Phá vụ lừa đảo 'kho tiền cổ' hàng trăm tỷ USD

Phá vụ lừa đảo 'kho tiền cổ' hàng trăm tỷ USD
TP - Một tổ chức tội phạm có tên “Hoa Mai hội” gài bẫy nhiều người nhẹ dạ chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng chiêu tung thông tin có nhiều kho tiền cổ trị giá hàng trăm tỷ USD.

> Giải mã phi vụ lừa đảo ‘kho tiền cổ’

Bắt kẻ cầm đầu chi nhánh

Ngày 2/10, Cục An ninh điều tra (ANĐT) phối hợp Cục An ninh thông tin truyền thông - Bộ Công an công bố thông tin phá vụ lừa đảo chiếm đoạt tải sản của đường dây “Hoa Mai hội”, có liên quan đến nhiều nạn nhân nguyên là cán bộ cấp cao. Theo đó, người cầm đầu một nhánh của băng nhóm tội phạm này đã bị bắt và khởi tố bị can là Nguyễn Thành Chơn (ở phường 13, quận 6, TPHCM).

Đại tá Nguyễn Xuân Mừng, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT cho biết, tổ chức tội phạm này hoạt động rộng khắp cả nước, tung tin có sự hiện hữu những kho tiền cổ và USD của “Hoa Mai hội” nằm rải rác trên lãnh thổ Việt Nam, giá trị hàng trăm tỷ USD. Những kho tiền cổ này được các bậc tiền nhân giao cho các “cụ” trông coi.

Để khai thác phải có chi phí dâng các “cụ” để các “cụ” ủy quyền liên hệ với các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, cơ quan chức năng xin phép khai thác kho tiền nộp cho Nhà nước phục vụ mục đích an sinh xã hội. Ngược lại, Nhà nước sẽ trích thưởng rất lớn. Người nào muốn tham gia hưởng “lộc trời cho” này, phải ứng trước một số tiền để thực hiện các chi phí giao dịch.

Hộp bond có giá trị... hơn 274 tỷ USD

Nguyễn Thành Chơn khai, biết được thông tin ông Huỳnh Văn Chính (ở huyện Bình Chánh, TPHCM) có 2 hộp kẽm in hình tiền USD (bond) ghi năm sản xuất 2003 và 2006. Chơn tiếp cận ông Chính và phao tin, mỗi hộp bond là đại diện số tiền 274 tỷ 300 triệu USD. Nếu mang 2 hộp bond này trình cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì các nơi này sẽ chi trả số tiền tương ứng như trên và ông Chính sẽ được hưởng 0,5% số tiền.

Sau đó, Chơn nói ông Chính giao cho mình 2 hộp bond để đi làm “chương trình” nhận số tiền thật. Ngày 9/12/2012, Chơn đưa ông Nguyễn Văn Cọt (còn gọi là Ba) đến gặp ông Chính và giới thiệu là người trông coi kho tiền hiện đang đặt trên một hòn đảo ở tỉnh Kiên Giang, vì vậy Chơn muốn mang 2 hộp bond này về làm “chương trình” để lấy tiền trong kho ra đóng góp cho chùa.

Với chiêu lừa trên, Chơn đã 2 lần yêu cầu ông Chính đưa tiền cho mình để thực hiện chương trình, đóng tàu ra đảo chở tiền, tổng cộng 2,1 tỷ đồng. Chờ mãi không thấy tiền về, ông Chính thắc mắc, Chơn nói do bão nên tàu không đi được. Lần khác, Chơn bảo tàu phải chạy vòng qua Campuchia để tránh bị kiểm tra...

“Cố vấn Ban Chiến lược trung ương”

Những hộp bond chứa seri tiền USD Chơn dùng để lừa đảo
Những hộp bond chứa seri tiền USD Chơn dùng để lừa đảo.

Cũng với 2 hộp bond, Chơn phao tin với bà Nguyễn Thị Lý (ngụ TPHCM) là những kho tiền được các “cụ” trong coi, muốn lấy được tiền ra, người giữ hộp bond phải gặp trực tiếp “lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam” để xin giấy phép khai thác, vận chuyển tiền giao cho Nhà nước, và được thưởng đến 30% tổng số tiền.

Khi bà Lý bắt đầu tin tưởng, ngày 11/6/2013 Chơn gạ bà Lý cho vay 500 triệu đồng, tài sản thế chấp là 2 hộp bond. Bà Lý đồng ý. Lúc nhận tiền, Chơn viết cam kết trong vòng 2 ngày sẽ cung cấp cho bà Lý một lượng tiền USD mệnh giá từ 1 – 100 USD và 1 triệu USD có seri liền nhau, năm sản xuất trùng khớp với 2 bộ bond mà Chơn thế chấp để bà Lý đi làm thủ tục lấy tiền ra. Về phần bà Lý, sau khi có 2 bộ bond, bà này lại chuyển cho bà Nguyễn Thu Hoa để cùng “làm ăn”, giao cho Chơn số tiền lên đến 3,2 tỷ đồng.

Để thực hiện cam kết, sau khi bà Lý giao tiền, Chơn nhờ một người tên là Phạm Hoàng Dũng đem 150 triệu đồng đến các tiệm vàng và móc nối một số nhân viên ngân hàng để đổi một số cọc USD mệnh giá 1, 2, 10 và 50 USD. Dũng lấy của Chơn thêm 1,2 tỷ đồng đem đi đổi một số cọc USD mệnh giá 100 USD có seri liền nhau, năm sản xuất từ 2003 đến 2006, giao cho nạn nhân để họ tin tưởng tiếp tục rót tiền “đầu tư”.

Giấy tờ giả Chơn tự xưng là thành viên “Tổ công tác đặc biệt Ban chiến lược trung ương”
Giấy tờ giả Chơn tự xưng là thành viên “Tổ công tác đặc biệt Ban chiến lược trung ương”.

Cơ quan ANĐT xác định, những chi phí hoán đổi USD trái phép này, Dũng đều trả cao hơn giá quy đổi ngoại tệ so với thị trường. Cụ thể, Chơn đã chi ra 7.500 USD để đổi lấy 6.300 USD có mệnh giá từ 1 – 50 USD và 1,2 tỷ đồng để đổi lấy 50.000 USD mệnh giá 100 USD.

Vì sao nhiều nạn nhận sập bẫy băng nhóm Nguyễn Thành Chơn? Theo CQĐT, ngoài lòng tham họ còn tin tưởng Chơn đã ráp nối được với các mối quan hệ cấp cao. Chơn vẽ ra hàng loạt giấy tờ giả như “Thẻ bất khả xâm phạm Cố vấn Ban chiến lược trung ương”, “Tổ công tác đặc biệt của Trung ương” mang tên và ảnh của mình, giấy giới thiệu, công lệnh... Trên thực tế, Việt Nam không tồn tại một tổ chức, đơn vị nào như trên.

“Đây chỉ là bước khởi đầu của vụ án và cơ quan điều tra đã bắt giam Nguyễn Thành Chơn. Chúng tôi đang điều tra các nhánh còn lại của tổ chức tội phạm này” - đại tá Nguyễn Xuân Mừng nói.

Cơ quan ANĐT kêu gọi những đối tượng liên quan đến vụ án ra đầu thú, đồng thời những nạn nhân cần chủ động trình báo với cơ quan công an theo số điện thoại: 069.36.603; email anninhdieutrabca@gmail.com; địa chỉ 235 Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TPHCM hoặc số 7 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG