Michael Owen - Vua cờ bạc
Lời tiết lộ của một tuyển thủ Anh giấu tên đã lột tả chân thực máu cờ bạc và đẳng cấp con nghiện đỏ đen của thần đồng xứ sương mù một thời.
“Mặt lạnh tanh, Michael Owen chơi sát ván với Kieron Dyer đến không còn một cắc lẻ. Giữa cái nóng thiêu đốt trong đêm hè Dubai, Owen hỏi vay khắp các đồng đội và chỉ chấp nhận dừng cơn nghiện đỏ đen khi đã nợ Dyer cả chục ngàn bảng…”. Lời tiết lộ của một tuyển thủ Anh giấu tên đã lột tả chân thực máu cờ bạc và đẳng cấp con nghiện đỏ đen của tiền đạo từng một thời được coi là thần đồng xứ sương mù.
Đỏ đen từ trong...bụng mẹ
Chuyện kể rằng, khi chiếc Boeing 747 cất cánh từ Tokyo đáp xuống phi trường Heathrow ở London một ngày sau thất bại của ĐT Anh trước Brazil tại tứ kết World Cup 2002, Michael Owen, thay vì đi theo xe đón đoàn được LĐBĐ Anh (FA) bố trí, đã bắt taxi tới thẳng một ngân hàng quen biết. Tại đây, tiền đạo của Tam sư đã chuyển 30.000 bảng vào tài khoản của người đồng đội Kieron Dyer.
Đó là khoản tiền Owen đã vay và nợ tiền vệ CLB West Ham hiện nay trong suốt thời gian ĐT Anh tập trung chuẩn bị và thi đấu tại World Cup 2002. Quãng thời gian ấy được chia thành hai giai đoạn. Một là chuyến tập huấn tại Dubai. Hai là thời điểm diễn ra World Cup trên đất Nhật Bản. Trong tất cả các buổi tối, dù là trước hay sau ngày thi đấu, các tuyển thủ Anh vẫn bí mật sát phạt nhau. Thậm chí, các con bạc còn xòe bài để giải sầu sau trận thua Brazil. Kết quả, Owen cháy túi với tổng tiền mặt và tiền vay lên tới cả trăm ngàn bảng.
Thua đến cả trăm ngàn bảng chỉ qua đỏ đen với đồng đội trong vài tuần, Michael Owen quả là con bạc khát nước. Người ta thống kê rằng, cho đến năm 2003, Owen đã đốt tổng cộng 2,5 triệu bảng vào các loại hình cờ bạc, từ casino, đánh bài đến cá độ bóng đá, đua ngựa, đua xe… Trong các môn đỏ đen kể trên, Owen kết nhất đua ngựa. Để thỏa mãn đam mê ấy, Owen đã mua rất nhiều ngựa đua. Có thời điểm, tiền đạo người Anh sở hữu tới 9 chú ngựa đua và từng góp vốn để xây dựng một trường đua ngựa.
Bản tính hiền lành, gia đình êm ấm, nghe chuyện Michael Owen nghiện cờ bạc, khối người ngã ngửa. Nhưng cái gì cũng có căn nguyên của nó. Từ trong bụng mẹ, Owen đã được sống trong không khí đỏ đen của cả gia đình. Ông Terry, bố của Owen, đã mở riêng một tài khoản ngân hàng, đóng tiền đều đặn vào đó để cả nhà cùng… đánh bạc. Văn hóa cờ bạc của gia đình Owen được duy trì cho đến tận sau này, khi Owen đã trở nên nổi tiếng và giàu có, đủ thỏa mãn cơn nghiện của cả nhà mình.
Ít va chạm bên ngoài là thế, nhưng trong giới đỏ đen, cái tên Michael Owen được đặt ở một vị trí đáng nể. Ở tất cả các sới bạc chân sút hiện đã 30 tuổi này ghé chân qua, anh luôn được xếp ngồi ở khu VIP, với đội ngũ phục vụ miễn chê và sẵn sàng được bơm tiền. Trong làng thể thao và giải trí thế giới, Owen thậm chí xếp thứ 2 về đẳng cấp và độ khát nước đỏ đen, chỉ đứng sau bộ đôi tài tử điện ảnh người Mỹ là George Clooney và Brat Pitt. Dễ hiểu vì sao, trong giới quần đùi áo số, người ta tôn vinh Owen là “Vua cờ bạc”.
Móc nối đường dây cờ bạc
Đánh bạc nhiều sẽ khôn ra! Giới đỏ đen, người ta không quên truyền miệng nhau câu châm ngôn ấy. Sau khi đốt không biết bao nhiêu triệu bảng vào cờ bạc, Owen ngẫm ra càng đánh sẽ càng thua. Tốt nhất là làm môi giới để lấy tiền hoa hồng. Cách đó vừa giải nghiện và cũng đỡ thâm vào túi tiền đã vơi lắm rồi. Hoặc cùng lắm thì ôm thẳng tiền cược của những con bạc. Ôm thì có khác gì đánh. Sự khác biệt chỉ là cửa chọn.
Nghĩ thế, nên năm 2005 Michael Owen tìm đến trùm cờ bạc Stephen Smith để bàn chuyện làm ăn. Sau khi đôi bên đi đến thống nhất về tỉ lệ hoa hồng và ăn chia, Owen được giao phụ trách bộ phận khách hàng là chính giới cầu thủ. Smith gợi ý Owen nhắm tới đối tượng tiềm năng là những tuyển thủ Anh hoặc các ngôi sao Premiership, vốn lương cao mà lại có sẵn máu cờ bạc trong người. Dăm ba lần đưa đẩy, Owen đã bắt sóng được với một nhóm các tuyển thủ Anh gồm Dyer, Rio Ferdinand, Lampard, Terry và nhất là Rooney.
Nhóm này được chia thành hai loại. Loại amateur gồm Terry, Lampard, Ferdinand vốn chỉ ham chơi chứ không khát nước. Cùng lắm, mỗi lần đặt cược của đám “cò con” chỉ lên đến 5.000 bảng. Với nhóm này, Smith cho đàn em phụ trách, bởi xét thấy nguồn lợi thu được chẳng nhằm nhò gì. Khác với hạng khách sộp như Rooney hay Dyer. Mỗi lần Rooney đến casino của Smith hay gọi điện thoại đặt cược, luôn là Smith trực tiếp đứng ra tiếp khách. Smith quả khôn ngoan, khi đánh trúng tâm lý được sếp sòng quan tâm của Rooney.
Thế là chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2006, con bạc VIP Wayne Rooney đã “đóng góp” vào sới bạc của Smith hàng triệu bảng. Con số chính thức không được cả Rooney lẫn Smith tiết lộ, dẫu đánh bạc hay thua bạc không vi phạm pháp luật Anh. Nhưng số nợ 700.000 bảng mà Rooney chây ì mãi không thanh toán thì chẳng giấu được ai. Khoản nợ này, người đại diện của Rooney đã thừa nhận và khẳng định thân chủ của mình sẽ trả dần. Nhưng khổ cho Rooney, khi đám đàn em của Smith truy nã anh suốt ngày. Cả Michael Owen cũng bị Smith gây khó dễ.
Không cờ bạc, biết làm gì hơn?
Gần đây, chuyện cờ bạc của Michael Owen hay Wayne Rooney đã ít được xới lên hơn. Nhưng không bởi thế mà máu đỏ đen trong giới cầu thủ suy giảm. Ngược lại, số con bạc khát nước và số tiền thua bạc đã ngày một nhiều thêm. Kéo theo đó là những vụ vỡ nợ như trường hợp mới xảy ra năm ngoái của cầu thủ CLB Stoke City, Matthew Etherington. Anh này đã phải vay khắp bạn bè và cả CLB để giải quyết món nợ 1,5 triệu bảng.
Trước thực trạng ngày một xấu đi đó, giới quản lý bóng đá đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu để tìm hiểu xem nguyên nhân gì khiến đám quần đùi áo số mê đỏ đen đến thế và có cách nào để ngăn chặn vấn nạn ấy không. Và người ta kết luận rằng, bóng đá là một ngành đặc thù và sau khi đã hy sinh quá nhiều thứ, nhiều cầu thủ đã chọn cờ bạc làm thú vui.
Lý giải như Paul Merson - một con bạc khát nước khác của làng túc cầu Anh thì “Chúng tôi phải được phép làm một điều gì đó mà mình thích chứ. Theo nghề cầu thủ, chúng tôi không được uống rượu, thức khuya, hút thuốc, sử dụng ma túy… và nói chung, bị cấm đoán hoàn toàn. Thế thì chúng tôi có còn là con người nữa không? Đôi khi, mọi người phải hiểu cho chúng tôi. Đánh bạc cũng là một cách giải trí, giúp giảm áp lực công việc. Chúng tôi kiểm soát được bản thân…”.
Vấn đề là khái niệm “kiểm soát bản thân” chỉ có thể dùng với đám “cò con”, chứ không dể áp dụng cho đám cờ bạc đã “ăn vào máu” như Owen, Rooney hay chính Merson. Cổ nhân đã đúc kết “Cờ bạc là bác thằng bần”. Điều đó chẳng hề sai. Bởi chẳng có ai giàu lên nhờ đánh bạc, chẳng ai có một cuộc sống bình yên, chứ chưa nói đến sung túc nhờ thói quen ném tiền của vào sới bạc kiếm lời?
Với giới cầu thủ, cờ bạc, dù dưới hình thức nào, quy mô ra sao, càng cần phải tránh. Khi ra sân, yếu tố quyết định đến phân nửa khả năng thi đấu của họ là tinh thần. Mà đã ngập trong nợ nần bởi đánh bạc, thì còn tâm lý đâu mà đá với đấm. Ấy là còn chưa nói đến vấn đề tiêu cực khác của bóng đá thời @.
Rooney đổ lỗi cho Owen đưa đồng đội vào chỗ chết. Còn Owen chửi thậm tệ cậu em “dám chơi mà không dám chịu”. Tình cảm sứt mẻ giữa Owen và Rooney kéo dài cho đến mãi sau này, khi họ là đồng đội của nhau tại M.U. Như lẽ thường, Rooney phải ủng hộ ông anh. Nhưng không, Rooney mặc Owen mài đũng quần trên ghế dự bị để thà đá cặp với Berbatov hay Hernandez, không thì đá cắm một mình còn hơn.
Theo Hoàng Sơn
Bóng đá +