Công nghệ 'siêu phá khóa'

Công nghệ 'siêu phá khóa'
TP - Tại TPHCM hiện nay, chỉ cần dạo một vòng quanh khu Chợ Lớn, hay khu chợ phụ tùng xe cũ tại khu Thuận Kiều (quận 5), bỏ ra một, hai triệu đồng, bọn trộm xe đã có trong tay bộ đồ nghề phá bất cứ loại khóa nào.

> Bắt băng nhóm trộm hàng chục xe máy
> Bị bắt vì trộm xe SH không nổ được máy

Tại cửa hàng bán thiết bị chống trộm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), chúng tôi ngỏ ý lắp thiết bị chống trộm cho chiếc xe Honda Wave. Chủ cửa hàng tên Khánh mang ra khoảng 10 thiết bị: Loại còi hú, loại khóa điện, khóa xăng, khóa cổ... Hỏi có chắc 100% chống được trộm không, Khánh cười nói: “Chỉ chống được người bình thường chứ với các siêu phá khóa thì chẳng ăn thua gì đâu”.

“Thiết bị chống trộm thực ra chỉ phụ trợ và giúp chủ xe yên tâm hơn, chứ trộm mà muốn thì sao chống”- anh Tỏ, chủ cửa hàng thiết bị chống trộm trên đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) nói.

Tò mò hỏi về cách siêu trộm mở khóa, ông chủ này bật mí: Thiết bị mở khóa thực ra được bán rất nhiều ở Chợ Lớn, hay khu Thuận Kiều, mỗi chiếc có thể mở ít nhất 8 chiếc khóa. Tra vào ổ khóa và vặn, khi nào nghe tiếng “tách” là OK.

Tận mắt xem “siêu mở khóa”

Duy, một tay siêu mở khóa tại đường Hồ Văn Long gần khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) mách nước: “Ra ngay khu chợ đồ xe máy cũ ở Thuận Kiều hỏi mua một bộ thiết bị siêu phá khóa, hỏi khéo cửa hàng nào cũng bán”.

Rất dễ học được cách phá khóa trên mạng (ảnh chụp từ clip)
Rất dễ học được cách phá khóa trên mạng (ảnh chụp từ clip).

Chúng tôi ra chợ Thuận Kiều. Sau một vòng dò hỏi, ông chủ Hoa kiều nói giọng lơ lớ, nháy mắt mời vào trong nhà, lấy từ trong một hộp lớn ba chùm chìa vạn năng đưa cho chúng tôi. Để chứng minh, ông chủ đưa chúng tôi ra khu sân của chung cư Thuận Kiều cũ, nói tôi khóa xe lại để ông mở thử. Vì kiểu khóa xe tôi là Honda nên ông dùng loại chìa chữ Z, chỉ trong tích tắc, chiếc xe của tôi đã bị mở khóa và nổ máy. “Giá ba bộ này là 2 triệu đồng”, ông chủ cho biết.

Cho rằng giá đó là đắt, Duy nói tôi chạy về Tân Tạo, gặp một thợ sửa khóa trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân). Ông ta lấy trong hộc tủ ra từng xâu chìa khóa vạn năng rèn từ lưỡi cưa sắt: “Giá là 50 ngàn cho một cây móc, 90 ngàn cho một cây gạt và móc. 800 ngàn cho bộ 10 cây gạt móc hình mỏ vịt, móc xiên, lưỡi liềm...”.

Sau khi chọn xong thiết bị mở khóa, Duy đưa tôi ra bãi đất trống, biểu diễn cho tôi xem, rồi bảo tôi làm thử. Vài lần tôi mở được khóa, nhưng mất khá nhiều thời gian. Duy nói, trên mạng internet có dạy cách mở khóa!

Học phá khóa trên mạng

Chỉ trong vài phút, tôi đã tìm thấy video và các tư liệu hướng dẫn cách phá khóa. Các video đều hướng dẫn khá chi tiết cấu tạo và chi tiết cách phá từng loại khóa hiện nay.

Chúng tôi liên hệ với Phong, một chủ clip hướng dẫn cách phá khóa xe SH và rao bán “đoản” dùng để phá khóa mà anh ta tự chế. Phong tư vấn, sau khi đút đoản vào ổ khóa rồi xoay thật mạnh hai lần là tất cả các loại khóa xe đều bị phá. Phong đưa ra nhiều mức giá cho các loại đoản. Đoản phá khóa xe Wave 200 ngàn/chiếc, đoản phá Air Blade 400 ngàn, đoản phá khóa xe SH 600 ngàn.

Trong một clip, chủ nhân có tên Quang Tám cho biết: “Loại xe Airblade có lỗ dẹt nên “nhảy” rất đơn giản”. Theo đoạn clip Tám đăng, thì quả thật chưa đầy một phút, Tám dùng đoản để bẻ khóa xe và chỉ sau ba cái lắc nhẹ, chiếc xe đã bị bẻ khóa rồi nổ máy.

Khó xử lý

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên thị trường bán tràn lan công cụ hỗ trợ phá khóa, thượng tá Hồ Viết Tuấn (trưởng công an phường Thạnh Phúc, quận Tân Phú, TPHCM) nói: “Chỉ có thể xử lý khi bắt được quả tang các đối tượng đang sử dụng thiết bị hỗ trợ phá khóa để thực hiện hành vi trộm cắp. Nếu kiểm tra và bắt được đối tượng đang cất giấu những thiết bị này thì việc xử lý cũng chỉ là đưa về trụ sở công an lấy lời khai mục đích sử dụng, chứ không thể trực tiếp phạt”.

Gia Huy ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.