Vẫn dùng thuốc nghi gây tai biến tiêm cho bệnh nhi

Vẫn dùng thuốc nghi gây tai biến tiêm cho bệnh nhi
TP - 18 bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đại Từ (Thái Nguyên) cùng lên cơn sốt, tím tái sau khi tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, bệnh viện sau đó vẫn sử dụng số thuốc này để điều trị cho bệnh nhân khác với lý do… không có kháng sinh khác thay thế.

Hồi 16 giờ 30 đến 17 giờ ngày 21-4, có 18 bệnh nhi cùng lên cơn sốt khi đang nằm điều trị tại Khoa Nhi - Truyền nhiễm. Trong số đó có 4 cháu sốt cao, nhiệt độ 39-39,5 độ C và nổi vân tím toàn thân. Bác sĩ Đào Văn Soạn, Giám đốc Bệnh viện Đại Từ cho biết, 4 bệnh nhi sốt cao đã được dùng thuốc an thần, một bệnh nhân suy hô hấp được cho thở oxy. Sau khoảng 2 tiếng số bệnh nhân trên đã hết sốt.

Chiều qua, có mặt tại nhà bệnh nhi Nguyễn Thị Quỳnh, một trong 18 trường hợp trên, chị Hoàng Thị Thu Yên, mẹ bệnh nhi cho biết: Ngày 17-4, cháu Quỳnh bị nôn nên cho đi viện, bác sĩ khám kết luận cháu bị viêm phổi và cho tiêm kháng sinh ngày 2 mũi. Đến chiều 21-4, sau một mũi tiêm, cháu Quỳnh có biểu hiện rét run, môi thâm, người tím tái. Cháu được uống thuốc hạ sốt chườm nước ấm để hạ nhiệt và hôm sau ra viện. Chị Yên cho biết, các cháu bé khác ở đây sau khi tiêm đều có biểu hiện run, nổi vân tím trên da, người lạnh đi.

Biên bản kiểm tra chuyên môn ngày 27 - 4 ghi rõ do 18 bệnh nhi đã xuất viện nên đoàn giám sát chỉ nghiên cứu trên hồ sơ bệnh án và thực tế. Kết quả kiểm tra cho thấy hồ sơ bệnh án ghi chép diễn biến chưa đầy đủ, y tá có thử phản ứng kháng sinh trước khi tiêm, ghi chép phiếu thử đầy đủ. Hồ sơ bệnh án cho thấy 18 bệnh nhân được sử dụng 5 loại kháng sinh gồm Sultasin, số lô 180610 của hãng Sinter (Nga; Ceftazidin, số lô BI0111005, hãng Brawn (Ấn Độ); Cefotaxim, số lô 10030TN, hãng Tenamid (Canada); Ampixilin, số lô 02120, hãng Phabraco (Việt Nam); Gentamicin, số lô 86 DTA012, hãng Bidiphar (Việt Nam).

Vẫn dùng

Bác sĩ Soạn cho biết, sau khi xảy ra sự việc, số thuốc trên vẫn được sử dụng nhưng không xảy ra hiện tượng khác thường. Biên bản kiểm tra chuyên môn cho thấy kiểm tra vỏ thuốc tiêm sử dụng ngày 21-4 đều trùng với số lô đã được tiêm cho 18 trẻ; kiểm tra bơm tiêm loại 5ml và 10ml đang được sử dụng tại các khoa của bệnh viện không gây tai biến gì; kỹ thuật tiêm đều được chỉ định và tiêm theo đường tĩnh mạch, đúng kỹ thuật. Đoàn kiểm tra thống nhất diễn biến của 18 trẻ nói trên không phải do hiện tượng phản ứng thuốc.

Bác sĩ Soạn cho biết: “Cả 18 bệnh nhi đều bị viêm phổi hoặc viêm đường hô hấp. Triệu chứng của viêm phổi, viêm đường hô hấp là sốt, ho, khó thở. Một vài cháu có thể có tiêu chảy, nôn, một số ít không sốt, nhưng đa số viêm phổi là có sốt. Đây là 5 loại kháng sinh thường xuyên được sử dụng tại bệnh viện trong nhiều năm qua và chưa từng có gì bất thường xảy ra”.

Sở Y tế Thái Nguyên đã yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đại Từ tạm thời dừng sử dụng các loại thuốc kháng sinh nói trên để lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, bác sĩ Soạn cho hay nếu dừng số thuốc nói trên, bệnh viện sẽ không có thuốc kháng sinh khác thay thế để điều trị cho hàng trăm bệnh nhân đang nằm viện. Trong khi đó những ngày qua, số thuốc này tiếp tục được sử dụng nhưng không gây phản ứng phụ.

Bác sĩ Bùi Văn Hoan - Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên đã yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm của Sở này lấy mẫu các thuốc đã sử dụng cho 18 bệnh nhi trên để gửi đi kiểm nghiệm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.