Hơn 61% thẩm phán ủng hộ công khai bản án

Hơn 61% thẩm phán ủng hộ công khai bản án
TP - Đó là kết quả khảo sát có sự tham gia của hơn 2.500 thẩm phán, đại diện cho gần một nửa thẩm phán toà án cấp tỉnh và huyện trên cả nước- được công bố tại Diễn đàn Đối thoại chính sách pháp luật: “Quản lý hành chính toà án tại Việt Nam”, do Bộ Tư pháp phối hợp UNDP tổ chức hôm qua.

> Quốc hội thông qua Nghị quyết chương trình giám sát

Kết quả khảo sát cũng cho hay, chỉ có 28,3% thẩm phán cấp tỉnh, 35% thẩm phán cấp huyện thấy cần thiết và nên thường xuyên ghi âm, ghi hình tại phiên toà.

Công tác tiếp nhận, thụ lý đơn khởi kiện của các toà án hiện nay không theo một mô hình, quy trình thống nhất trên toàn quốc.

Mô hình tiếp nhận đơn của các toà án không phù hợp với mô hình cải cách hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, như mô hình “một cửa”.

Thẩm phán tự tiếp nhận đơn, quyết định thụ lý vụ án sẽ có nhiều tác động tiêu cực, như điều kiện cho tham nhũng, tác động tới tính độc lập của thẩm phán.

Một số toà án đã không niêm yết mẫu đơn, lịch xét xử và hướng dẫn thủ tục tố tụng, án phí để người dân dễ dàng tiếp cận thủ tục của toà án.

Ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Cty NH Quang và Cộng sự, đơn vị tham gia khảo sát cho rằng, cần nhân rộng mô hình “một cửa” để tách bạch, độc lập giữa công tác thụ lý đơn và công tác xét xử, tách biệt thẩm phán với đương sự trong khâu tiếp nhận đơn.

Nếu chánh án tham gia vào quy trình tiếp nhận đơn sẽ giảm những tác động bên ngoài vào thẩm phán.

Ông Quang cũng cho rằng, xét xử công khai là một biện pháp giám sát của nhân dân từ bên ngoài để bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn, chính xác.

Mọi hoạt động của phiên toà đều có sự theo dõi của nhân dân thì sẽ hạn chế sự tuỳ tiện. Hơn nữa, “nguyên tắc xét xử công khai” là một nguyên tắc hiến định và phù hợp với các cam kết quốc tế. Công khai hoạt động xét xử của toà án còn mang tính giáo dục xã hội...

Đánh giá cao kết quả khảo sát, bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam còn cho rằng: “Tăng cường minh bạch toà án thông qua công khai bản án sẽ giúp nâng cao trách nhiệm của các thẩm phán”.

Bình luận về hoạt động quản lý toà án ở Việt Nam, ông Nicholas Booth (UNDP Việt Nam) cho biết, thẩm phán thường xuyên hỏi ý kiến lãnh đạo toà về đường lối khi quyết định các vụ án (thẩm phán cấp huyện là 30-60% số vụ án thụ lý, thẩm phán cấp tỉnh là 15-40% số vụ án).

Khi các thành viên HĐXX có ý kiến khác nhau, tỉ lệ án có tham khảo là 54% với thẩm phán cấp huyện và 40% ở cấp tỉnh. Các toà cấp huyện xin ý kiến của toà cấp trên từ 10-30% các vụ; cấp tỉnh là dưới 10% án.

Tại diễn đàn, ông Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (TANDTC) cũng đã thừa nhận một số bất cập trong việc tiếp nhận và xử lý đơn, phân công án, xếp lịch xét xử... tại các toà án hiện nay.

Ông Dũng cho biết, sau khi thực hiện thí điểm cải cách ở một số tỉnh như mô hình “một cửa”, đã tiết kiệm được thời gian và công sức cho người dân, tránh được nhiều phiền hà.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.