Nhật ký dự thi cao học

Nhật ký dự thi cao học
TP- Được sự động viên của gia đình và cơ quan, tôi háo hức ra Hà Nội ôn thi cao học khóa 19. Sau khi ổn định chỗ ở tại ký túc xá, tôi mang các tài liệu ôn thi thu thập được từ trước ra nghiên cứu.
Nhật ký dự thi cao học ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mấy anh bạn cùng phòng cười mỉa mai, hỏi tôi học làm gì, rồi lôi tôi đi ăn nhậu. Khi về đến phòng, tôi say mèm và lăn ra ngủ.

Những ngày tiếp theo cũng thế, giờ lên lớp ôn thi các môn nghiệp vụ, chính trị, đặc biệt là ngoại ngữ, nhìn thấy mọi người ngồi trong lớp mà tâm trí để đâu đâu, hoặc chúi mũi vào mấy tờ báo, hoặc nhắn tin điện thoại, làm tôi không còn hứng thú gì học tập.

Quân số lớp ôn thi cứ giảm dần, nhiều anh chị nói đến lớp ôn thi cho có không khí và để nghe ngóng thông tin, chứ học làm gì.

Sau khi nghỉ tết Nguyên Đán, hết gia đình lại đến cơ quan có việc bận, một phần thấy có đến trường ôn thi cũng không học được gì nên tôi ở nhà và tiếp tục đi làm bình thường. Tất nhiên, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với các anh em cùng lớp ôn thi để nắm tình hình.

Còn một việc quan trọng nhất, tôi chưa kịp kể. Đó là liên hệ tìm cửa chạy. Xã hội bây giờ là vậy, làm gì cũng phải chạy.

Thật may mắn, qua người quen giới thiệu, tôi tiếp cận được với một đồng chí lãnh đạo khoa. Tôi được đồng chí tiếp đón vui vẻ, hướng dẫn chi tiết cách làm mẫu bài sao cho dễ tìm.

Không biết mọi người có biết không, nhưng có lẽ tôi phải giải thích mẫu bài là cách đánh dấu bài bằng ký hiệu sao cho giáo viên chấm có thể tìm được bài trong cả trăm bài thi (bài thi khi chấm đã rọc phách phần ghi họ tên).

Tất nhiên, cái giá của sự vui vẻ nhiệt tình đó không rẻ. Trọn gói hai ngàn đô. Biết là đắt nhưng được cái yên tâm và không phải đi lại nhiều. Từ quê tôi ra Hà Nội cả trăm cây số, nên cái giá đó tôi thấy có thể chấp nhận được.

Buổi chiều trước hôm thi, tôi và hai anh bạn thân cùng phòng cắt tài liệu trả lời câu hỏi in chữ nhỏ, dán và gấp lại theo kiểu ruột mèo. Tài liệu này có nguồn gốc từ trường.

Chúng tôi thấy yên tâm vì câu hỏi của trường, đáp án trả lời cũng của trường. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là chép cho đủ là được.

Hai môn nghiệp vụ và triết học, chúng tôi in mỗi môn hai bộ vì còn đề phòng bị thu mất tài liệu. Còn môn ngoại ngữ thì không cần tài liệu.

Buổi tối, tôi qua nhà đồng chí lãnh đạo khoa nhận lời giúp hôm trước. Kèm theo gói quà “quê mang ra” là chai rượu ngoại tôi mua hơn 700 ngàn.

Tôi trình bày về quê bận nhiều việc nên chưa ôn thi được gì, sợ không làm được bài. Thầy nói không sao, và dặn dò tôi chi tiết cách làm bài, cách làm mẫu bài.

Theo lời thầy hướng dẫn, các môn nghiệp vụ và triết phải viết đủ cả ba câu, viết dài dài và sạch đẹp vào; nếu thiếu một câu thì không thể cho điểm cao. Còn môn ngoại ngữ thì chép được càng nhiều càng tốt. Nếu vẫn không làm được, không quay cóp được thì cứ chép đoạn trên xuống đoạn dưới.

Tôi thắc mắc hỏi lại đoạn trên là đoạn nào thì thầy nói cứ chép câu hỏi vào câu trả lời cho kín bài là được. Tuyệt đối không được để giấy trắng. Tôi đem chuyện này hỏi lại mấy anh bạn thì được biết các anh đã biết điều đó rồi.

Buổi đầu tiên, chúng tôi thi triết học. Phòng thi hơn hai chục người, hai giám thị đều là giáo viên nhà trường, ngoài ra còn có giám thị bên ngoài hành lang, các đoàn kiểm tra, thanh tra của trường, của Bộ. Tôi thật sự bất ngờ, không thể nhận ra hai thầy giáo giám thị quen thuộc.

Trước đây, khi học đại học, chính các thầy này coi thi học phần của chúng tôi và nổi tiếng là mặt sắt, coi thi gắt gao và phạt thẳng tay các trường hợp quay cóp bài.

Nhưng hôm nay, tôi thấy hai thầy rất vui vẻ, dặn dò chúng tôi khi nào các thầy nhắc có đoàn thanh tra của ngành hoặc Bộ thì phải tuyệt đối nghiêm túc, cất hết tài liệu đi.

Trong quá trình thi, một thầy ngồi trong phòng thi, một thầy ngồi ngay cửa ra vào. Tính chất là coi thi nhưng thực chất là canh các đoàn thanh tra cho chúng tôi.

Sau khi đọc đề bài, tôi lấy tập tài liệu chuẩn bị sẵn ra, tìm các tờ trả lời câu hỏi trong bài thi để riêng, còn lại cất kỹ trong người. Tôi lấy từng câu ra ngồi chép. Thấy cứ úp úp mở mở, chép chậm nên tôi để luôn lên bàn. Thầy giám thị đi qua chỉ nhắc tôi che kín vào, không thanh tra đi ngoài hàng lang nhìn thấy.

Đoàn thanh tra của ngành hoặc Bộ đến. Nhìn thấy từ xa, thầy giám thị ngồi ngoài cửa đã nhắc chúng tôi sắp có thanh tra, yêu cầu tạm thời cất hết tài liệu đi.

Đang chép quen tay nhưng tôi cũng phải cất hết tài liệu vào túi, ngồi cắm cúi viết nhưng thực ra chẳng viết gì (theo hướng dẫn thì phải giả vờ cắm cúi viết để thanh tra không nghi ngờ).

Buổi thi kết thúc, tôi thở phào. Tôi chép được gần 10 trang, đủ cả ba câu. Tôi tự tin đi ăn cơm chờ môn thi tiếp.

Buổi chiều, chúng tôi thi ngoại ngữ. Đọc đề xong, tôi thấy hoa hết cả mắt. Đã mấy năm nay không động đến ngoại ngữ, nay thi trình độ B thì ngoài khả năng của tôi.

Hơn một giờ đầu, tôi ngồi nghĩ mãi, cũng đoán mò được mấy câu, nhưng không biết có đúng hay không nên không dám chép vào, chỉ ghi ra giấy nháp.

Nhìn xung quanh, cũng thấy mọi người vẫn để giấy trắng. Tôi nghĩ, hóa ra không phải mình tôi dốt ngoại ngữ. Nhìn cả phòng, tôi chắc chỉ hai hoặc ba người làm được bài.

Từ những người này, đáp án một số câu được truyền trong phòng và đến tôi. Tôi tranh thủ chép vào bài thi rồi lại truyền tiếp cho người bên cạnh. Tuy nhiên, cố gắng lắm cũng chỉ được hơn chục câu. Trong khi cả bài thi 75 câu thì phần tôi làm được, nếu đúng hết, cũng chưa được 2 điểm.

Chỉ còn 30 phút là hết giờ, những người xung quanh tôi đều ngao ngán vì không làm được bài, và vì trong phòng không ai làm được để chép.

Chỉ còn 15 phút nữa là hết giờ. Tôi nhìn xung quanh, thấy mọi người chăm chú viết vào bài thi. Tôi hiểu là họ cũng được hướng dẫn nên chép lung tung vào bài, chứ nếu thực sự làm được, họ đã viết từ đầu, sao lại chờ đến cuối giờ mới viết như vậy. Tôi vội chăm chú chép vào bài thi.

Những câu điền từ thì đơn giản, tôi lấy đại một từ nào đó trong trang điền vào. Tôi có hiểu nghĩa đâu mà lựa chọn. Còn những câu trả lời câu hỏi thì cứ cắt nguyên một câu trong đoạn văn ở phần trên để vào, những câu sắp xếp các từ thành câu hoàn chỉnh thì khỏi sắp xếp, cứ viết lần lượt các từ đó thành câu.

Tôi không hiểu giáo viên sẽ chấm và cho điểm như thế nào, nhưng thầy đã dặn  thì tôi cứ thế mà làm, không được thắc mắc nhiều.

Sáng hôm sau, chúng tôi thi nghiệp vụ. Mọi việc cũng diễn ra hoàn hảo như hôm thi triết. Tôi nghĩ thi thế này thì cháu mình học lớp 9 ở quê, biết đọc biết viết, cũng đi thi cao học của ngành tôi được.

Sau khi thi xong, tôi và mấy anh bạn ở cùng phòng đi nhậu tưng bừng một buổi, rồi chia tay hẹn ngày nhập trường. Tôi thấy ai ra về cũng rất tự tin vào kết quả thi.

Trước khi về, tôi vào chào thầy giáo giúp tôi, nhờ thầy theo dõi kết quả thi và báo ngay cho tôi.

Phải đến hai tháng sau, nhà trường mới tổ chức chấm thi. Lý do đưa ra là giải quyết kiện cáo, thanh tra về một số thành phần dự thi không đủ tiêu chuẩn, về việc chi tiêu tiền quỹ lớp (quỹ lớp của chúng tôi đến gần nửa tỷ đồng).

Tôi không quan tâm vì đó là việc của trường, mà chỉ quan tâm đến kết quả thi của tôi thôi.

Thầy giáo cho biết, kết quả thi của tôi rất tốt, môn ngoại ngữ được 5 điểm, vừa đủ. Hai môn kia được 15,5 điểm.

Theo thầy thì, với kết quả đó, có thể yên tâm thu xếp công việc, chuẩn bị nhập học rồi (đến lúc này trường vẫn chưa công bố kết quả, đây là thông báo riêng).

Kết quả thi được như ý, nhưng sao tôi không cảm thấy hưng phấn, vui mừng như ngày thi đại học. Một nỗi thất vọng, hẫng hụt bao trùm, có lẽ thi trượt sẽ đỡ làm tôi khó chịu hơn.

Tôi không hiểu khi vào học sẽ như thế nào. Thi thế này sẽ đỗ, đỗ vào học sẽ chắc chắn tốt nghiệp. Chẳng lẽ sẽ có cả trăm thạc sĩ như thế này sao? Và rồi có bao nhiêu thạc sĩ này sẽ tiếp tục là tiến sĩ?

Đến đây, có thể bạn hỏi tôi viết ra như vậy để làm gì và, nếu đã thấy như vậy, còn đi học làm gì.

Tôi có thể nói ngắn gọn như thế này: Tôi viết ra để tất cả chúng ta cùng tự nhìn lại mình. Và tôi vẫn đi học bởi đơn giản “nhập gia thì phải tùy tục”.

MỚI - NÓNG
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh
TPO - Tối 15/1, tỉnh Bến Tre kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, công bố quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 17/1 hằng năm làm Ngày truyền thống của tỉnh. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại buổi lễ.