Ảnh minh họa Corbis.com |
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Duke University Medical Center, cà phê làm tăng mức đường huyết trung bình trong ngày lên 8% và cũng làm tăng lượng đường huyết sau ăn.
Mức tăng đường huyết sau ăn sáng, ăn trưa và ăn tối do cà phê gây ra với tỉ lệ tương ứng là 9%, 15% và 26%.
Có hai lý do cà phê gây ra tăng đường huyết. Thứ nhất, cà phê có tính kháng lại tác dụng làm giảm đường huyết của insulin dẫn đến đường không thể đi vào tế bào và bị ứ lại trong máu làm tăng đường huyết.
Thứ hai, cà phê làm tăng phóng thích adrenalin là chất làm tăng đường huyết, adrenalin còn gây run tay, hồi hộp và tăng huyết áp.
Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí Diabetes Care với kết luận “Bỏ cà phê là cách tốt để kiểm soát đường huyết”. Đây là tin không vui cho những bệnh nhân đái tháo đường type 2 nghiện cà phê. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn nào khuyên bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nên bỏ cà phê hay không.
Thực tế khám bệnh hằng ngày có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường type 2 uống cà phê, không chỉ gặp ở nam giới mà còn ở nữ giới. Theo chúng tôi, đối với những bệnh nhân đái tháo đường đã được kiểm soát tốt có thể uống cà phê mỗi ngày với lượng vừa phải. Còn những bệnh nhân đái tháo đường có lượng đường huyết khó kiểm soát thì ngưng uống cà phê là việc làm có lợi.
Theo BS Nguyễn Thanh Hải
(BV cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM)
Tuổi Trẻ