VĐV Phạm Văn Mách |
Có thể nói, sau khi Lý Đức giã từ sự nghiệp thi đấu tới nay, Phạm Văn Mách đã tiếp bước người đàn anh để trở thành đại diện tiêu biểu nhất của thể hình Việt Nam. Thậm chí, ở khía cạnh nào đó thì Phạm Văn Mách còn trội hơn cả Lý Đức, bởi Lý Đức không có chiếc HCV cấp độ thế giới nào, còn Phạm Văn Mách đã giành chức vô địch thế giới hồi năm 2001.
Hạng cân 55kg là bệ phóng đưa Phạm Văn Mách trở thành một “quyền lực” thực sự trong làng thể hình Đông Nam Á, nhưng ít ai biết rằng có những lúc Mách đã thi đấu ở hạng cân 60kg hoặc 65kg.
Nên nhớ rằng với các VĐV thể hình chuyên nghiệp như Phạm Văn Mách, việc duy trì được cân nặng đạt chuẩn đã khó thì nếu thêm cả nhiệm vụ tăng hoặc giảm cân cho phù hợp với thực tế thi đấu lại càng khó hơn nhiều.
Thế nhưng, những người đã biết Phạm Văn Mách từ thuở hàn vi sẽ không mấy ngạc nhiên, bởi nghị lực của Mách đã giúp anh làm được nhiều việc thậm chí còn khó khăn hơn thế.
Ban đầu, khi đến với thể hình hồi năm 1994, mục đích của Phạm Văn Mách chỉ là để nâng cao sức khoẻ, vì thể hình cũng như cân nặng của Mách không phải là lý tưởng nếu xét theo yêu cầu về chuyên môn của thể hình (khi đó Mách chỉ cao 1m51, nặng 43kg, giờ Mách đã cao 1m58, nặng 55kg).
Tuy nhiên, càng tập thì Phạm Văn Mách càng thấy đam mê với môn thể thao này, và chỉ sau một thời gian ngắn luyện tập ở quê nhà An Giang, Mách đã sở hữu thân hình đẹp nhất phòng tập tại đây.
Sau đó, vào năm 1997, Phạm Văn Mách chuyển lên TPHCM sinh sống và tìm cơ hội để tiếp tục bám trụ với thể hình, bởi Long Xuyên quê Mách không phải là đất dành cho thể hình, và muốn phát triển hơn nữa trong sự nghiệp, Mách bắt buộc phải tìm tới Sài Gòn.
Không thể kể hết những khó khăn của Mách trong ngày đầu lập nghiệp ở chốn Sài thành hoa lệ. Ban ngày Mách tập luyện quần quật với tạ trong vai trò của một HLV thể hình, nhưng buổi tối Mách kiêm luôn chân bảo vệ tại CLB thể hình Bàu Cát (Tân Bình) để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm và cũng nhằm phục vụ mình một cách tốt nhất, Mách tự đi chợ và chế biến thức ăn cho mình theo đúng tiêu chuẩn của VĐV thể hình.
Chỉ đúng một năm sau khi lên TPHCM “luyện công”, Mách gặt hái chiến tích đầu tiên bằng chức VĐQG năm 1998 khi mới 22 tuổi và anh là nhà VĐQG trẻ tuổi nhất từ trước tới nay từng lặp được thành tích như vậy.
Phong độ chói sáng của Mách khi ấy đã giúp anh có một vị trí trong ĐTQG, và với căn cơ sẵn có cộng với ý chí tập luyện bền bỉ, Mách nhanh chóng khẳng định được mình ở sân chơi quốc tế bằng hàng loạt danh hiệu ở cấp độ khu vực, châu lục cũng như thế giới.
Hơn 10 năm gắn bó với thể hình, Phạm Văn Mách đã có tất cả: nghề nghiệp ổn định, cơ ngơi riêng và thậm chí là cả tình yêu cũng nhờ thể hình mà có.
“Ân tình” sâu nặng như vậy nên Mách thổ lộ cả cuộc đời sẽ gắn bó trọn vẹn với thể hình. Cũng nhờ những thành tích chói sáng của mình, năm 2006, Phạm Văn Mách vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Năm nay mới 33 tuổi, Phạm Văn Mách vẫn còn có thể cống hiến cho thể hình Việt Nam thêm nhiều thành tích nữa, và nhiều khả năng kỷ lục năm lần vô địch châu Á liên tiếp của đàn anh Lý Đức sẽ được Phạm Văn Mách vượt qua trong tương lai gần.