>> Chưa có chiến lược lâu dài cho ngành gạo
>> Cần hạn chế quyền của VFA
>> Giá gạo xuống, VFA lại cho xuất
Người nông dân năm nắng mười mưa luôn hy vọng hạt lúa xuất khẩu sẽ nâng cao mức sống cho họ - Ảnh: Hồng Lĩnh |
Khoảng cách giữa nông dân với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn rất xa.
Doanh nghiệp xuất khẩu không mua lúa
Một nghịch lý tồn tại nhiều năm là doanh nghiệp xuất khẩu gạo không mua lúa với nông dân. Nông dân làm ra lúa và bán lúa. Còn doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại chỉ đi mua gạo thành phẩm của các nhà máy chế biến.
Ở giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu gạo là một khoảng cách xa với lực lượng thương lái (hoặc doanh nghiệp tư nhân) có khi đến 4 - 5 tầng nấc.
Cho nên, Chính phủ nhiều lần có các chính sách ưu đãi về tín dụng, lãi suất, thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, để mong mua hết lúa và mua lúa giá cao cho nông dân, nhưng không mấy khi nông dân được hưởng. Bởi doanh nghiệp xuất khẩu đâu có mua lúa!
Một nghịch lý tồn tại quá lâu đến mức như là đương nhiên, ít người nghĩ cần phải thay đổi. Đáng ngạc nhiên hơn, chính các doanh nghiệp của VFA hầu như chưa có ý định thay đổi. Mỗi khi ký được hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp này chỉ đặt hàng cho thương lái. Thế là xong.
Sự bát nháo trong thu mua lúa như thế còn làm cho chất lượng hạt gạo xuất khẩu của nước ta luôn thấp. Bởi, thương lái nhỏ lẻ, mua nhỏ lẻ, mua nhiều loại lúa, trộn lẫn với nhau và xay ra chủ yếu gạo phẩm cấp thấp, loại gạo 25 phần trăm tấm chiếm tỷ lệ khoảng 60 phần trăm.
Thương lái mua lúa tươi, quy trình sấy khô không đảm bảo kỹ thuật càng khiến cho chất lượng hạt gạo xuống thấp hơn nữa, tỷ lệ hạt gạo gãy chiếm tới 60 - 65 phần trăm. Các nước khác, tỷ lệ hạt gạo gãy chỉ chiếm chừng 45 phần trăm.
Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, hệ thống thương lái hiện nay cần được tổ chức lại. Việc này phải do VFA.
Khi gắn được kinh doanh xuất khẩu với nông dân, với sản xuất mới có thể nói tới nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bằng các biện pháp như phát triển vùng nguyên liệu, công nghệ sau thu hoạch.
Lãnh đạo Cty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang, trong cuộc họp của VFA ở TP Cần Thơ ngày 27/4, thẳng thắn: “Chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa vạch ra được một chiến lược cụ thể cho ngành gạo. Điều hành xuất khẩu lúng túng, gần như năm nào cũng xảy ra chuyện.
Chúng ta đang bị mâu thuẫn giữa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mục tiêu xuất khẩu gạo và lợi ích của nông dân. Cần phải xác định, trong ba yếu tố đó, yếu tố nào quan trọng chứ không thể đi hàng ba được”.
Cũng phải đề cập tới cơ chế xin - cho trong xuất khẩu gạo hiện nay. Những doanh nghiệp nhà nước lớn gần như độc quyền trong đấu thầu xuất khẩu vào những thị trường tập trung, đôi lúc chi phối cả VFA.
Lực lượng thương lái vì thế không phát triển được, kéo dài sự nhỏ lẻ, bát nháo. Những thương lái làm ăn giỏi cũng đành chấp nhận vị thế phụ thuộc, hoạt động khâu trung gian để hưởng lợi ngắn hạn, không dám tính toán lâu dài.
Những hạn chế ấy trong tiêu thụ lúa gạo, năm 2002, khi triển khai Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về bao tiêu nông sản hàng hóa, đã được đặt ra. Đó là tổ chức lại lực lượng thương lái thu mua lúa gạo ở ĐBSCL theo hướng có lợi hơn cho nông dân.
Từ đó đến nay, với vai trò điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo của VFA, tất cả vẫn y nguyên bát nháo.
Hiệp hội Hồ tiêu, nhiều năm qua không ít lần kết hợp với các cơ quan khoa học, xuống tận các vùng trồng tiêu trọng điểm để giúp nông dân có kỹ thuật canh tác hợp lý, nâng cao năng suất, cung cấp thông tin giá cả thị trường, xây dựng thương hiệu. Nhờ đó, từ nhiều năm nay, chất lượng, sản lượng và vị thế của hạt tiêu Việt Nam đã luôn được nâng cao một cách rõ rệt. |