> Hạn chế rủi ro trong công chứng giao dịch tài sản
> Làm sao để ngăn ngừa bán tài sản cho nhiều người?
Theo báo cáo của Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), trước khi có Luật Công chứng năm 2006, đội ngũ công chứng viên chỉ có khoảng 200 người.
Sau khi có Luật Công chứng, chỉ trong vòng 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, đội ngũ công chứng viên phát triển nhanh chóng về số lượng, hiện có 1.133 công chứng viên. Đáng lo ngại là phần lớn các công chứng viên đều trên 60 tuổi.
Trước đó, số người này là cán bộ ở các cơ quan tư pháp, có bằng luật, nghỉ hưu rồi ra làm công chứng viên, như ở TP Hà Nội, có khoảng 50% công chứng viên trên 60 tuổi.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại điều kiện và độ tuổi hành nghề công chứng. Bởi trách nhiệm của công chứng viên không chỉ xuất hiện khi giải quyết vụ việc là đóng dấu công chứng mà còn kéo dài kể cả sau khi họ rời khỏi ghế công chứng viên.
Ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho rằng, muốn nâng cao chất lượng công chứng phải bắt đầu từ “siết” tiêu chuẩn công chứng viên.
“Tôi đề nghị phải “trẻ hóa” đội ngũ công chứng viên, giai đoạn trước mắt có thể chấp nhận xu hướng cán bộ về hưu chuyển sang làm công chứng viên, còn sau đó thì chấm dứt.
Như vậy cũng là phòng ngừa tình trạng làm công chứng viên chỉ để “đóng dấu ăn tiền”, không quan tâm đến hậu quả pháp lý”- ông Long nói.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cũng đề nghị quy định bắt buộc phải học mới được hành nghề công chứng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng.
Dự kiến sửa đổi Luật Công chứng theo hướng sửa đổi quy định về miễn tập sự, một số đối tượng được giảm 50% thời gian tập sự nhưng tất cả đều phải kiểm tra hết tập sự trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề công chứng.
Đồng thời, xem xét để quy định “mức trần” độ tuổi hành nghề công chứng là 70 và để được bổ nhiệm là công chứng viên là 65. Dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2013.