai chủ doanh nghiệp tư nhân đi làm thủ tục xây dựng dự án và đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh, tôi đến trước cổng trụ sở Sở Kế hoạch & Đầu tư (TPHCM).
Vừa đến nơi, một thanh niên chìa tấm danh thiếp giới thiệu là nhân viên Cty KĐ, liến thoắng về những dịch vụ hỗ trợ làm các loại thủ tục liên quan cấp phép đầu tư, xây dựng...
Giới thiệu xong, cậu ta - tên Khang - hỏi về nhu cầu của tôi. Không đợi câu trả lời, Khang trấn an: “Muốn thủ tục gì bọn em cũng làm được hết, anh cứ yên tâm”.
Tôi ra đề bài: “Doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư xây dựng một cao ốc văn phòng cho thuê và mở dịch vụ massage và karaoke. Do khu vực đó, thành phố chỉ cho phép xây bảy tầng, trong khi chúng tôi muốn xây ít nhất 10 tầng”.
Cậu ta lập tức bấm điện thoại gọi hỏi sếp. Một lúc sau, anh ta quay lại nói: “Muốn lo thủ tục cả việc xây thêm tầng lẫn giấy phép kinh doanh massage và karaoke phải mất 200 - 300 triệu đồng. Chính xác bao nhiêu còn tùy thuộc vào đàm phán cụ thể”.
Tôi hỏi: “Lấy gì đảm bảo là được”.
“Sếp em có những người ở trên cao dội xuống nên nói được là được. Nếu cần ngay, anh cho cái hẹn và địa điểm cụ thể để sếp em đến ký hợp đồng, trả trước khoảng một phần ba giá trị hợp đồng”.
Trong khi Khang lui ra một góc nói chuyện điện thoại, một loạt cò khác xúm lại phía tôi đưa danh thiếp và tờ rơi giới thiệu về Cty và dịch vụ của mình. Chỉ trong vòng 15 phút, trên tay tôi nhận đến 17 tấm danh thiếp và tờ rơi quảng cáo của các cò, nội dung gần như giới thiệu tất cả các dịch vụ liên quan doanh nghiệp.
Trong một lần gặp gỡ với các doanh nghiệp gần đây, trước sự phản ánh của nhiều doanh nghiệp về tình trạng cán bộ các sở ban ngành rất hay đùn đẩy, thường né tránh việc xử lý hồ sơ bằng cách xin ý kiến cấp lãnh đạo, làm trì hoãn tiến độ phê duyệt, thẩm định dự án, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị, những người từng bị nhũng nhiễu hãy chỉ đích danh cá nhân, cán bộ tiêu cực trong cấp phép, phê duyệt dự án. Ông Tín khẳng định, gốc rễ của những phiền hà mà doanh nghiệp kêu ca không phải là thủ tục hành chính mà là cán bộ, con người cụ thể. Vì vậy thành phố cần những sự việc cụ thể để xử lý làm gương. |
Còn tiếp