> Xả súng trên biển vì mâu thuẫn ngư trường?
> Ngư dân kể vụ hỗn chiến kinh hoàng trên biển Hà Tĩnh
Kêu cứu
Làm việc với PV Tiền Phong, các cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Sót (đóng tại xã Thạch Kim, Lộc Hà, quản lý 9 xã vùng bãi ngang tại 3 huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) khẳng định, nguyên nhân vụ nổ súng do mâu thuẫn về ngư trường đánh bắt.
Lần theo những lá đơn kêu cứu của ngư dân 9 xã bãi gửi Đồn Biên phòng Cửa Sót về việc các tàu công suất lớn của các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An thường xuyên vào đánh bắt ven bờ làm ngư cụ của họ bị hư hỏng, PV Tiền Phong tìm về thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc, Thạch Hà.
Đang trong những ngày mùa đánh bắt thủy sản nhưng ngay từ đầu thôn rất nhiều ngư dân tập trung ở nhà vá lưới. Trước cổng nhà anh Trần Văn Lành một đống lưới vứt ngổn ngang, chồng lấn lên nhau. “Gần nghìn mét lưới vừa sắm xong, ngày mở hàng thả xuống biển chưa được nửa giờ thì bị tàu kéo giả cào của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi kéo rách tả tơi. Với tình trạng này ngư dân nơi đây hết đường làm ăn rồi” - ngư dân Trần Văn Lành nói.
Anh Lành lật từng bì đựng lưới rách. Trông lưới đang còn mới tinh, dây, phao bị kéo đứt từng mảng. Hơn chục năm nay, ngư dân thôn Bắc Lạc kêu cứu chính quyền địa phương, đồn biên phòng về tình trạng các tàu đánh cá của tỉnh khác đánh bắt sai ngư trường làm hư hỏng, mất mát ngư cụ nhưng không được giải quyết triệt để. “Đang trong những ngày mùa mà ngư dân phải ở nhà vì không có ngư cụ để đánh bắt”, anh Lành nói. Theo thống kê của ngư phủ này, riêng từ đầu năm đến nay anh bị thiệt hại hơn 30 triệu đồng tiền sắm ngư cụ.
Cạnh nhà anh Lành, gia đình anh Trần Văn Thành cũng điêu đứng khi bỏ ra gần 20 triệu đồng để sắm lưới đánh bắt mực trong mùa hè bỗng một đêm tan biến. “Tàu đánh bắt xa bờ nhưng họ vào ven bờ đánh bắt. Khi phát hiện lưới bị các tàu kéo, ngư dân nổ máy chạy theo ra ký hiệu xin lại thì bị họ dùng đá ném” - anh Thành nói. Cách đây hơn một tháng, 2 ngư dân Nguyễn Hữu Tam và Nguyễn Văn Bản (ở thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc) phát hiện tàu kéo giả cào biển số Thanh Hóa kéo đứt lưới, bơi thuyền chạy theo xin lại thì bị người trên tàu dùng đá ném vỡ đầu. Sau đó, họ còn cho tàu đâm thẳng vào thuyền. Năm 2012, một ngư dân xã Cẩm Nhượng khi phát hiện tàu kéo giả cào của Thanh Hóa kéo mất ngư cụ, lập tức cho thuyền chạy theo để xin lại nhưng bị các đối tượng trên tàu dùng dao đâm thủng bụng.
Theo anh Thành, khoảng vài năm trở lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều tàu công suất lớn của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi kéo vào đánh bắt vùng ven bờ biển Lộc Hà. Theo thống kê, xã Thạch Lạc có gần 300 thuyền đánh cá đánh bắt ven bờ, bình quân mỗi năm một thuyền mất từ 30 đến 60 triệu tiền ngư cụ do bị các tàu có công suất lớn kéo mất.
Biết nhưng khó bắt
Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Sót, đại úy Hoàng Minh Thảo cho biết, cách đây hơn một tuần, lực lượng tuần tra của Đồn phát hiện 2 tàu đăng ký ở Quảng Ngãi đang dùng giả cào đánh bắt hải sản trên vùng biển ven bờ huyện Thạch Hà. Lực lượng tuần tra ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra, bị 2 tàu này đâm thẳng vào tàu tuần tra rồi cắt dây vứt lại ngư cụ bỏ chạy.
“Nếu lực lượng tuần tra tiếp tục bám theo chắc chắn sẽ xảy ra hậu quả khó lường. Trên các tàu đánh bắt này được trang bị mìn và súng đạn để chống đối” - một cán bộ Đồn Biên phòng Cửa Sót nói.
Theo Đồn trưởng Biên phòng Cửa Sót, sở dĩ các tàu giả cào của các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi đánh bắt sai ngư trường vào tận vùng ven bờ của 3 huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên vì vùng biển này có nhiều thủy hải sản. “Tàu của tuần tra công suất nhỏ, lực lượng mỏng nên nhiều lần biết các tàu cá đánh bắt sai ngư trường nhưng không bắt giữ được để xử lý” - Đồn phó Đồn biên phòng Cửa Sót, đại úy Võ Tá Nguyên nói.
Ông Trần Xuân Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển Hà Tĩnh cho biết, theo Nghị định 33 của Chính phủ về việc quản lý khai thác thủy sản, vùng biển ven bờ của tỉnh nào ngư dân tỉnh đó được đánh bắt.
“Vùng ven bờ chỉ tàu có công suất dưới 20CV của ngư dân tỉnh đó mới được đánh bắt. Việc các tàu ở các tỉnh khác có công suất lớn vào đánh bắt là trái phép, xâm phạm nghiêm trọng đến ngư trường và môi trường sinh sống của nhiều loại thủy sản biển. Ngư dân khi bị mất ngư cụ có ghi lại biển đăng ký của tàu gây ra. Tuy nhiên mỗi khi các tàu này vào bãi ngang ở Hà Tĩnh thường dùng số đăng ký giả nên không thể truy tìm” - ông Hoàng nói.
Về phương án dùng tàu kiểm ngư để xua đuổi, bắt giữ các tàu đánh bắt sai ngư trường, ông Nguyên Tông Thắng (Phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển) cho rằng, phương án này không khả thi. “Mỗi năm kinh phí được cấp 300 triệu đồng, chỉ đủ để tổ chức được 3 chuyến tuần tra. Kinh phí thấp, lực lượng mỏng, tàu công suất thấp nên đành bất lực” - ông Thắng nói.
Ngày 9/7, Đồn biên phòngCửa Sót (Hà Tĩnh) bắt giữ 6 chiếc tàu giả cào của huyện Diễn Châu, Nghệ An do đánh bắt sai ngư trường trên vùng biển xã Thạch Lạc, Thạch Hà. |