Các ngân hàng Mỹ đua nhau bán tài sản do thua lỗ nặng

Các ngân hàng Mỹ đua nhau bán tài sản do thua lỗ nặng
Được sự bảo lãnh của chính phủ liên bang, ngày 29/9, ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất thế giới Citigroup Inc. đã ra thông báo đồng ý mua lại các tài sản của ngân hàng Wachovia Corp., có trụ sở tại thành phố Charlotte, bang North Carolina, Mỹ.
Các ngân hàng Mỹ đua nhau bán tài sản do thua lỗ nặng ảnh 1

Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán New York nhức đầu trước quyết định của Hạ viện Mỹ - Ảnh: AP

Cùng ngày, ngân hàng Lehman Brothers Holdings Inc cũng loan báo ý định bán một phần tài sản cho một công ty bất động sản tư nhân. Đây là hai tập đoàn tài chính và đầu tư danh tiếng của Mỹ nhưng vừa bị phá sản do các khoản nợ xấu tràn lan trong lĩnh vực tín dụng thế chấp, chủ yếu là tín dụng thế chấp mua nhà.

Theo thỏa thuận do Citigroup và Wachovia vừa ký kết, Citigroup sẽ mua lại các đơn vị dịch vụ ngân hàng đầu tư và bán lẻ của Wachovia với giá 2,16 tỷ USD, đồng thời tiếp quản 42 tỷ USD tiền thua lỗ trong 312 tỷ USD tiền cho vay của Wachovia.

Wachovia cũng sẽ chuyển giao 4.365 chi nhánh với hơn 600 tỷ USD tiền tiết kiệm, chiếm 9,8% tổng giá trị tiền gửi tiết kiệm của Mỹ, cho Citigroup. Thương vụ này dự kiến hoàn tất vào ngày 31/12/2008.

Wachovia là ngân hàng lớn thứ 6 của Mỹ và đến tháng 2/07 vẫn có giá trị thị trường hơn 112 tỷ USD. Mặc dù bị thua lỗ tổng cộng 17,4 tỷ USD trong 3 quý gần đây, nhưng với sự cứu giúp của chính phủ liên bang để mua lại số tài sản trên của Wachovia, Citigroup sẽ có tổng giá trị tài sản trên quy mô toàn cầu khoảng 2.900 tỷ USD, lớn hơn tổng giá trị tài sản của Bank of America sau khi mua lại Merrill Lynch.

Cùng ngày, hai công ty kinh doanh bất động sản tư nhân Bain Capital Partners LLC và Hellman & Friedman LLC cũng đã đồng ý mua lại đơn vị quản lý tài sản Neuberger Berman của tập đoàn vừa bị phá sản Lehman Brothers với giá 2,15 tỷ USD.

Tập đoàn điện lực Electricite de France SA của Pháp cũng đã đồng ý mua lại Eagle Energy Partners, một công ty bán sỉ năng lượng và dịch vụ khí đốt ở khu vực Bắc Mỹ của Lehman Brothers.

Một dấu hiệu về hậu quả ngày càng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là việc ngày 29/9 cổ phiếu của ngân hàng National City Corp (có trụ sở ở bang Ohio) bị mất giá tới 52% vì giới đầu tư xác định đây có thể là nạn nhân tiếp theo bị phá sản.

Kể từ đầu 2008 tới nay trên toàn nước Mỹ đã có 13 ngân hàng lớn nhỏ tuyên bố phá sản do các khoản nợ xấu, chủ yếu trong lĩnh vực cho vay thế chấp mua nhà.

Theo Thái Hùng
TTXVN

MỚI - NÓNG