Theo bà Yến, Luật Công chứng hiện hành quy định văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan, chỉ có giá trị chứng cứ.
Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, bên kia chỉ có thể đưa ra tòa án nhờ giải quyết.
Trong khi đó, văn bản công chứng có thể bị tòa án tuyên là vô hiệu, trong khi những căn cứ để tuyên một văn bản vô hiệu tương đối rộng.
“Sửa đổi Luật Công chứng dự kiến quy định văn bản công chứng có giá trị thi hành ngay và bắt buộc với các bên tham gia nhằm giúp nâng cao giá trị của hoạt động công chứng và khẳng định rõ hơn vai trò của công chứng viên” - bà Yến nói.
Cũng tại Hội thảo định hướng sửa đổi Luật Công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua, một số đại biểu đã nêu vấn đề làm thế nào ngăn chặn được tình trạng công chứng sai hoặc bị kẻ lừa đảo lợi dụng? Thời gian vừa qua đã xảy ra những vụ làm sổ đỏ giả (có công chứng) để lừa đảo cá nhân, ngân hàng; hoặc xảy ra một loạt vụ công chứng ủy quyền sổ đỏ để vay tiền ngân hàng dẫn đến người ủy quyền bị mất đất, mất nhà...
Về tình trạng này, ông Đào Nguyên Khải, Phó Chủ tịch Hội Công chứng TP Hà Nội cho biết, để việc công chứng được chính xác, bảo đảm quyền lợi của người yêu cầu công chứng, công chứng viên phải xác minh, làm rõ tại một số cơ quan, tổ chức về giấy tờ, tài liệu... Tuy nhiên, việc trả lời xác minh hoặc cung cấp thông tin của một số cơ quan, tổ chức thường rất chậm.
“Cần quy định rõ trong Luật Công chứng sửa đổi về trách nhiệm, thời hạn để các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan có nghĩa vụ phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu khi công chứng viên yêu cầu. Trường hợp không cung cấp kịp thời dẫn đến công chứng không chính xác, gây thiệt hại thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm bồi thường”- ông Khải kiến nghị.