>> Kinh nghiệm chọn trường vừa sức khi du học Hoa Kỳ
Hồ sơ tốt là một trong những điều kiện đầu tiên giúp bạn du học Hoa Kỳ. Ảnh minh họa. |
1. Ðiểm SAT, GRE, GMAT, LSAT
Ðiểm SAT (Scholastics Assessment Test) yêu cầu đối với học sinh lớp 12 nộp đơn vào đại học, hoặc khi bạn đang là sinh viên học đại học ở Việt Nam. Ðiểm SAT gồm có 3 phần: Toán, Ðọc phân tích và Viết, mỗi phần 800 điểm.
Ðối với những trường loại A, thường yêu cầu điểm SAT trên 2.000, trường loại B+ hay B đòi hỏi điểm này trong khoảng 1800 - 2000. Ngoài ra, những trường loại A còn yêu cầu sinh viên gửi thêm điểm SAT Subject - môn thi riêng như Toán, Lý, Sinh, Sử… với điểm tối đa là 800.
Ðiểm GRE (Graduate Record Examination) yêu cầu đối với sinh viên nộp đơn vào chương trình thạc sĩ hay tiến sĩ cho các ngành như kỹ sư, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn…
Bạn có thể nộp đơn vào chương trình tiến sĩ khi có bằng cử nhân, kỹ sư hay khi là sinh viên năm thứ 3 đại học, chứ không nhất thiết phải có bằng thạc sĩ.
Ðiểm GRE gồm 3 phần: Toán, Verbal (kiểm tra từ vựng) và Viết phân tích, mỗi phần 800 điểm, riêng phần Viết 6 điểm. Ngoài ra còn có GRE Subject với điểm tối đa là 990.
Ðiểm GMAT (Graduate Management Admission Test) giành cho sinh viên học MBA với chương trình 2 năm. Tốt nghiệp đại học hay sau đại học của bất kỳ ngành nào cũng có thể nộp đơn vào chương trình MBA. Ðiểm GMAT có 3 phần: Toán, Verbal và Viết phân tích. Điểm tối đa của Toán và Verbal là 800 điểm, riêng phần Viết 6 điểm.
Ðiểm LSAT (Law School Admission Test) yêu cầu với sinh viên học Luật với bằng J.D (Juris Doctor), chương trình 3 năm. Có bằng đại học hay sau đại học là có thể nộp đơn vào chương trình J.D.
Học xong J.D, bạn phải thi Bar Exam để hành nghề tại một tiểu bang Hoa Kỳ. Nếu bạn đã có bằng Luật tại Việt Nam thì có thể đăng ký chương trình L.L.M mà không cần thi LSAT.
Các môn thi SAT và GRE có tổ chức tại Việt Nam, còn GMAT tổ chức tại Thái Lan. Các bạn có thể xem lịch thi tại hồ sơ Du học Hoa Kỳ của IVCE trên trang web hay Viện Giáo dục Quốc tế (www.iievn.org).
Thời gian luyện các môn thi này khoảng 3 tháng nếu sinh viên đã có tiếng Anh khá. Giá những sách ôn thi tại Mỹ khoảng 35 - 40 đô la Mỹ. IVCE có thể giúp sinh viên Việt Nam mua sách với giá gốc của Princeton Review với giá lá 10 đô la Mỹ một cuốn (liên hệ qua email của IVCE: nhipsong@ivce.org).
2. Ðiểm học tại trường
Điểm trung bình mỗi năm nên đạt trên 7.0. Bảng điểm phải được dịch ra tiếng Anh và có dấu chứng nhận. Nếu có người nhà ở Mỹ, nên chứng nhận tại Mỹ.
Ngoài ra, bạn nên viết thêm thư ngắn giải thích thang điểm Việt Nam và xác định điểm của bạn thuộc loại khá hay giỏi.
3. Thư cá nhân
Ða phần sinh viên Việt Nam yếu về phương pháp viết thư cá nhân hay trả lời những câu hỏi trong đơn nhập học. Thư cá nhân là thư “ngắn gọn” nhưng trình bày đủ tư tưởng của sinh viên về việc học, sự chọn lựa ngành học, trường học, đam mê ngành học, sự cống hiến sau này…Bạn cũng nên giới thiệu đôi chút về bản thân và gia đình.
Vì là thư ngắn, khoảng 500 chữ, nên cần chọn ra 3 - 4 ý chính, nêu bật ý. Khi xét hồ sơ, người làm công tác tuyển sinh đọc hàng ngàn thư cá nhân, nên ấn tượng là họ bỏ sang một bên để đọc thư khác.
Gây ấn tượng không chỉ là “khoe” đoạt huy chương vàng cuộc thi Olympic quốc tế hay tham dự các cuộc tranh tài về năng khiếu. Hãy viết chân thực về bản thân, những điều suy nghĩ, ấp ủ, hoài bão...
Nhiều người “mượn” thư cá nhân của người khác, thêm mắm, muối và nghĩ là hay nhưng người đọc chuyên nghiệp sẽ nhận ra ngay.
Ðể viết thư cá nhân tốt, nên có thời gian suy nghĩ và tự hỏi tại sao viết về điều này. Hầu hết các trường đại học có cùng một kiểu thư giới thiệu hay các câu hỏi, bạn xem đơn nhập học của trường trên website, các câu hỏi đề cập về những điểm gì? Từ đó, bạn suy nghĩ trong một tháng, khi nào có ý tưởng hay thì viết ra giấy.
4. Thư giới thiệu
Sinh viên Việt Nam gặp khó khăn ở thư cá nhân rồi tiếp tục gặp khó khăn ở thư giới thiệu. Khó khăn ở chỗ đa phần thầy giáo hay giáo sư Việt Nam không muốn viết thư giới thiệu.
Ở Hoa Kỳ, thầy giáo, giáo sư hay lãnh đạo phải viết thư giới thiệu, đó là luật. Vì chưa phổ biến nên khi viết thư giới thiệu, nhiều thầy không biết viết như thế nào để gây ấn tượng cho sinh viên.
Ngoài ra, nhiều thầy không thể viết được bằng tiếng Anh. Trong trường hợp này, có thể nhờ công ty dịch thuật dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý là thư được "bảo mật". Nếu hội đồng xét hồ sơ biết thư giới thiệu đã được sinh viên đọc thì coi như hồ sơ nhập học của bạn rơi vào… thùng rác!
Khi tìm người viết thư giới thiệu, bạn nên chọn thầy có nhiều thông tin và hiểu mình nhất, đối thoại với mình nhiều nhất…
5. Kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu
Khi nộp đơn vào ngành học MBA, yêu cầu đòi hỏi người học phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm. Nếu đang làm việc tại những công ty tên tuổi trên thế giới, đơn của bạn sẽ được chú ý nhiều hơn.
Nộp đơn vào các ngành kỹ sư hay khoa học tự nhiên, thông thường trường yêu cầu phải có kinh nghiệm nghiên cứu. Nhiều trường đại học lớn xem kinh nghiệm nghiên cứu là quan trọng hàng đầu.
Khi là sinh viên năm thứ 2 - 3 đại học, bạn có thể xin các thầy cho làm những việc lặt vặt trong phòng thí nghiệm, dần dần tham gia các dự án nghiên cứu.
Kinh nghiệm nghiên cứu không những giúp cho hồ sơ của bạn “nặng” hơn, mà còn giúp cho thầy giáo đánh giá đúng năng lực qua phần nghiên cứu khoa học, quá trình cộng tác làm việc.
6. Sinh hoạt xã hội
Sinh hoạt xã hội có vai trò quan trọng trong việc xét hồ sơ nhập học của sinh viên. Tất cả các tham gia hoạt động của bạn ngoài giờ học được xem là sinh hoạt xã hội, như bạn trong đội tuyển Toán, đội tuyển thể thao, âm nhạc, làm việc tự nguyện tại thư viện, tham gia công tác hoạt động xã hội của trường…
Người xét hồ sơ muốn xem khả năng của bạn trong một tập thể như thế nào. Người Mỹ quan niệm học và kinh nghiệm sống quan trọng như nhau, học giỏi mà không hòa mình trong nhóm thì sau này khó làm việc được trong công sở.
7. Ðiểm thi TOEFL
Ðiểm TOEFL là yếu tố quan trọng cuối cùng trong hồ sơ vì nó chỉ đánh giá trình độ tiếng Anh của bạn.
Các trường yêu cầu điểm TOEFL ibt vào khoảng 80 - 100. Nếu có nền tảng tiếng Anh tốt, sinh viên nên tự luyện thi TOEFL.
Bạn mua sách TOEFL ibt ETS của nhà xuất bản McGraw Hill tại trung tâm IIG Việt Nam - Hà Nội (Số 24 Nguyên Hồng, quận Đống Ða, Tel: 7732411), tại Ðà Nẵng (Số 268 Trần Phú, quận Hải Châu, Tel: 565888), tại TP.HCM (Số 3, Đường 3 Tháng 2, Phường 11, Quận 10, Tel: 9292633).
Ngoài ra, các bạn có thể tìm các CD đề thi mẫu TOEFL ibt tại các tiệm CD để luyện tập.
Nếu bạn chưa có nền tảng tiếng Anh tốt thì nên học tiếng Anh thêm 6 - 12 tháng, sau đó quay lại luyện thi TOEFL. Ða phần sinh viên Việt Nam chưa xác định khả năng tiếng Anh của mình, là đăng ký luyện thi TOEFL, như vậy không có hiệu quả và cảm thấy lo lắng.
Thời gian nộp đơn vào đại học Hoa Kỳ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 2, có một số trường bắt đầu từ tháng 12.
-----------------------
Bài 3: Tìm học bổng
Trần Thắng
Chủ tịch Viện Văn hóa & Giáo dục Việt Nam