Lưu Quang Vũ – một tài năng lạ

Lưu Quang Vũ – một tài năng lạ
TP - Một phần năm thế kỷ đã trôi qua,  kể từ ngày Lưu Quang Vũ mất, nhưng ngày ngày trên các trang sách, báo và trên sân khấu người ta vẫn nhắc tới ông, một nhà thơ đằm thắm, ý vị, một nhà văn có những truyện ngắn sâu sắc, hóm hỉnh và có duyên.
Lưu Quang Vũ – một tài năng lạ ảnh 1 Lưu Quang Vũ – một tài năng lạ ảnh 2
Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ - ảnh tư liệu

Đặc biệt, trong lĩnh vực sân khấu, ông để lại nhiều tác phẩm xuất sắc gây ấn tượng rất mạnh. Đã có nhiều bài viết về thơ, truyện và kịch bản của Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên có một lĩnh vực nữa, ông cũng rất tài hoa – thậm chí tài hoa một cách lạ lùng-thì ít người nhắc tới.

Đó là những bài khắc họa chân dung nghệ sĩ sân khấu của Lưu Quang Vũ – những bài viết hết sức sinh động, độc đáo và lôi cuốn. Có không ít người đã từng viết về chân dung nghệ sĩ sân khấu nhưng chắc chắn chưa ai viết hay được như ông.

Cuối năm 1977, tôi về công tác tại Phòng biên tập sách của Nhà xuất bản Văn hóa và được giao tiếp tục theo dõi đôn đốc bản thảo Diễn viên và Sân khấu của ba tác giả Lưu Quang Vũ, Vương Trí Nhàn và Xuân Quỳnh.

Thời điểm đó, khi đặt hàng tác giả viết sách, nhà xuất bản bao giờ cũng ký hợp đồng và ứng trước tiền nhuận bút. Dạo đó, các tác giả đều bận rộn nhiều việc, nên có hơi chậm trong việc nộp bản thảo. Tôi phải dành khá nhiều thời gian cho việc đôn đốc, thúc giục họ.

Cũng phải mất bốn, năm tháng mới thu đủ bản thảo, tập bản thảo dày nửa gang tay – bài thì viết, bài thì đánh máy, giấy đen giấy trắng, giấy pơ-luya lẫn lộn.

Ngày hoàn thành, Lưu Quang Vũ mời chúng tôi ăn mừng bằng bún nem ở chợ Hôm. Khoảng tháng 2/1979 thì cuốn sách ra mắt bạn đọc, dày hơn năm trăm trang in chữ nhỏ. Khi đọc xong, các nghệ sĩ và bạn đọc đều thấy vô cùng thích thú.

Nói về cuốn Diễn viên và Sân khấu, sinh thời đạo diễn – NSND Nguyễn Đình Nghi có lần khen: “Vũ viết giỏi thật. Nhiều điều Vũ viết về ông cụ tôi (tức nghệ sĩ Thế Lữ) mà tôi cảm động đến gai cả người. Văn chương mà như thế thì thật tuyệt!”.

Còn nhớ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi vốn rất tiết kiệm lời khi khen. Còn các nghệ sĩ nhân dân Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh, Trần Tiến- những cánh chim đầu đàn của kịch nói Việt Nam – đều hết sức hài lòng và khâm phục tác giả Lưu Quang Vũ.

Nghệ sĩ Đào Mộng Long hóm hỉnh: “Vũ viết hay hơn cả tôi biểu diễn. Chỉ cần đọc là đủ, không cần xem nữa”. Ở mỗi chân dung, Lưu Quang Vũ không chỉ giới thiệu tóm tắt tiểu sử, quá trình hoạt động nghệ thuật mà còn miêu tả được một cách sinh động những vai diễn chính, những nhân vật ấn tượng nhất của nghệ sĩ ấy.

Qua cách miêu tả của Lưu Quang Vũ, những nhân vật ấy dường như lôi cuốn, sống động một cách lạ thường và thể hiện rõ rệt tài năng của người nghệ sĩ. Chỉ bằng tài năng và ngọn lửa nồng ấm của tình yêu nghệ thuật, các nghệ sĩ tài năng đã mang đến cho người xem cả một bầu trời bao la, đầy khát vọng.

Những con chữ trong trang sách của Lưu Quang Vũ đã làm được cái điều vô cùng khó là truyền lại ngọn lửa từ trái tim người nghệ sĩ đến trái tim người đọc. Ở lĩnh vực khó khăn này, ông quả đã thể hiện một tài năng lạ lùng, hiếm có.

Sau khi Diễn viên và Sân khấu ra đời, Lưu Quang Vũ rất vui và hăm hở bắt tay vào tập hai, dành nói về các nghệ sĩ ca kịch… Nhưng lúc ấy, ông bắt đầu lao vào viết kịch, tôi nhớ lúc ấy ông đang dành tâm sức cho vở Sống mãi tuổi 17 được đạo diễn –nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành dựng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Tiếp đến là hàng loạt vở Tôi và Chúng ta (Đoàn kịch Hà Nội), Nàng Si-ta và Trời xanh mai phố (Đoàn Chèo Hà Nội)… Công việc này như cơn lốc cuốn phăng Lưu Quang Vũ, khiến ông thường bị sai hẹn, có khi phải trốn trong nhà tắm để tránh các đoàn đến đòi vở.

Và một thời gian sau, tôi cũng chuyển về làm Trưởng phòng Nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ, vì thế cuốn sách còn dang dở cho đến ngày tai họa ập đến với gia đình Lưu Quang Vũ. Mỗi khi nhớ lại, tôi vô cùng tiếc về điều này.

 Hà Nội, tháng 8/2008

Lưu Quang Vinh

MỚI - NÓNG