Sáng 19/8, vài ngày sau khi các nhân viên Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) bắt ba bố con người ăn xin lên ôtô để đưa về trung tâm, khiến người dân bức xúc, ông Đặng Văn Bất - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã trả lời phỏng vấn.
Ông bình luận gì về hành động của các nhân viên Trung tâm Bảo trợ Xã hội số 1 Hà Nội khi nhấc bống ba bố con lên ôtô?
Ngay sau khi sự việc xảy ra, tôi có nhận được báo cáo từ trung tâm. Nhóm nhân viên này là Đội Trật tự xã hội làm nhiệm vụ thu gom, tập trung người lang thang xin ăn ở khắp địa bàn các quận, huyện.
Trước khi quyết định thu gom người nào đó, các thành viên này phải có một quá trình theo dõi, quay hình làm bằng chứng xác định chính xác đó là người lang thang và xin ăn.
Hành động xin ăn được xác định là đi xin tiền, xin đồ ăn thường xuyên và lang thang khắp các khu vui chơi, giải trí, khu dân cư. Người già, trẻ em mà lang thang không xin ăn hoặc lang thang bán tăm, bán kẹo... thì không thuộc nhiệm vụ của nhóm này.
Vậy việc bắt một người lớn, hai trẻ em lên ôtô sau 1 giờ theo dõi mà không có lệnh bắt và công an đi kèm là thế nào?
Hành động này là thiếu quy trình. Bất cứ nhóm trật tự nào đi làm việc cũng cần phải liên hệ với công an địa phương để phối hợp làm việc hiệu quả.
Nếu không liên hệ mà hoạt động một mình là thiếu quy trình dù không vi phạm quy định ngành nhưng sẽ gây hiểu lầm, bức xúc như sự việc xảy ra tại phường Ngọc Thụy vừa rồi.
Hơn nữa, sẽ gặp nguy hiểm nếu gặp các đối tượng phạm tội khác. Các nhân viên trật tự phải theo dõi một quá trình hoạt động và phải có bằng chứng là video, ảnh cụ thể người nào là lang thang và xin ăn mới được phép yêu cầu họ về trung tâm.
Nhân viên làm việc sai quy trình, ăn mặc lôi thôi sẽ bị xử lý ra sao?
Theo quy định, nhân viên khi đi làm nhiệm vụ sẽ phải mặc đồng phục, đeo thẻ. Ba nhân viên này không mặc đồng phục, tác phong chưa đúng và không có liên hệ với công an địa phương nên khi giải thích với người dân đã không nhận được sự tin tưởng. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự hiểu lầm gây bức xúc cho người chứng kiến.
Chúng tôi sẽ kiểm điểm tất cả các nhân viên vi phạm này, đồng thời nhắc nhở rút kinh nghiệm đối với toàn bộ nhân viên làm việc trong các trung tâm khác về phương pháp, cách thức, tác phong làm việc để đạt hiệu quả và sự tin tưởng của người dân.
Ngoài ra, chúng tôi yêu cầu Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1 báo cáo Sở LĐ-TB&XH thành phố về vấn đề này.
Sở LĐ-TB-XH sẽ kiểm điểm ba nhân viên làm việc sai quy trình, không mặc đồng phục, tác phong thiếu đứng đắn.
Hiện, ba bố con bị bắt lên xe về Trung tâm ra sao?
Theo thông tin mới nhất, người đàn ông đi cùng với hai cháu nhỏ được xác định nghiện ma túy. Cơ quan chức năng đã đưa về địa phương ở Thanh Hóa để phục hồi đạo đức, nhân phẩm. Còn hai cháu nhỏ đã được mẹ đẻ tới đón về nhà.
Toàn bộ người già, trẻ em lang thang xin ăn sau khi được triệu tập, sẽ được yêu cầu đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1, số 2 nuôi trong 30 ngày để phân loại.
Nếu thân nhân được liên hệ còn khả năng nuôi dưỡng thì sẽ trả về địa phương. Còn trường hợp không còn nơi cư trú, nuôi dưỡng sẽ được đưa về Trung tâm Bảo trợ số 4 (xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Sau khi sự việc vừa qua ông có khuyến cáo gì để tránh những sự cố tương tự?
Đây là sự cố ngoài ý muốn, phản ánh một thực trạng thiếu cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và nhân lực còn mỏng của ngành.
Ở khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều khu vực tập trung người lang thang xin ăn trong khi chỉ có hai trung tâm bảo trợ xã hội với khoảng 30 nhân viên thực hiện nhiệm vụ tập trung người lang thang xin ăn.
Vì thế, ngoài việc nâng cao nghiệp vụ, tăng cường phương tiện tác nghiệp cũng cần sự hưởng ứng đồng thuận của người dân và sự hợp tác chặt chẽ từ địa phương để đô thị Hà Nội sẽ văn minh hơn, không còn tình trạng xin ăn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hoàn Nguyễn