> Mỹ, phương Tây chuẩn bị can thiệp quân sự vào Libya
Ông Gadhafi và những vệ sỹ của mình. Ảnh: Daily Mail. |
Một ngày đầu tháng 12-2007, đại tá Moammar Gadhafi, nhà lãnh đạo Libya, cùng đoàn tùy tùng hơn 400 người đi trên 5 phi cơ đổ bộ xuống thủ đô Paris (Pháp). Dù trong lực lượng an ninh bảo vệ ông Gadhafi có vài nam giới to cao đeo mặt nạ, những vệ sỹ chính của ông là 30 cô gái mặc quân phục rằn ri màu xanh dương, đội mũ nồi đỏ. Các cô, như người ta nói, đều là gái trinh.
5 máy bay, 1 lạc đà và 30 nữ vệ sỹ
Cả đoàn người rồng rắn ấy lên những chiếc Limousine sang trọng, tiến về khách sạn Marigny, nơi nhà lãnh đạo Libya cho dựng một chiếc lều khổng lồ ngay trong khuôn viên. Người ta nói rằng, trong chuyến đi này, ông Gadhafi cho mang theo một con lạc đà Sahara để "chào mừng quý khách đến với nền văn hóa sa mạc truyền thống".
Đội vệ sỹ nữ của ông Gadhafi được huấn luyện kỹ càng để trở thành các vệ sỹ chuyên nghiệp. Họ không rời ông trong nửa giây, dù ông đang làm gì, ở đâu. Ông Gadhafi bước vào điện Elysee với một nắm tay giơ cao, biểu tượng cho chiến thắng, trước khi ông gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Đây là lần đầu tiên sau 34 năm, ông Gadhafi trở lại nước Pháp. Tuy nhiên, con trai ông, Hannibal, không lạ gì Paris. Tay chơi 28 tuổi này từng gây ra rắc rối ngoại giao khi đánh đập bạn gái (đang mang thai) và phá hỏng phòng đặc biệt tại một khách sạn cao cấp. Anh ta bị bắt giữ nhưng rồi được thả ra sau khi nộp tiền bảo lãnh.
Năm 2009, người châu Âu lại được chứng kiến đoàn tùy tùng không giống ai của ông Gadhafi xuất hiện tại Rome (Ý). Có vẻ để cho tương xứng với phong cách khác người của đại tá Gadhafi, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi cho tổ chức nghi lễ đón theo cách mà báo chí của đất nước hình chiếc ủng mô tả là "như đón một siêu sao nhạc rock".
Đến Ý, đoàn của ông Gadhafi gồm 300 người, đi trên 3 phi cơ hiệu Airbus. Ông vẫn mang theo chiếc lều Bedouin truyền thống dựng trong một công viên ở trung tâm thành phố. Lần này, các phóng viên không thấy chú lạc đà châu Phi nào.
"Đầu vuốt keo bóng, tóc nhuộm cẩn thận, môi bôi son đỏ, vai đeo ngù vàng tua rua, hôm ấy trông ngài đại tá nửa giống ca sỹ Michael Jackson, nửa giống nhạc sỹ nổi tiếng Phil Spector", một tờ báo Anh mô tả. Và như thường lệ, những nữ vệ sỹ trong quân phục kaki, kè kè khẩu tiểu liên Kalashnikov, không rời nhà lãnh đạo 67 tuổi nửa bước.
Vào trại vệ sỹ
Người đầu tiên được nói là đã thâm nhập thế giới của các cô gái xung quanh ông Gadhafi là một nữ nhà báo tự do người Canada. Jane Kokan, đến từ Vancouver, nhà sản xuất phim kiêm viết báo tự do, kể lại trong chuyến đi có một không hai của cô trên tờ Vancouver Sun.
"Đó là năm 1995. Tôi quyết định đến Libya làm phim về những nữ vệ sỹ của ông Gadhafi", Jane viết. Cô tìm gặp người đại diện của chính phủ Libya ở London (Anh). Ông này nói với cô rằng, Libya "không giống bất cứ nước châu Phi nào".
Jane cứ ngỡ sẽ phải trải qua các cuộc thẩm vấn về động cơ, mục đích đến Libya và nhiều thủ tục kiểm tra, tuy nhiên, người đại diện chính phủ nước này "hết sức tạo điều kiện". Ông nói: "Phương Tây hiểu sai hết về lãnh đạo vĩ đại của chúng tôi, đại tá Gadhafi".
Năm 1995, cái tên Gadhafi xuất hiện dày đặc trên báo chí phương Tây. Người ta cho rằng ông chủ mưu vụ đánh bom máy bay của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988 và là nhà tài trợ cho một số mạng lưới khủng bố quốc tế.
Sau vài tách trà nhài, Jane được hứa cấp thị thực nhập cảnh.
Vài ngày sau khi Jane có mặt tại Tripoli, thủ đô Libya một chiếc Mercedes màu đen với cửa mạ bóng loáng chạy tới khách sạn nơi cô ở. Jane được đưa tới một nơi giống như trại lính. Cô nhìn thấy một nhóm phụ nữ trẻ, khỏe, ai cũng ôm súng. Một số mặc thường phục, số còn lại chỉnh tề trong quân phục xanh.
"Ronald Reagan và Margaret Thatcher là những tên tội phạm chiến tranh", đại tá Gadhafi nói với Jane khi họ gặp nhau tại trại lính Bab al-Aziziya, nơi thường xuyên diễn ra các vụ xử án. Ông nói thêm: "Canada là nước thanh bình, hiền hòa, không giống Mỹ". Đại tá Gadhafi, người lúc bấy giờ đã lãnh đạo Libya trong 26 năm, mô tả bản thân là người "dẫn đường cho nhân loại".
Jane quan sát khắp các phòng trong dinh thự. Hình ảnh ông đại tá có mặt khắp nơi: trên nóc nhà, trên các bức tường và tất nhiên, trên tờ giấy bạc dinar, đồng tiền Libya.
Ông đại tá nói với nữ nhà báo Canada: "Cô biết không, ở nhiều nước, phụ nữ giống như đồ vật trong nhà, người ta có thể thay cái khác khi nào muốn".
Ông Gadhafi và các cô gái của ông trông giống như một gia đình hạnh phúc. Họ có vẻ rất thoải mái. Khi Jane vác camera lùi lại để lấy đại cảnh căn phòng, cô trông thấy vài cuốn tạp chí dành cho phụ nữ, trong đó có cả những tạp chí phương Tây như Vogue, Cosmopolitan.
Năm 1979, đại tá Gadhafi thành lập Học viện Quân sự Nữ binh Tripoli. Ông từng nói: "Tôi đã hứa với mẹ tôi rằng sẽ cải thiện vị thế của người phụ nữ Libya". Ông nói, dù mẹ ông không biết chữ, nhưng bà là tay cung cừ khôi của bộ lạc. Trong ba năm tại học viện, các nữ quân nhân được huấn luyện về pháo binh, phóng rocket, chiến đấu tay không và thông tin liên lạc.
Sáng hôm sau, Jane nhận thấy các nữ vệ sỹ dậy từ 4 giờ 30. Họ có 15 phút vệ sinh, dọn giường, chỉnh tề trang phục. Sau đó là một tiếng rưỡi chạy bộ và tập thể lực trong sân của khu trại, nơi có hai bức chân dung lớn của ông Gadhafi.
Khả năng chiến đấu và sự trung thành của đội nữ vệ sỹ đã được thử thách không chỉ một lần. Năm 1998, một trong những nữ vệ sỹ của ông Gadhafi lấy thân mình hứng đạn cho ông khi đoàn xe của ông bị lực lượng thù địch phục kích. Aisha- tên cô gái- thiệt mạng còn bảy vệ sỹ khác bị thương trong khi ông Gadhafi không hề hấn gì.
Ông Gadhafi nói: "Phụ nữ cần được huấn luyện chiến đấu, để họ không thể dễ dàng cầu nguyện cho kẻ thù". Hầu như mọi vệ sỹ của ông nói họ sẽ không bao giờ lập gia đình vì họ đã chọn cống hiến cuộc đời để bảo vệ người đàn ông "đã mang lại tự do, khiến chúng tôi trở nên duy nhất trong thế giới Ảrập".
"Ở Libya, phụ nữ có thể sống theo thiên chức của họ. Tuy nhiên, họ có thể chọn bất cứ nghề gì họ muốn, từ lái một chiếc máy bay tiêm kích MiG, trở thành sỹ quan quân đội hay nhà phẫu thuật não", một nữ vệ sỹ nói.
Jane nói chuyện với Fatia, một trong những nữ vệ sỹ của ông Gadhafi. Fatia 27 tuổi, cao, dáng thanh nhã, mắt kẻ khá đậm. Jane hỏi sao không chọn trở thành phi công chiến đấu mà lại làm vệ sỹ. Fatia đáp: "Không có lãnh tụ (ông Gadhafi), phụ nữ Llibya chẳng là gì cả.
Ông ấy cho chúng tôi cuộc sống. Tôi sẵn sàng chết vì ông ấy. Ông ấy như cha, như anh và như một người bạn mà ta có thể tâm sự mọi chuyện. Chị không biết ông ấy xuề xòa thế nào đâu".
Moammar Gadhafi hay Muammar Gaddafi/Qadafi/Kaddafi (theo những cách phát âm khác nhau trong tiếng Ảrập) sinh năm 1942, là lãnh đạo trên thực tế của Libya từ một cuộc đảo chính năm 1969. Từ năm 1972, khi thôi giữ chức thủ tướng, ông Gadhafi vẫn thực sự nắm quyền ở quốc gia Bắc Phi. |
Xuân Thủy
Tổng hợp từ Daily Mail, Vancouver Sun…