Hai bé trai sinh đôi dính nhau tạm thời đặt tên là Nguyễn Văn Cu và Nguyễn Văn Cò được sinh ra trong một gia đình không có tiền sử bất thường về sức khỏe.
Trước khi sinh hai bé, anh Nguyễn Văn Lợi và chị Đàm Thị Chuyên đã có một bé gái 8 tuổi khỏe mạnh. Trong dòng họ không có bệnh di truyền nào đặc biệt và không có ai sinh đôi hay sinh con bị dị tật.
Quá trình mang thai của chị Chuyên diễn ra khá bình thường. Vùng đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - nơi gia đình anh chị sinh sống cũng không có bất thường gì về nguồn nước, thực phẩm, không khí…
Khi tuổi thai được 6 tháng, chị Chuyên đã đi siêu âm ở Bệnh viện huyện, nhưng chị chỉ được thông báo sẽ sinh đôi với một bé trai và một bé chưa rõ giới tính, không hề có cảnh báo nào về việc hai thai dính nhau.
Chỉ đến ngày 2/12, khi hai cháu bé chào đời, gia đình mới bàng hoàng biết hai cháu bé bị dính nhau ở phần bụng. Hai bé được mau chóng chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương.
Hiện sức khỏe hai cháu bé đang tiến triển tốt, song do bé Cu bị dị tật chuyển gốc động mạch - bệnh tim bẩm sinh nên da hơi xanh xao. Còn bé Cò có dị tật bán tắc đường tiêu hoá, ruột lưu thông chậm, ứ động dịch dạ dày nên phải ăn theo đường tĩnh mạch.
Trước mắt, hai cháu bé sẽ phải trải qua ca phẫu thuật tách phần dính nhau, sau đó bé Cu sẽ phải phẫu thuật dị tật tim tiêu tốn tới 100 triệu đồng.
Theo bác sỹ Trần Danh Cường, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, dị dạng của các cặp song sinh dính nhau thường không liên quan đến di truyền, mà do sự phân chia phôi muộn sau ngày thứ 13.
Thông thường, các trường hợp song thai sẽ có sự phân chia phôi tế bào trước ngày 13. Nếu phân chia phôi muộn sau ngày 13 thì sẽ xảy ra khả năng hai cơ thể có một số cơ quan chung nhau, ví dụ như chung nhau gan, tim, phổi, cơ quan tiêu hóa...
Do đó, có thể loại trừ những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học như sinh con dị dạng do gia đình ăn ở thất đức, bố mẹ cháu bé kiếp trước làm điều ác… mà một số người ác ý áp đặt.
Sản phụ nên được chẩn đoán sớm
Điều đáng nói là theo bác sỹ Trần Danh Cường, phần lớn các bất thường thai nghén, trong đó có trường hợp song thai dính nhau đều có thể chẩn đoán được rất sớm (từ 12 tuần trở đi) bằng phương pháp siêu âm. Với gia đình các cháu bé, nhất là bà mẹ mới sinh đã phải chịu một cú sốc quá lớn.
Hiện chị Đàm Thị Chuyên vẫn ở Quỳnh Lưu, Nghệ An do còn quá yếu sau khi sinh và không được ở bên hai đứa con bé bỏng vừa mới chào đời. Nếu được chẩn đoán sớm và chính xác tình trạng song thai dính nhau, chị và các bác sỹ đã có thể bàn bạc để lựa chọn quyết định ít gây tổn hại nhất về sức khỏe, tinh thần và tiền bạc cho cả gia đình cháu bé và xã hội về sau này.
Ngày nay, với nhiều kỹ thuật hiện đại trong y khoa, có nhiều dị tật có thể khắc phục được sau khi trẻ sinh ra và không nhất thiết phải đình chỉ thai. Song việc phát hiện sớm ít nhất cũng giúp gia đình cháu bé có sự chuẩn bị kỹ về tinh thần và vật chất.
Tuy nhiên, chẩn đoán dị tật cho trường hợp song thai bằng siêu âm là rất khó và đòi hỏi trình độ chuyên môn tốt của bác sỹ, vì dị dạng song thai thường có rất nhiều dạng, mỗi dạng lại có những biến chứng riêng. Hiện mới chỉ có 20 tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng đề án sàng lọc trước và sau sinh do thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh phí.
Ngoài hai trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở phía Bắc (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) và phía Nam (Bệnh viện Từ Dũ), Bộ Y tế mới đang triển khai xây dựng thêm một trung tâm nữa tại miền Trung (Trường Đại học Y - Dược Huế).
Do đó, việc chẩn đoán sớm và chính xác các dị dạng song thai với hệ thống y tế tuyến cơ sở vẫn còn là một thử thách lớn. Nếu không sớm được đầu tư thỏa đáng, thì người chịu thiệt thòi nhất chính là các cháu bé và gia đình sống ở vùng sâu, vùng xa.
Vì sao tỷ lệ song thai dính nhau thường ở nông thôn? Trong 6 năm trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật tách thành công cho 3 cặp trẻ song sinh dính nhau (cặp Nghĩa - Đàn ở Nghệ An, cặp Cúc - An ở Thanh Hóa, cặp hai bé gái ở Quảng Ninh), chưa kể các trường hợp song thai dính nhau đã tử vong khi chưa kịp phẫu thuật. Hai bé Cu và Cò (Nghệ An) sẽ là trường hợp thứ tư được phẫu thuật tách. Điều đáng bàn là theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi Trung ương, các cặp song sinh dính nhau đến bệnh viện đều rơi vào các trường hợp trẻ sinh ra ở các tuyến y tế cơ sở, chưa có trường hợp nào ở y tế Trung ương hay thành phố lớn. Theo Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trên thực tế, tỷ lệ dị dạng song thai dính nhau trên không phải là hiếm gặp, nhưng nếu được chẩn đoán sớm sẽ được bác sỹ tư vấn cho sản phụ và gia đình nên đình chỉ thai, nên tỷ lệ trẻ sinh ra là không nhiều. |
Theo Thanh Loan
CAND