Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ giao lưu với SV Đại học Kinh tế Quốc dân

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ giao lưu với SV Đại học Kinh tế Quốc dân
TP - Chiều 21-3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Hormats phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường có buổi giao lưu với sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân về chủ đề tăng trưởng xanh.

Thứ trưởng Hormat kêu gọi những người trẻ tuổi quan tâm việc giữ gìn môi trường sinh thái bằng việc phát triển nền kinh tế xanh. Kinh tế xanh không có nghĩa là hy sinh tăng trưởng kinh tế hay tạo ra ít việc làm hơn mà thực tế hoàn toàn ngược lại.

Thứ trưởng Hormats cho biết Chính phủ Mỹ đang giúp Việt Nam hai dự án về trả phí bảo vệ môi trường rừng ở các tỉnh Sơn La và Lâm Đồng. Hai dự án này đang thu được kết quả tốt.

Cuối buổi giao lưu, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về thông điệp chính mà ông muốn chuyển cho thanh niên, sinh viên Việt Nam, Thứ trưởng Hormats nói rằng thanh niên, sinh viên Việt Nam hiện nay sẽ là những nhà lãnh đạo trong tương lai.

Thông điệp chính ông muốn truyền tải là Mỹ quí trọng quan hệ với Việt Nam nên muốn tìm kiếm thêm nhiều lĩnh vực khác để có thể hợp tác với Việt Nam. Thứ trưởng nói ông muốn nhấn mạnh rằng hợp tác Việt - Mỹ trên lĩnh vực môi trường là điều quan trọng đối với những người trẻ tuổi hai nước.

Bảo tồn môi trường không mâu thuẫn gì với tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.

Ông nói Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi nước biển dâng, nên Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực này.

Thứ trưởng Hormats cho rằng Việt Nam hiện còn là nước đang phát triển phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch.

Vấn đề không phải là Việt Nam ngừng sử dụng năng lượng hóa thạch ngay bây giờ mà là ngay ở giai đoạn chuyển tiếp này cần có kế hoạch và lộ trình để giảm bớt phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, quay sang sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, gió, khí đốt, thậm chí cả năng lượng hạt nhân.

Ông Hormats nói rằng trong thế kỷ 20, các công ty và chính phủ chủ yếu tập trung vào việc khai thác lao động và tài nguyên để tăng trưởng kinh tế.

Vì cho rằng tài nguyên thiên nhiên và môi trường là nhiều vô kể nên họ coi đó là hàng miễn phí.

Hậu quả là đến nay thế giới mất gần 1/3 hệ đa dạng sinh học, 3/4 loài cá bị tuyệt chủng hoặc bị đánh bắt quá mức, 2/5 rừng nguyên sinh trên hành tinh bị phá.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG