Bí ẩn quanh sát nhân Na Uy

Bí ẩn quanh sát nhân Na Uy
TP - Hôm qua, Anders Behring Breivik nói với điều tra viên rằng từng cân nhắc tấn công các mục tiêu khác. Breivik nói rằng bị bố bỏ rơi, trong khi mẹ có trí óc của đứa trẻ 10 tuổi, bố dượng lên giường với hơn 500 người…

> “Kẻ gây ra thảm sát Na Uy không thể là tâm thần”

Breivik cầm súng giết người trên đảo Utoya hôm 22-7
Breivik cầm súng giết người trên đảo Utoya hôm 22-7.
Ảnh: Enterprise News
 

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài 10 giờ cuối tuần trước, Breivik hỏi điều tra viên mình đã giết bao nhiêu người trong vụ đánh bom tòa nhà chính phủ và vãi đạn tại trại hè thanh niên hôm 22-7. Sát nhân 32 tuổi “không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào” khi nghe con số nạn nhân là 77, công tố viên Paal-Fredrik Hjort Kraby nói.

Ông Kraby kể, Breivik khai rằng, trước khi bị bắt đã cân nhắc tấn công các mục tiêu khác liên quan chính phủ và đảng Lao Động. Một tờ báo của Na Uy đưa tin, các mục tiêu này là Cung điện Hoàng gia và trụ sở đảng Lao Động.

Người thân trụy lạc?

Vài phút trước vụ tấn công hôm 22-7, Breivik công bố trên mạng bản thông báo 1.518 trang nói rằng mình bài tín đồ Hồi giáo và cáo buộc giới chính khách cánh tả tàn phá di sản văn hóa châu Âu khi cho phép nhập cư vô tội vạ. Breivik dành một chương trong bản thông báo để nói về các thành viên trong gia đình mình với lời lẽ căm hận.

Breivik nói rằng mẹ mình, bà Wenche, có “trí óc của trẻ lên 10” vì viêm màng não mắc sau khi nhiễm bệnh herpes từ bố dượng – một cựu sĩ quan quân đội Na Uy tên là Tore. Breivik buộc tội ông Tore quan hệ tình dục với hơn 500 phụ nữ, dành hết thời gian nghỉ hưu của mình bên cạnh gái điếm Thái Lan.

Breivik cũng buộc tội Elisabeth, em gái cùng mẹ khác cha, có ít nhất 40 người tình và hậu quả nhiễm chlamydia dẫn tới vô sinh. Elisabeth phải mất nhiều tiền để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở Mỹ và hiện sống tại đó.

Ông Jens, bố Breivik, là nhà ngoại giao và gặp bà Wenche khi làm việc tại Đại sứ quán Na Uy ở Any. Khi Breivik một tuổi, bố mẹ ly dị, tranh giành nhau quyền nuôi con và cuối cùng phần thắng nghiêng về bà Wenche. Sau đó, bố Breivik kết hôn 2 lần nữa, trong khi mẹ tái hôn và lại ly dị.

Trong bản thông báo của mình, Breivik viết nhiều về sự nguy hiểm của gia đình tan vỡ, cho rằng giấy hôn thú cần có giá trị pháp lý ít nhất 20 năm và người bố cần có quyền bình đẳng hơn.

Sau khi bố mẹ ly hôn, Breivik cùng mẹ trở về sống ở Na Uy, nhưng Breivik vẫn đều đặn hằng tháng thăm bố (về sau công tác tại Pháp) cho đến khi 16 tuổi. Sau khi phát hiện Breivik gia nhập một nhóm chuyên vẽ tranh graffiti ở khắp thủ đô Oslo, người bố hoàn toàn rũ bỏ con trai.

Breivik nói rằng, hai bố con không liên lạc trong 10 năm. Khi Breivik cố nối lại quan hệ, người bố lạnh lùng nói rằng ông “không chuẩn bị về mặt tinh thần cho sự đoàn tụ”. Sau vụ thảm sát của Breivik, người thân của sát nhân ở ẩn nên không có người xác nhận tính chân thực của những thông tin nêu trong bản thông báo.

Tiến sĩ tâm lý học tội phạm Keith Ashcroft nói rằng, bị bố bỏ rơi khi còn nhỏ nên có thể Breivik thu mình trong thế giới ảo đầy rẫy súng ống và bạo lực. Vì Breivik thường ám chỉ đời sống tình dục của mình trong bản thông báo, tiến sĩ Ashcroft cũng tin rằng, nhân vật này có thể bị ám ảnh, dằn vặt bởi “cảm giác không thích đáng về tình dục”.

Nhiều hàng xóm của Breivik nói rằng người đàn ông này thân thiện và quyến rũ. Ảnh: Getty Images
Nhiều hàng xóm của Breivik nói rằng người đàn ông này thân thiện và quyến rũ.
Ảnh: Getty Images.
 

Mất nhiều tháng xét nghiệm tâm thần

Sau khi phỏng vấn Breivik nhiều giờ trong phòng giam biệt lập tuần qua, luật sư của sát nhân tuyên bố thân chủ của mình bị mất trí. Tuy nhiên, nhà tâm lý học tội phạm Mike Berry nói rằng, dù áp dụng chiến thuật gì để thoát tội, Breivik cũng sẽ phải ra trước vành móng ngựa vì rất khó để giả điên.

Các điều tra viên, nhà tâm lý, bác sĩ phải mất hàng tháng để nghiên cứu, phân tích thái độ, hành vi, bài viết… của Breivik, phỏng vấn những người liên quan để xác định xem sát nhân có mắc chứng tâm thần không và nếu có thì vào thời gian nào.

Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả cuối cùng sẽ là Breivik ngồi tù hoặc sống trong bệnh viện tâm thần được canh chừng cẩn mật đến khi ít nhất 50 tuổi. Giảng viên tâm thần học Seena Fazel công tác tại Trường Đại học Oxford nói rằng, việc Breivik viết nhiều (nhật ký, bản tuyên bố…) một cách rõ ràng, cụ thể chứng tỏ người đàn ông này có năng lực hành vi.

Breivik tự miêu tả mình là một quân chữ thập chính nghĩa có nhiệm vụ cứu châu Âu khỏi làn sóng người nhập cư Hồi giáo nên có thể suy ra rằng, sát nhân đã lên kế hoạch tấn công trước nhiều tháng, dần dần thu thập công cụ, kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết.

Minh Long
Theo AP, Reuters, Daily Mail

Phòng giam Breivik không hề tiện nghi

Trong khi chờ ngày ra toà, lẽ ra Breivik phải ở nhà tù Ringerika chuyên dành cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Nhưng vì nhà tù này gần hòn đảo Utoya, nơi y bắn chết 68 người, nên cảnh sát Na Uy quyết định đưa hung thủ đến nhà tù Ila. Điều kiện sinh hoạt của tù nhân tại Ila không giống những gì báo chí thường miêu tả khi nói tới hệ thống nhà tù nhân đạo của Na Uy.

Buồng giam không có TV, tủ sách, máy tính…, mà chỉ có một chiếc giường, một bồn cầu và một bồn rửa mặt. Breivik nhất định không cho cảnh sát chụp hình, nói rằng, cảnh sát vừa cạo trọc đầu y và bây giờ muốn chụp ảnh để bôi xấu trên báo chí.

Ngọc Thoa
Theo Topnews.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG