Tổ chức “Dã chiến quân Tấn Trung”, để mặc đấu đá, định gây chấn động Sơn Tây, chấn động toàn quốc
Ngày 17/11/1967, Uỷ ban cách mạng tỉnh Sơn Tây tổ chức Hội nghị đầu bờ “Nông nghiệp học Đại Trại” tại huyện Tích Dương. Thực chất đây là một cuộc phê đấu.
Những nhân vật nổi tiếng Lưu Lạc Bình, Trần Vĩnh Quý ngồi trên đoàn chủ tịch, lôi cổ những vị lãnh đạo Tỉnh uỷ Sơn Tây, Địa khu uỷ Tấn Trung và Huyện uỷ Tích Dương xuống ra đấu tố.
Trần Vĩnh Quý (1914-1986), anh hùng Đại Trại, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc thời kỳ Cách mạng văn hoá là một nhân vật đặc biệt. Từ trước đến nay đã có nhiều lời đồn thổi xung quanh thân phận thực của ông, rằng ông là người mù chữ, từng đầu hàng và làm gián điệp cho phát xít Nhật nhưng được Chủ tịch Mao Trạch Đông đưa vào BCT, làm Phó Thủ tướng, đến khi phát hiện thì đã quá muộn nên cứ giữ nguyên… Gần đây, điều này đã được các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của Trung Quốc xác nhận. |
Ở Tích Dương, những người này bị coi là “Phái đương quyền đi con đường tư bản”. Họ bị làm nhục trước mặt hàng vạn người như bẻ gập cánh khỉ, dúi đầu, “đi tàu bay”, đội mũ lừa, đeo biển sắt trước ngực, bị đấm đá tàn bạo. Có người bị đá thành trọng thương rồi chết, có người bị bẻ trật khớp tay, có người bị đấu đến “vãi” ra quần. Ngồi trên đoàn chủ tịch, Trần Vĩnh Quý ngắm nhìn cảnh tượng đó không nói một lời, để mặc cho tình hình phát triển mỗi ngày một xấu.
Tại hội nghị phê đấu này, Trần Vĩnh Quý đã có bài phát biểu “Mặt trời hồng chiếu sáng con đường Đại Trại tiến lên”, nhấn mạnh việc phải đấu tranh với phái đi con đường tư bản như thế nào. Trần Vĩnh Quý còn đắc ý nói, phải thông qua việc cướp quyền ở Tích Dương gây chấn động Sơn Tây, chấn động cả nước. Tích Dương đã trở thành nơi đi đầu tiến hành đấu tố ở tỉnh Sơn Tây như thế đó.
Nhóm Trần Vĩnh Quý đã tự phong tổ chức tạo phản của họ ở Tích Dương là “Dã chiến quân Tấn Trung” (Tấn Trung: Miền Trung Sơn Tây-ND), cũng gọi là “Ngọn đuốc ở Tấn Trung”, còn có một cái tên khác ghê gớm hơn là “Dã chiến quân 68”.
Tướng Tạ Chấn Hoa - Tư lệnh DCQ 69 - rất ác cảm với tổ chức này. Là đơn vị quân đội ủng hộ phái Tả, Tạ Chấn Hoa không muốn thấy cảnh quần chúng vô tội của hai phe tàn hại lẫn nhau, càng không muốn quân đội bị cuốn vào cuộc đấu đá phe phái.
Ngày 5/9/1967, Lưu Lạc Bình, Trần Vĩnh Quý ra lệnh cho Dương Thành Hiệu chỉ huy “DCQ Tấn Trung” điều động mấy trăm ô tô tiến công mãnh liệt vào Trường trung học số 10 Thái Nguyên - tổ chức trực thuộc của “Phái đi con đường tư bản”. Họ đã nổ súng bắn chết nữ sinh Mạnh Linh Linh, bắn bị thương mấy trăm em khác, gây chấn động Tích Dương và dẫn đến cảnh tượng bi tráng dân chúng khiêng quan tài Mạnh Linh Linh đi biểu tình.
Đầu tháng 11, Trần Vĩnh Quý đến thị sát huyện Thái Cốc. Ông ta đã đạo diễn sự kiện đốt làng làm mấy trăm người chết và bị thương. Tiếp đó ông ta tổ chức cho “DCQ Tấn Trung” vũ trang thị uy, khi đến thôn Hồng Hoa Lãnh ở huyện Du Xã đã đụng độ với tổ chức “Binh đoàn” của phái đối lập làm chết và bị thương một số người của cả hai bên.
Nhưng “DCQ Tấn Trung” người đông, súng đạn nhiều nên đã đánh bật “Binh đoàn” ra khỏi thôn, sau đó vào chiếm và bắt giữ mấy chục người, rồi bắn chết tại chỗ 5 người. Sau trận này, “DCQ Tấn Trung” tiếp tục diễu hành đến huyện Hoà Thuận và đánh nhau với quần chúng ở thị trấn Thành Quan làm mỗi bên chết 5 người, bị thương trên 50 người.
Các cuộc xung đột vũ lực ở Sơn Tây đã làm cho sản xuất công nông nghiệp bị phá hoại nghiêm trọng, trật tự xã hội hỗn loạn, khiến trung ương rất quan tâm. Vì vậy tháng 12/1967, một hội nghị giải quyết vấn đề ở Sơn Tây đã được tổ chức.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chu Ân Lai nhấn mạnh phải nghiêm cấm đánh lộn, đập phá, cướp bóc, bắt người; chấm dứt ngay trào lưu lệch lạc đấu đá bằng vũ lực; ra lệnh dỡ bỏ các công sự chiến đấu, cấm tiến công vào các cơ quan quân sự, không cho phép vây đánh, đấu tố cán bộ chiến sỹ quân đội. Hội nghị còn phê bình cách làm của Lưu Lạc Bình, đồng thời quyết định chuyển giao công tác lãnh đạo“Tam chi lưỡng quân” từ quân khu tỉnh sang cho DCQ 69 nắm giữ.
Ngày 22/2/1968, Tạ Chấn Hoa phái đại biểu đến phòng chờ sân bay Trường Trị để chủ trì cuộc đàm phán ngừng bắn của lãnh đạo hai phái ở Đông Nam Sơn Tây. Xét thấy sự nguy hiểm và phức tạp của cuộc đàm phán, Tạ Chấn Hoa yêu cầu quân đội bày binh bố trận bên ngoài phòng chờ, đặt 4 khẩu trọng liên trên nóc nhà chĩa ra 4 phía đề phòng quân của hai phái tấn công vào hội trường.
Trước uy thế của quân đội, cộng thêm nỗ lực của đại biểu hai phe nên cuối cùng hai phái đều đồng ý giao nộp súng cho quân đội. Từ đó tình trạng súng nổ liên miên ở Đông Nam Sơn Tây đã chấm dứt.
Thôn trưởng đỡ tội cho Trần Vĩnh Quý – Chuyện bất thường trong thời kỳ bất thường
Mùa Thu năm 1968, cả nước thực hiện “thanh đội chỉnh Đảng” để chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đại hội Đảng 9. Tạ Chấn Hoa trong khi phụ trách công tác chỉnh Đảng của Sơn Tây đã phát hiện ra vấn đề lịch sử của Trần Vĩnh Quý.
Chuyện bắt đầu từ việc Văn phòng chi viện phái Tả tỉnh nhận được một bức thư của quần chúng gửi đến cáo giác việc Trần Vĩnh Quý trong thời kỳ kháng Nhật đã làm nhân viên tình báo cho Nhật - ngụy. Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác an ninh bảo vệ, Tạ Chấn Hoa rất coi trọng vụ việc này.
Ông nói với một số người biết chuyện: “Chúng ta phải điều tra nghiên cứu, làm rõ sự thực đã. Hiện nay phải tuyệt đối giữ bí mật để không làm hại một đồng chí tốt, nhưng cũng không được bỏ qua điều khả nghi nào”.
Sau khi bàn bạc với mấy người phụ trách tổ “chi Tả”, Tạ Chấn Hoa quyết định cử 3 cán bộ Phòng Bảo vệ Quân khu Bắc Kinh đang “chi Tả” ở Sơn Tây do Lưu Húc phụ trách điều tra vụ việc này. Nhóm Lưu Húc lập tức đến ngay Dương Tuyền.
Qua điều tra, họ đã phát hiện thấy một số manh mối trong hồ sơ cá nhân của Lý Quan Hải - Đầu bếp ở Cục Thương nghiệp thành phố Dương Tuyền. Lý Quan Hải là người ở Vũ Gia Bình thuộc công xã Đại Trại. Năm 1955 khi trấn áp phản loạn, Lý đã khai nhận tội từng tham gia tổ chức “Hưng Á hội” của Nhật – nguỵ ở Tích Dương và làm tình báo viên cho chúng.
Lý cũng khai, làm tình báo viên cho Nhật còn có Vương Cửu Vinh hiện là quản lý ở Cục Lương thực và… Trần Vĩnh Quý! Lưu Húc vội tìm giở hồ sơ Vương Cửu Vinh ra xem thì cũng thấy lời khai nhận của Vương. Vương Cửu Vinh, một người Đại Trại cũng khai nhận sự thực bản thân đã tham gia “Hưng Á hội” và còn khai Trần Vĩnh Quý chính là người phụ trách tổ điệp báo viên này.
Để làm rõ chân tướng sự việc, nhóm điều tra của Lưu Húc đã tìm đọc hồ sơ địch nguỵ và danh sách các nhân viên tình báo địch ở Tích Dương của Ban Địch công (địch vận-ND) sư đoàn 129 Bát Lộ Quân trong thời kỳ kháng Nhật.
Họ thấy trong danh sách điệp báo viên có tên Trần Vĩnh Quý và ghi rõ: thôn trưởng nguỵ, tình báo viên và là một trong những thành viên lãnh đạo chi hội “Hưng Á hội” Tích Dương. Mỗi tuần Trần Vĩnh Quý đi Tích Dương 2 lần trực tiếp liên hệ với Thanh Thuỷ - Đội trưởng Hiến binh Nhật ở đó.
Chính vì thế, quần chúng đã đặt cho Trần Vĩnh Quý biệt hiệu “Trần nhị quỷ”. Sau khi kháng chiến thắng lợi, dân chúng Tích Dương rất căm phẫn những kẻ đã cộng tác với quân Nhật nên đã dùng đá ném chết không ít kẻ bị gọi là “Hán gian”.
Trần Vĩnh Quý rất kinh hoàng và lo sợ mình cũng bị ném chết . Thế là ông ta tìm đến nhờ vả Triệu Hoài Ân – Trưởng thôn cộng sản đầu tiên, cầu xin Triệu bảo vệ cho con cái mình. Triệu là người khá thực sự cầu thị, nói với Trần Vĩnh Quý: “Khi người Nhật đến, tất phải có người đứng ra, người khác không dám, anh gan dạ, đứng ra làm đại biểu nguỵ, tham gia “Hưng Á hội”, có lẽ cung cấp cả tin thật tin giả cho Nhật. Đó là chuyện phi thường trong thời kỳ không bình thường. Tôi thấy có thể thông cảm được!”.
Cuối cùng, Trần Vĩnh Quý đã giữ được mạng sống.
Kết luận của nhóm điều tra là: đúng là có chuyện Trần Vĩnh Quý làm điệp báo viên, chứng cứ xác đáng. Vì vậy, họ quyết định báo cáo lên Tạ Chấn Hoa.
Chu Ân Lai: Phải tính đến đại cục, không được loan truyền, phải bảo vệ ngọn cờ hồng Đại Trại!
Tạ Chấn Hoa hẹn Trần Vĩnh Quý đến khách sạn Nghênh Trạch ở Thái Nguyên để nói chuyện.
Tại một căn phòng bên phía trái tầng 6 khách sạn, Trần Vĩnh Quý đã sụt sùi khóc chủ động khai nhận mọi vấn đề lịch sử của mình trước Tạ Chấn Hoa – Tư lệnh kiêm Tổ trưởng “chi Tả” : “Tạ Tư lệnh! Tôi có tội, tôi xin đến Bắc Kinh tạ tội trước Mao Chủ tịch!”.
“Đừng hoảng hốt, có vấn đề gì cứ khai thật hết ra!” - Tạ Chấn Hoa bình tĩnh khuyên nhủ.
Trần Vĩnh Quý đang rất muốn là đại biểu đi dự Đại hội Đảng 9, giờ chuyện bỗng vỡ lở, hỏi ông ta không hoảng sao được? Chủ động khai báo mọi tội lỗi với Tạ tư lệnh để xin khoan hồng, biết đâu lại chả hơn?
Nước mắt ròng ròng, Trần Vĩnh Quý nói: “Trong thời kỳ kháng Nhật, năm 1942 tôi đã bị giặc Nhật bắt, bị cưỡng bức tham gia tổ chức tình báo “Hưng Á hội” của Nhật – nguỵ, đã cung cấp tin tình báo cho chúng. Tôi là người phụ trách một tổ 3 người”.
Vốn xuất thân từ Trưởng phòng Bảo vệ nên Tạ Chấn Hoa biết cần xoáy vào chỗ nào. Ông thừa cơ xốc tới: “ Gặp ai để cung cấp tin tình báo?”.
Trần Vĩnh Quý cúi đầu: “Trực tiếp liên hệ với Thanh Thuỷ - Đội trưởng Hiến binh Nhật ở Dương Tuyền, quy định mỗi tuần 2 lần cung cấp tình báo…”.
Nhân chứng, vật chứng đầy đủ, bản thân Trần Vĩnh Quý cũng đã khai nhận mình phản bội, lại còn làm điệp báo viên cho Nhật. Tạ Chấn Hoa nhận thấy vấn đề đã rõ ràng, ông bảo Trần Vĩnh Quý cứ về, yên tâm công tác, hãy tin vào tổ chức, đừng quá nghĩ ngợi.
Sau đó, Tạ Chấn Hoa triệu tập Hội nghị Đảng uỷ Quân đoàn 69 để bàn chuyên đề về vấn đề lịch sử của Trần Vĩnh Quý, cuối cùng đi đến quyết định: xử lý nghiêm theo nguyên tắc Đảng và chỉ thị của Trung ương.
Tháng 9/1968, Phó tư lệnh Quân đoàn Lý Kim Thời được Tạ Chấn Hoa cử đi dự Hội nghị công tác quân sự toàn quốc tại Bắc Kinh đã báo cáo vấn đề của Trần Vĩnh Quý lên Thủ tướng Chu Ân Lai. Chu Ân Lai lập tức chỉ thị: “Các đồng chí quân đoàn 69 hãy vì đại cục, không được loan truyền, có thể sao chụp các tài liệu gửi trung ương”. Họp xong, Lý Kim Thời về Thái Nguyên, truyền đạt ngay chỉ thị của Chu Ân Lai cho Đảng uỷ Quân đoàn và báo cáo mọi chuyện cho Tạ Chấn Hoa.
(Còn tiếp)