Vợ chồng son (Cuộc sống ở phố) của Nguyễn Bá Quang - Hạnh Đỗ |
Thực thi từ tháng 11/2008, Bên trong thành phố là một phần của dự án Nghệ thuật đô thị- dùng các loại hình nghệ thuật tôn vinh và khẳng định bản sắc cá nhân, bản sắc văn hóa của các cộng đồng sống trong các đô thị khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc và Anh (dự án này lại nằm trong dự án Thành phố sáng tạo do Hội đồng Anh quản lý trong khoảng thời gian 2008-2010).
Loại hình được chọn để phản ánh Việt Nam là nhiếp ảnh và văn xuôi. Song hành với mỗi bộ ảnh là một câu chuyện khoảng 1.000 từ kể về các nhân vật trong ảnh. Người xem giống như tham dự một cuộc giao lưu với những cảnh đời Hà Nội hơn là đi xem một triển lãm nhiếp ảnh.
Hội đồng Anh chọn sáu người viết (đa số là phóng viên trẻ) và bảy nhà nhiếp ảnh để kiếm chuyện ở Hà Nội. Các khu vực tập thể cán bộ, rạp xiếc, trường mỹ thuật, sông Hồng, phố xá- được các nhóm chia nhau đào xới. Làm sao mỗi vùng chọn ra 3 - 5 nhân vật bất kỳ để đặc tả.
Một trong những nhân vật đại diện cho khu phố xá là họa sĩ Vũ Dân Tân, sống cùng mẹ già, ôm mối tình với một thiếu phụ Nga và quyết không cho thuê căn nhà mặt tiền ở phố Hàng Bông để đổi lấy cuộc sống giàu sang. Một nhân vật cũng thuộc dạng có tên tuổi nữa là diễn viên xiếc trăn Tống Toàn Thắng và cô con gái nhỏ của anh - cũng bắt đầu say mê trăn.
Còn lại là những nhân vật vô danh, những người khó có cơ hội xuất hiện trước công chúng để kể câu chuyện thú vị của mình. Đó là một họa sĩ trẻ có niềm đam mê ca trù, một lính Campuchia nhờ hội họa trụ lại được ở Hà Nội, một thợ may về hưu, một người vẽ truyền thần, một nữ sinh nhảy hip - hop, những người tham gia hội tắm truồng bãi giữa, hay những quan chức về hưu...
Đó là bà Lộc - người canh miếu Hai Cô kế bên rạp xiếc ở đường Trần Nhân Tông. Bà Lộc vẫn còn phải lo cho một người cháu trong trại cai nghiện. Không đủ tiền ăn thịt cá, bà thường kho củ đậu hay su hào lên để ăn với cơm.
Đến bữa, bà không quên đổ một ít cơm xuống gầm giường chia sẻ với lũ chuột, để chúng khỏi buồn mồm cắn quần áo, cắn dây điện thoại của bà. “Ai cũng cho thức ăn vào tủ lạnh hết thì chúng nó ăn bằng gì? Đói thì chúng nó phải ăn vụng. Ngày xưa tôi cũng đói lắm...”.
Người giúp bà kể chuyện là nhà nhiếp ảnh Na Sơn và nhà báo Uyên Ly. “Câu chuyện của bà khiến tôi có nhu cầu thay đổi”, Uyên Ly nói. “Tôi sống có kế hoạch hơn, suy nghĩ nghiêm túc về mọi thứ. Đó là điều tôi học từ bà Lộc”.
Na Sơn cho hay họ phải mất vài tuần để thuyết phục các nhân vật cho phép kể lại chuyện của họ, và thêm vài tuần nữa để sống với nhân vật chứ không đơn giản bỏ ra một ngày như thực hiện một bài phỏng vấn hay phóng sự ảnh đơn thuần.
“Nếu làm một phóng sự ảnh, tôi sẽ có cách chụp khác, mang tính ẩn dụ mạnh hơn. Để hình ảnh và câu chuyện liên kết với nhau, chúng tôi mỗi người đều phải lùi một bước...”.
DJ Clark - người điều phối dự án và cũng trực tiếp tham gia chụp ảnh bày tỏ sự hài lòng vì đã đem lại một cách nhìn khác về Hà Nội - ít nhất là đối với người nước ngoài.
Người phụ trách chương trình đào tạo quốc tế thạc sĩ về ảnh báo chí của ĐH Bolton nói: “Trước khi đến đây, hình ảnh Hà Nội trong tôi gắn với nón lá, áo dài, cánh đồng xanh... Thực tế không hoàn toàn như vậy. Mấy ngày trước, anh bạn tôi là một nhà nhiếp ảnh ở Mỹ khoe vừa ra mắt cuốn sách ảnh về Việt Nam, và nội dung tôi được biết lại vẫn là áo dài, nón lá, con trâu, cánh đồng...”.