Ứng phó với những thay đổi của làn da khi mang bầu

Ứng phó với những thay đổi của làn da khi mang bầu
Mang thai đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận những thay đổi về ngoại hình, sinh lý… Một trong những biến đổi lớn nhất là những thay đổi đối với làn da.

Vậy phải làm sao để vẫn sở hữu được một làn da đẹp, mịn màng, tươi trẻ ngay cả khi đang mang thai?

Mụn

Mụn là vấn đề thường gặp về da nhất đối với phụ nữ mang thai. Nguyên nhân gây nên mụn là do sự biến đổi lớn về hàm lượng hormon trong cơ thể.

Nếu hàm lượng hormon androgen càng lớn thì càng kích thích các tuyến dầu trên da hoạt động, gây tắc nghẽn các lỗ chân lông và sinh ra mụn trứng cá.

Để ứng phó an toàn với mụn trong giai đoạn mang thai, các chuyên gia khuyên bạn nên rửa mặt đều đặn 2 lần/ngày với loại sữa rửa mặt có hoạt tính dịu nhẹ và không gây kích ứng da.

Bạn cũng hoàn toàn có thể sử dụng thêm các sản phẩm chăm sóc da khác, nhưng nên nhớ hãy chọn loại không chứa nhiều dầu và chắc chắn rằng nó không khiến bạn bị dị ứng.

Nếu bạn băn khoăn về một loại sản phẩm chăm sóc da nào đó thì hãy hỏi ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được an toàn cho cả bạn và thai nhi.

Da bị mẩn đỏ

Không ít chị em phụ nữ khi mang thai thường thấy biểu hiện làn da bị khô, mẩn đỏ và quá mẫn cảm. Đôi khi hiện tượng này chỉ tập trung ở gan bàn tay hoặc gót chân.

Muốn khắc phục tình trạng này bạn hãy dùng xà bông có hoạt tính dịu nhẹ để vệ sinh vùng da đó mỗi ngày. Có thể dùng một chiếc khăn lạnh để đắp lên vùng da bị mẩn đỏ khoảng 30 phút.

Nếu da bạn bị mẩn đỏ và ngứa, bạn hãy lấy một miếng chanh để chà xát. Cách này rất hiệu quả và an toàn cho cả mẹ và bé.

Tuy nhiên, nếu đã thử nhiều cách mà vẫn không cải thiện được tình hình thì hãy nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa, tránh tự ý mua thuốc điều trị vì rất dễ gây nên những tác động xấu tới quá trình phát triển của thai nhi.

Khi da bị nám

Các vết nám trên má xuất hiện trong thời kỳ mang thai do sự thay đổi các hormon trong cơ thể dẫn tới việc các hắc tố melanin cũng xuất hiện nhiều hơn.

Ở những người phụ nữ có làn da vốn bị nám và tàn nhang ngay từ đầu thì tới thời kỳ mang thai, các vết nám và tàn nhang ngày càng rõ và đậm màu hơn.

Để hạn chế tình trạng này, bạn cần:

- Hạn chế việc da phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Khi ra đường, phải bôi các loại kem chống nắng có độ SPF cao, giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời; đội mũ, kính và khẩu trang đầy đủ. Không nên ra ngoài trong khoảng thời gian từ 11g-15g vì đây là thời gian tia tử ngoại hoạt động rất mạnh.

- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước cũng là biện pháp tốt để chống lại hiện tượng nám da.

- Không nên áp dụng các biện pháp chữa trị nám da trong thời gian mang thai vì sẽ ảnh hưởng tới thai nhi. Hãy chờ đến khi cai sữa cho trẻ mới bắt đầu việc phục hồi và chữa trị cho da.

Mọc nhiều lông

Khi mang thai bạn có thể thấy xuất hiện thêm nhiều lông mọc ở vùng nách, vùng bụng, dưới cằm và ria mép.

“Thủ phạm” của hiện tượng này cũng chính là do quá trình thay đổi hàm lượng hormon trong cơ thể.

Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, thông thường sau khi sinh khoảng vài tuần hay vài tháng hiện tượng này sẽ không còn nữa.

Rạn da

Rạn da cũng là mối quan tâm lo lắng hàng đầu của chị em khi mang thai, nó có ảnh hưởng không nhỏ tới vẻ đẹp của bạn về sau.

Khi mang thai, vùng bụng và mông của người phụ nữ thường tăng quá nhanh về kích thước khiến da không thể giãn ra kịp, mặt khác các sợi đàn hồi collagen và elastin không được chuẩn bị để thích ứng kịp thời với kích thước tăng nên xảy ra tình trạng đứt gãy.

Các vết đứt gãy liên tiếp sẽ tạo thành các vết rạn nứt, ban đầu sẽ có màu đỏ nâu do các mạch máu dưới da bị tổn thương. Sau khi sinh và cơ thể hồi phục, các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng, đến lúc này thì việc điều trị trở nên vô cùng khó khăn vì các vết rạn đã trở thành sẹo vĩnh viễn.

Cũng xin nói thêm việc điều trị chứng rạn da khá khó, không có cách nào ngăn ngừa các vết rạn và cũng chẳng có một sản phẩm nào trên thị trường làm được điều này. Các loại kem được cho là giúp chống rạn da thực chất chỉ có tác dụng ngoài da trong khi các vết rạn này lại xuất phát từ sâu bên trong da.

Tuy nhiên, bạn có thể giảm thiểu được tình trạng rạn da bằng sự chú ý tới quá trình tăng cân của mình. Để cơ thể không lên cân quá nhiều, quá nhanh, cần duy trì chế độ ăn cân bằng với nhiều rau xanh, hoa quả tươi; tránh các loại thực phẩm có quá nhiều chất béo hay đồ ăn nhanh và các sản phẩm chứa chất phụ gia, chất ổn định (những chất này có tác dụng giữ nước).

Uống nhiều nước cũng rất giúp bạn duy trì sức sống cho làn da. Cần uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày.

Chống khô và bảo vệ làn da

Bạn hãy tạo thói quen chăm sóc da hằng ngày.

Khi ra ngoài bạn nên sử dụng kem chống nắng để bảo vệ bạn tránh được các tia UVA và UVB độc hại.

Bạn hãy lựa chọn các loại kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu là 15. Khi bôi kem chống nắng nên bôi rộng khắp, tất cả các bộ phận như cổ, gáy, chân, tay…

Trong quá trình mang thai, cơ thể bạn sẽ có sự thay đổi đáng kể về hormon và sắc tố da, thường khiến da mặt nổi mụn.

Sử dụng kem chống nắng thường xuyên sẽ giúp bạn tránh được những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực của làn da.

Nếu bạn có ý định đi biển hoặc tắm nắng vào những ngày trời nắng gắt, bạn phải chọn loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Hãy xem trên nhãn các loại kem có chứa thành phần parsol 1789 hay avonbenzone. Đó là loại kem rất thích hợp với phụ nữ mang thai.

Da bạn trở nên mẫn cảm hơn

Nếu như da bạn trở nên mẫn cảm và dễ bị dị ứng trong khi mang bầu, bạn cần phải cẩn trọng với môi trường xung quanh và ánh nắng mặt trời, tránh những tổn hại cho da.

Bên cạnh đó, bạn nên thường xuyên sử dụng kem dưỡng da. Nên chọn loại có chứa nhiều mật ong và vitamin C.

Chỉ sử dụng các sản phẩm lột da tối đa 1 lần/tuần.

Một điều cần lưu ý là trong thai kỳ, bạn nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm để bảo vệ cho đứa con thân yêu của bạn. Nên nếu có phải "chịu xấu" một chút vì con, thì cũng là điều có thể, phải không...?

Theo Khổng Thu Hà
Tuổi Trẻ/CC

MỚI - NÓNG