Mười năm 'bầu' Kiên làm bóng đá

Mười năm 'bầu' Kiên làm bóng đá
TP - Vị trí thứ 5 chung cuộc trên bảng tổng sắp ở mùa giải 2004 là thành tích cao nhất HN.ACB đạt được dưới thời của chủ tịch CLB Nguyễn Đức Kiên. Mười năm làm bóng đá, bầu Kiên đã 4 lần thay tên, đổi chủ, sáp nhập các CLB.

> Biếm họa: Bầu Hiển, bầu Kiên và ... Công Vinh
> Bầu Kiên: “Tôi không hề phá giá khi kí với Công Vinh”

HN.ACB trong lịch sử đã có 2 lần rớt hạng V.League, vào các năm 2008 và 2011 vừa qua.

Dẫn dắt HN.ACB cán đích ở vị trí thứ 5, mùa giải 2004 chính là HLV lão làng Lê Thụy Hải. Ông Hải khi ấy chỉ chuyên làm bóng đá nữ hoặc trợ lý cho HLV Mai Đức Chung. Thời điểm trên, HN.ACB vẫn mang tên LG Hà Nội ACB trên cơ sở sáp nhập đội Hàng Không VN (bị giải thể) với LG ACB. Phần còn lại được bầu Kiên chuyển cho Hòa Phát lấy tên là Hòa Phát Hà Nội, tham dự giải hạng Nhất. Đội bóng của ông Kiên chính thức mang tên HN.ACB từ năm 2006.

Ở V.League, bầu Kiên vẫn được cho là tự bỏ tiền túi để làm bóng đá, vì thú vui. Không hiểu đây có phải là lý do khiến HN.ACB luôn bị tiếng là “tiết kiệm”, cho dù về tiềm lực tài chính, ông Kiên vượt xa nhiều ông bầu khác ở V.League. HN.ACB gần như đứng ngoài cuộc đua tiền với các đội bóng khác. Lực lượng của HN.ACB vì vậy cũng thuộc diện kém nhất V.League.

Khâu đào tạo trẻ của HN.ACB cũng gần như không có gì, trái ngược hẳn với người hàng xóm Hòa Phát Hà Nội. Không giống như HN.ACB, đội bóng của bầu Long và bầu Tuấn được đầu tư rất bài bản, với trung tâm đào tạo hoành tráng ở Mỹ Đình. Phó chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn từng chia sẻ rằng, ông cảm thấy bất ngờ và tiếc khi hay tin 2 ông bầu của Hòa Phát Hà Nội tuyên bố rời cuộc chơi. Không chỉ ông Viễn, các lãnh đạo khác của LĐBĐVN (VFF) cũng chung cảm giác trên.

Quân yếu, đầu tư tài chính ít, thành tích của HN.ACB trong gần 10 năm tồn tại ở V.League (với nhiều tên gọi khác nhau) như đã nói ở trên, cao nhất chỉ là vị trí thứ 5. Đội bóng của bầu Kiên đã có 2 lần rớt hạng, vào các mùa giải 2008 và 2011 vừa qua. Năm 2008, đồng hành xuống chơi giải hạng Nhất với HN.ACB chính là Hòa Phát Hà Nội, còn năm 2011 là Đồng Tâm Long An.

Kết thúc mùa giải 2011, tại lễ tổng kết diễn ra ở Hà Nội, bầu Kiên đã lên tiếng tố cáo tiêu cực của trọng tài và BTC giải VFF, hay tình trạng “rải tiền” làm bóng đá của các CLB, khiến giá cầu thủ bị đẩy lên vượt quá giá trị thực. Phát biểu của bầu Kiên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của dư luận. Ông chủ HN.ACB trở thành “thần tượng” trong mắt không ít người hâm mộ bóng đá VN.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đấy, bầu Kiên tiếp tục gây “sốc” với thương vụ “giật” tiền đạo số 1 VN Lê Công Vinh khỏi tay Hà Nội T&T, chỉ một ngày trước khi đội bóng của bầu Hiển tổ chức lễ ký kết hợp đồng với chân sút xứ Nghệ.

Chủ tịch tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển sau đấy đã đăng đàn tuyên bố, HN.ACB làm hỏng hình ảnh của một cầu thủ hàng đầu VN, và Công Vinh rời Hà Nội T&T “vì tiền”. Trước đó, bầu Kiên đã tiếp nhận và sáp nhập Hòa Phát Hà Nội với HN.ACB thành CLB bóng đá Hà Nội. Ngoài HN.ACB, ông Kiên còn có cổ phần ở ngân hàng Kiên Long, đơn vị “rót” tiền cho CLB hạng Nhất vừa giành suất thăng hạng V.League, Kiên Long bank Kiên Giang, mùa giải 2011.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG