10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2010

Em bé Pakistan ngủ trong lều tạm vì nhà em bị lũ cuốn trôi Ảnh: Mohammad Sajjad
Em bé Pakistan ngủ trong lều tạm vì nhà em bị lũ cuốn trôi Ảnh: Mohammad Sajjad
TP - Bức tranh kinh tế - xã hội thế giới năm 2010 nhuốm màu ảm đạm và bạo lực với căng thẳng quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên, biểu tình rầm rộ ở Thái Lan cùng một số nước châu Âu, động đất, lũ lụt, núi lửa hoành hành tại nhiều quốc gia… Tuy nhiên, còn đó vệt màu tươi sáng về những nỗ lực vượt bậc để thế giới nhân bản, khỏe mạnh và hài hòa hơn.
Em bé Pakistan ngủ trong lều tạm vì nhà em bị lũ cuốn trôi Ảnh: Mohammad Sajjad
Em bé Pakistan ngủ trong lều tạm vì nhà em bị lũ cuốn trôi.
Ảnh: Mohammad Sajjad.

1. Năm Chủ tịch ASEAN thành công với nhiều dấu ấn Việt Nam. Việt Nam tổ chức và điều hành thành công nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN gồm hai đợt Hội nghị Cấp cao ASEAN-16 và ASEAN-17, Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN-AIPA, hơn 10 hội nghị cấp bộ trưởng… Chủ đề Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động do Việt Nam đề xuất thực sự trở thành định hướng cho hành động của Hiệp hội.

2. Quan hệ CHDCND Triều Tiên - Hàn Quốc càng lúc càng căng thẳng, súng đã nổ, người đã chết. Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên dùng ngư lôi đánh đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc hồi tháng 3 khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Tháng 11, hai miền Triều Tiên nã pháo qua biên giới biển khiến 4 người Hàn Quốc trên đảo Yeonpyeong tử vong.

Ngày 23-12, Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật trên đất liền quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại vùng Pocheon cách biên giới Triều Tiên 30km, sử dụng 105 loại vũ khí. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Kim Yong-chun tuyên bố: “Triều Tiên đang chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh vì công lý mang phong cách Triều Tiên, dựa trên vũ khí hạt nhân vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết”.

Julian Assange trên bìa tạp chí Time của Mỹ: “Bạn có muốn biết một bí mật?”. Ảnh: Time
Julian Assange trên bìa tạp chí Time của Mỹ:
“Bạn có muốn biết một bí mật?”. Ảnh: Time.

3. WikiLeaks cho nổ 3 quả bom thông tin, kéo theo nhiều trận chiến ngoại giao, pháp lý, kinh doanh và thế giới ảo. WikiLeaks công bố 77.000 tài liệu quân sự Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan hồi tháng 7 và 400.000 tài liệu về chiến tranh Iraq vào tháng 10, nói về các trường hợp lạm dụng và thương vong thường dân bị ỉm đi.

Tháng 11, website này tiết lộ 250.000 bức điện tín ngoại giao của Mỹ, đề cập nhiều vấn đề và nhân vật trên thế giới khiến không ít quốc gia, chính khách nổi trận lôi đình. Người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, đang tại ngoại hầu tra ở Anh vì cáo buộc cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục.

4.Do khủng hoảng nợ công, nhiều nước ở châu Âu (Hy Lạp, Ireland, Pháp, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha) phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng để chống khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế, nguy cơ đổ vỡ hệ thống tài chính - ngân hàng… Hy Lạp và Ireland đã phải cầu viện các gói cứu trợ khẩn cấp trị giá trên dưới 100 tỷ euro. Người dân nhiều nước biểu tình, bãi công phản đối chính phủ cắt giảm chi tiêu công, phúc lợi xã hội... Nhiều người cảm thấy mình bị trừng phạt do lỗi của các chính trị gia.

Julian Assange trên bìa tạp chí Time của Mỹ: “Bạn có muốn biết một bí mật?”. Ảnh: Time
Các quan tài đỏ trong lễ kỷ niệm những người bị giết
trong đợt biểu tình hồi tháng 4 ở Bangkok. Ảnh: James Nachtwey

5. Bất ổn chính trị xảy ra ở nhiều nước. Hồi tháng 4 và tháng 5, hàng nghìn người thuộc phe áo đỏ biểu tình chống chính phủ Thái Lan. Tháng 6, Kyrgyzstan lại rơi vào tình trạng hỗn loạn. Chính phủ lâm thời được thành lập sau cuộc cách mạng uất kim hương lần 2 hồi tháng 4 đã không kiểm soát được tình hình tại miền nam nước này - nơi kinh tế kém phát triển khiến xung đột sắc tộc thêm sâu sắc.

Trong khi đó, bầu cử tổng thống Ukraine diễn ra không suôn sẻ, Thủ tướng Ý sống sót sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện và bất tín nhiệm ở Hạ viện, thoát khỏi thử thách lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông…

Hạn hán tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ qua ở Trung Quốc hồi tháng 3 khiến hơn 24 triệu người thiếu nước Ảnh: Yang Yingbo
Hạn hán tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ qua ở Trung Quốc
hồi tháng 3 khiến hơn 24 triệu người thiếu nước. Ảnh: Yang Yingbo.

6. Thiên tai khốc liệt và bất ngờ ở một số nước, gây thiệt hại lớn về người và của. Thiên tai ở Mỹ Latinh và Caribê khiến hơn 223.000 người chết, thiệt hại 49,4 tỷ USD. Hơn 230.000 người chết, hàng triệu người mất nhà trong vụ động đất 7 độ Richter ở thủ đô Port-au-Prince của Haiti ngày 12-1. Chile có 521 người chết và thiệt hại 30 tỷ USD sau vụ động đất 8,8 độ Richter ngày 27-1. Lũ lụt chưa từng có ở Pakistan hồi tháng 7 khiến gần 1/5 diện tích nước này chìm trong nước, khoảng 2.000 người chết.

Núi lửa Merapi ở Indonesia phun tro bụi trong tháng 10 và tháng 11, núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun nham thạch từ tháng 3, khiến hàng trăm người thiệt mạng, hoạt động vận tải hàng không gián đoạn nhiều ngày, thiệt hại hàng tỷ USD…

7. Ngày 22-12, Thượng viện Mỹ phê chuẩn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Mỹ và Nga, góp phần củng cố hệ thống kiểm soát vũ khí, gửi đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây cũng có thể được coi là thắng lợi ngoại giao và chính trị đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Theo Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga, Hạ viện Nga có thể phê chuẩn START mới sớm nhất là vào tháng 1-2011. Theo START mới do tổng thống Mỹ và Nga ký tháng 4-2010, mỗi nước sẽ giảm số đầu đạn hạt nhân của mình xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm (mức trần hiện nay là 2.200).

Các thợ mỏ Chi Lê bị mắc kẹt trong lòng đất chào đón nhân viên cứu hộ cạnh lồng cứu hộ Phượng Hoàng Ảnh: AP
Các thợ mỏ Chi Lê bị mắc kẹt trong lòng đất chào đón nhân viên cứu hộ
cạnh lồng cứu hộ Phượng Hoàng. Ảnh: AP.

8. Ngày 5-8, 33 thợ mỏ tại mỏ đồng và vàng San Jose của Chile lên khỏi mặt đất sau 69 ngày bị mắc kẹt ở độ sâu hơn 700m. Đây được coi là sự kết hợp hoàn hảo giữa kịch hồi hộp, phim truyền hình nhiều tập và truyện kết thúc có hậu. Bỗng chốc các thợ mỏ trở thành người hùng của Chile, trong khi nhiều người khắp thế giới biết đến lỗ khoan, khoang cứu hộ và đời tư của thợ mỏ. Tiếc rằng những điều kỳ diệu như vậy không nhiều. Tháng 11, một vụ sập mỏ tương tự diễn ra ở New Zealand, khiến 29 thợ mỏ thiệt mạng.

9. Ngày 22-4, giàn khoan Deepwater Horizon của Tập đoàn Dầu khí Anh (BP) bốc cháy và chìm ở vịnh Mexico (Mỹ) khiến hơn 5 triệu thùng dầu chảy tràn trong 3 tháng, gây ra thảm họa môi trường tồi tệ nhất nước Mỹ. BP tuyên bố đã dành 39,9 tỷ USD để dọn sạch dầu tràn với sự tham gia của 20.000 người, và để sẵn 20 tỷ USD để bồi thường thiệt hại.

10.Giá vàng thế giới trong năm tăng gần 80% do kinh tế châu Âu xuống dốc, các đồng tiền mạnh mất giá... Ngày 8-11, giá vàng đạt 1.424,6 USD/ounce, cao nhất từ trước tới nay. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới dự báo vàng tiếp tục tăng giá trong năm 2011 (có thể tăng thêm 100-400 USD/ounce).

Trong năm 2010, giá lương thực, đặc biệt là lúa mỳ, cũng tăng mạnh do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, bão cát xảy ra ở nhiều nước. Ngày 3-8, giá lúa mỳ đạt mức cao nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Năm 2010, nhìn chung đồng USD trượt giá so với đồng euro, trong khi giá dầu thô tăng dần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG