"Đặc sản" của lính hình sự

"Đặc sản" của lính hình sự
Chúng tôi dù đã đi nhiều, gặp nhiều để viết về những đồng đội của mình, nhưng hình ảnh người lính hình sự là một mảng đề tài mà tôi có cảm giác là chưa bao giờ cũ. Nghề hình sự gian khó, hiểm nguy và cũng rất… nghèo! Thế nhưng đã là lính hình sự lại là những người “giàu” tình yêu với nghề! Lần này, chúng tôi ghé thăm thành Nam để gặp một vị Đại úy trẻ nghe anh kể về những chuyên án bóc gỡ đường dây tội phạm lớn…

> Trận đánh 'như phim' của cảnh sát hình sự Hà thành

Càng làm càng “say” nghề

Đại úy trẻ đó là Đặng Văn Việt, Đội phó đội 5, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nam Định. Đại úy Việt đã công tác ở nhiều đơn vị khác nhau trong Công an tỉnh Nam Định, đến năm 2004, anh chính thức nhận nhiệm vụ ở Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

Xác định rõ tinh thần chịu đựng những gian khổ, vất vả trong nghề trinh sát điều tra, 9 năm qua, Đại úy Việt đã đi qua một chặng đường tuy không dài nhưng cũng đủ để anh cảm nhận được công việc của mình đang làm.

Anh tâm sự: “Nghề cảnh sát hình sự vất vả thật đấy nhưng càng làm càng mê, đã bước chân vào rồi là muốn gắn bó tới cùng. Có thể phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, có những lúc bị người thân trách mắng là thiếu trách nhiệm với gia đình, nhưng với những người lính hình sự như chúng tôi luôn phải chấp nhận điều đó. Khi đi “đánh án” luôn phải tập trung cao độ, không được phép có những phút giây phân tán tư tưởng vào những việc khác thì mới thu được kết quả như mong muốn. Là một trinh sát hình sự, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là phải có tinh thần vững vàng, không được xao động trước bất kỳ tình huống nào”.

Bóc gỡ “siêu đường dây” cá độ

“Với người lính cảnh sát hình sự, “đặc sản” chỉ là chuyện “đánh án”, tội phạm, hung thủ, có muốn tâm sự cũng chẳng biết nói gì ngoài những chuyện này”. Đại úy Việt cười và nói vui với tôi như vậy.

Câu chuyện đầu tiên anh kể cho chúng tôi nghe chính là chuyên án bóc gỡ một “siêu đường dây” chuyên hoạt động tổ chức cá độ bóng đá ở Nam Định đã được triệt phá thành công trong năm 2012, đây được coi là một trong những chuyên án lớn mà Đại úy Việt cùng Đội 5 đã thực hiện được.

Anh nhớ lại, đã có hơn 20 đối tượng bị bắt giữ và khởi tố. Để điều tra bóc gỡ được đường dây cá độ này, các trinh sát đã phải tìm hiểu rất kỹ quy trình hoạt động, khung giờ giao dịch cũng như địa điểm mà các đối tượng cầm đầu hay ẩn náu. Bởi nếu không bắt được quả tang với những dữ liệu trong máy tính, việc chứng minh tội trạng của các đối tượng sẽ coi như công cốc.

Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, các đối tượng cầm đầu luôn đề phòng rất cẩn mật, chỉ cần biết có “động” là chúng lập tức tắt máy tính hoặc ngắt nguồn điện thì toàn bộ mạng lưới cá độ sẽ “khựng” lại, các dữ liệu cũng vì thế mà tự động xóa bỏ. Chính vì vậy, để bắt được quả tang quá trình tổ chức cá độ, chúng tôi đã phải áp dụng rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ và luôn ở thế chủ động.

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ, Ban chuyên án đã đánh sập được đường dây cá độ này khiến chúng không kịp trở tay, toàn bộ chứng cứ chứng minh tội trạng của các đối tượng được thu giữ nguyên vẹn, vì vậy mà chuyên án ngay lập tức đã thu được kết quả thành công…

"Đặc sản" của lính hình sự ảnh 1

Đến vụ những cô gái trẻ mất tích bí ẩn

Với Đại úy Việt, câu chuyện mà anh kể với chúng tôi một cách đầy tự hào phải là chuyên án vô cùng ấn tượng - đó chính là bóc gỡ đường dây buôn bán người mà anh cùng với các chiến sĩ trong Đội 5 đã triệt phá tháng 4-2012.

Anh chia sẻ: “Chuyên án đã giải cứu 21 cô gái là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo… Có lẽ chúng tôi không thể quên hình ảnh một người mẹ hớt hải đến trình báo về việc cô con gái của mình mất tích.

Qua nhiều ngày điều tra chúng tôi biết được ngoài cô gái này, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định và các huyện lân cận nhiều cô gái khác còn rất trẻ cũng mất tích một cách bí ẩn. Nhận định, đây có thể một vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em nên chúng tôi đã lên kế hoạch vào cuộc.

Nắm tình hình, xác định nguồn tin cho thấy tồn tại đường dây buôn bán người do một số đối tượng đều rất trẻ tuổi ở nhiều huyện thị khác nhau cùng tham gia hoạt động. Chúng chủ yếu gây án bằng thủ đoạn lên mạng Internet, làm quen, tán chuyện với các cô gái nhẹ dạ cả tin ở các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… thậm chí là ở tận Đà Nẵng. Sau khi tạo được lòng tin, dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ được các nạn nhân ra Nam Định, chúng sẽ lấy lý do cùng nhau lên biên giới làm ăn rồi đưa các cô gái sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm.

Chỉ bằng thủ đoạn như vậy, trong một thời gian rất ngắn, hàng loạt cô gái trẻ tuổi đã bị lừa bán sang bên kia biên giới. Những vụ án xảy ra trước đó khiến hàng chục gia đình rơi vào cảnh li tán, lo lắng cho số phận của con em mình”…

Trước tình hình đó, các cấp chỉ huy đã xác lập chuyên án để theo dõi đường dây buôn người qua biên giới. Đại úy Việt đã cùng với các anh em trong tổ trinh sát tích cực điều tra, lần theo dấu vết của các nghi can, quyết tâm vạch mặt bằng được những đối tượng buôn người.

Khó khăn đặt ra đối với ban chuyên án là việc xác định nhân thân của các nạn nhân, nhưng vẫn chưa hết, bởi ngay cả khi đã tìm được tung tích thì một số người vì e dè dư luận đã không dám đứng ra tố cáo những đối tượng lừa đảo này. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, Ban chuyên án, trong đó có Đại úy Việt đã phải lần mò xác minh tỉ mỉ từng trường hợp mất tích để củng cố một cách chắc chắn các tài liệu, chứng cứ.

Các trinh sát trong đội được chia làm nhiều mũi khác nhau, một mặt tìm và liên hệ với các nạn nhân, mặt khác bám sát các nghi can tham gia đường dây buôn người, kịp thời ngăn chặn chúng tiếp tục gây án.

Cuối năm 2011, có một tình tiết đó là cô gái Nguyễn Thị Hoa (SN 1993), ở huyện Vụ Bản bị mất tích bỗng nhiên trở về gia đình. Theo lời trình báo của Hoa, cô là nạn nhân của bọn buôn người và bị bán sang bên kia biên giới làm gái mại dâm.

Đầu năm 2011, một lần lên mạng chát, Hoa thấy có nick lạ nhảy vào làm quen. Sau nhiều ngày trò chuyện, gã này ngỏ lời yêu và được cô đáp lại. Một hôm, gã rủ Hoa đi biên giới đánh hàng. Tin lời, Hoa đi theo và không ngờ bị “người yêu” bán sang động quỷ của “tú bà” có tên Trang. Những ngày sống ở xứ người, Hoa bị bà chủ ép đi khách nhiều lần. Thậm chí khi cô bị ốm, “tú bà” này vẫn ép cô phải tiếp khách. Nhiều lần “trái lời”, Hoa bị bọn bảo kê đánh thâm tím mặt mày cho đến ngày được giải cứu về Việt Nam.

Từ nguồn tin này, sau một thời gian dài củng cố tài liệu, cuối cùng công sức của những trinh sát cũng được đền đáp, lúc này vài cô gái đã được đưa về Việt Nam một cách an toàn. Có trong tay những chứng cứ chuẩn xác về các đối tượng chuyên dùng thủ đoạn như “cứu net”, rủ sang Trung Quốc buôn bán điện thoại, quần áo, thậm chí cả ma túy... để dụ dỗ, lừa gạt hàng chục nạn nhân ép buộc nạn nhân bán dâm; Ban chuyên án quyết định bắt giữ đồng thời làm rõ được kẻ cầm đầu là Ngô Thị Hưng Trang (SN 1990, quê ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Ngoài ra 5 đối tượng có liên quan đều là “chân rết” của Trang trong đường dây buôn bán người cũng phải tra tay vào còng. Vậy là, toàn bộ các đối tượng tham gia đều bị bắt giữ.

Điều đáng tiếc là năm 2008, Trang chính là nạn nhân từng bị lừa bán sang bên kia bên giới làm gái mại dâm, và sau khi được lực lượng CATP Hà Nội giải cứu về nước, Trang lại chủ động sang bên kia biên giới móc nối với những “tú bà” khác, rồi về nước tập hợp những kẻ lười lao động, thường lên mạng chat, lừa tình các cô gái.

Trang còn hào phóng “tài trợ” ma túy đá cho các gã trai trẻ trong đường dây và khuyến khích bọn chúng dùng thứ này câu nhử các cô gái trẻ vào bẫy buôn người. Băng nhóm buôn người này được Trang quy định nhận diện nhau bằng hình xăm rết trên cổ và bàn tay.

Dù không quen biết nhưng cứ nhìn hình xăm dù ở đâu chúng cũng nhận ra nhau… “Cuối cùng chuyên án đã thành công với việc giải cứu được 21 cô gái trẻ tuổi, khiến người thân trong gia đình xa cách bất ngờ được đoàn tụ, nhìn những cảnh ấy chúng tôi cũng thấy vui lây trong lòng” - Đại úy Việt nói.

Chiến sĩ cảnh sát hình sự thành Nam này đã có được rất nhiều niềm vui sau mỗi lần đánh án, nhưng cũng không ít lần anh phải đối diện với sự thất vọng khi công việc chưa thể hoàn thành. Việc đánh án không phải lúc nào cũng suôn sẻ, điều quan trọng là từ những khó khăn đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục công việc của mình một cách tốt hơn.

Anh cho biết, phải trải qua những chuyên án có khó như thế thì mới thu lượm được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Làm lính hình sự, ngoài việc nhiệt tình, năng động, sáng tạo mỗi trinh sát phải có cho mình một kho kinh nghiệm vì điều này là rất cần trong quá trình đánh án.

Theo Quân.Trần
An Ninh Thủ Đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG