Nhà văn Mario Vargas Llosa hoàn toàn bất ngờ khi được biết đoạt giải Nobel văn chương năm nay. |
Mục đích từ thiện
Một số nhân vật đoạt giải (chủ yếu là những người đoạt giải Nobel Hòa bình) sử dụng khoản tiền thưởng nhận được vào mục đích từ thiện. Năm ngoái, đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama đoạt giải Nobel Hòa bình, ông đã chuyển toàn bộ khoản tiền thưởng nhận được cho 10 tổ chức từ thiện của Mỹ.
Albert Schweitzer, thầy thuốc kiêm nhà thần học và nhà truyền giáo người Đức, giải Nobel Hoà bình năm 1952, dùng khoản tiền thưởng nhận được để xây dựng Trung tâm điều trị bệnh phong ở Gabon (châu Phi) và Trung tâm này vẫn hoạt động cho tới nay. Tổng thống Liên Xô Milkhail Gorbachov, giải Nobel Hoà bình năm 1990, sử dụng khoản tiền thưởng nhận được để xây dựng một số bệnh viện ở Nga, Ukraina và Belarus.
Phát triển khoa học
Một số khác, chủ yếu là những người đoạt giải trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, sử dụng khoản tiền thưởng nhận được vào mục đích phát triển khoa học. Đó là trường hợp nhà sinh lý học Ivan Pavlov, người Nga đầu tiên đoạt giải Nobel năm 1904. Ông đã sử dụng khoản tiền thưởng nhận được để xây dựng Viện Nghiên cứu sinh lý học mà ông liên tục làm giám đốc cho đến năm 1936.
Đó cũng là trường hợp nhà vi sinh học người Nga Ilya Mechnikov. Sau khi được trao giải Nobel vào năm 1908, ông đã dùng khoản tiền thưởng nhận được để phát triển Viện Pasteur ở Paris, nơi ông đứng đầu một phòng thí nghiệm.
Sáng lập giải thưởng thơ
Trong số các nhà văn đoạt giải Nobel, một số sử dụng tiền thưởng để góp phần phát triển sự nghiệp văn học. Chẳng hạn, nhà thơ Pháp René Francois Armand Sully Prudhomme, giải Nobel Văn học năm 1901, đã dùng khoản tiền thưởng 42.000 franc để sáng lập giải thưởng thơ của riêng mình – “Giải Sully Prudhomme”. Giải này tồn tại được 6 năm, cho đến khi nhà thơ qua đời.
Tượng của Alfred Nobel tại Stockhom, Thụy Điển. |
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, giải Nobel năm 1982, dùng khoản tiền thưởng nhận được sáng lập tờ tạp chí Revista Cambio. Tờ tạp chí này trong một thời gian dài đã xuất bản đồng thời tại Colombia và Mexico.
Mục đích cá nhân
Một số nhà văn khác lại sử dụng tiền thưởng vào mục đích cá nhân. Chẳng hạn, nhà văn Nga Aleksandr Solzhenicyn, giải Nobel năm 1970, gửi khoản tiền nhận được vào các ngân hàng Phương Tây. Khi chuyển sang Mỹ sinh sống, ông đã dùng số tiền này để mua một trang trại ở bang Vermont.
Nhà vật lý Nga Vitali Ginzburg, giải Nobel năm 2003, khi được hỏi về cách sử dụng tiền thưởng, ông đã nhún vai đáp: “Tôi đưa hết cho vợ. Vợ tôi có tiếng nói quyết định trong gia đình, kể cả trong việc chi tiêu tiền nong”. |
Nhà văn Nga Mikhail Sholokhov, giải Văn học Nobel năm 1965, dùng tiền thưởng để cùng gia đình đi du lịch khắp thế giới. Theo lời kể lại của con gái nhà văn là Svetlana, ông muốn cho con cái tận mắt nhìn thấy châu Âu và Nhật Bản.
Nhưng đáng chú ý hơn cả là cách sử dụng tiền thưởng của nhà văn Nga lừng danh Ivan Bunin, giải Nobel Văn học năm 1933. Tấm séc 715 nghìn franc Pháp có thể bảo đảm cho ông một cuộc sống dư dật và những điều kiện sáng tác lý tưởng cho đến cuối đời. Nhưng ông đã sử dụng không hề suy nghĩ, đã hào phóng phân phát cho những đồng nghiệp nghèo khó cũng sống trong cảnh lưu vong như ông. Phần còn lại thì ông cả tin, nghe theo lời khuyên của những kẻ thiện ý, đầu tư vào những vụ làm ăn thất bát và kết quả là ông bị cháy túi. Đó cũng là cách sử dụng tiền thưởng của nhà vật lý Đan Mạch Niels Bohr, giải Nobel năm 1922, và nhà viết kịch kiêm đạo diễn Italia Dario Fo, giải Nobel Văn học năm 1997.