Vì đâu giang hồ đòi nợ thuê có đất sống?
Những ai chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi thì đều có "số má" trong giới giang hồ, bị quỵt nợ là "xử" ngay.
Bên cạnh đó, những người chủ nợ khác tuy không phải cho vay chuyên nghiệp nhưng vì tiếc của khi bị quỵt nợ đã thuê giang hồ đòi nợ… Phải chăng do vậy mà giang hồ đòi nợ thuê có đất sống?
Một số chủ nợ và đối tượng đòi nợ thuê bị Công an bắt giữ. |
TP Hồ Chí Minh là nơi dừng chân của rất nhiều giang hồ đến từ khắp nơi trong cả nước. Trong đó những băng giang hồ chuyên sống bằng nghề đòi nợ thuê hiện hữu ở TP Hồ Chí Minh, theo đánh giá của cơ quan Công an thì gần như quận, huyện nào cũng có.
Tình trạng cho vay nặng lãi, vay mượn của nhau rồi quỵt nợ trong cộng đồng dân cư vẫn còn khá phổ biến. Mà những ai chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lãi thì đều có "số má" trong giới giang hồ, bị quỵt nợ là "xử" ngay.
Bên cạnh đó, những người chủ nợ khác tuy không phải cho vay chuyên nghiệp nhưng vì tiếc của khi bị quỵt nợ đã thuê giang hồ đòi nợ, hậu quả là tiền mất, tù mang!
Thuê giang hồ đòi nợ
Nguyễn Thị Kim Yến (43 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TPHCM) là đối tượng cho vay nặng lãi. Người này có biệt danh Yến "sư tử" vì rất dữ dằn.
Hôm 18-9-2012, khi Yến cùng hai "đệ tử ruột" là Trần Đại Dương (27 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) và Nguyễn Văn Lâm (31 tuổi; quê quán Giồng Trôm, Bến Tre; một tiền án về tội giết người) bị Đội 2, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ về hành vi "bắt giữ người trái pháp luật" và "cưỡng đoạt tài sản", Yến hết sức bình thản, chẳng tỏ ra sợ sệt.
Yến bảo, chuyện dùng vũ lực để đòi nợ là chuyện thường ngày mà thị làm ngót chục năm nay nên "lỡ" bị bắt cũng là chuyện thường tình. Thậm chí, thị còn "trách" con nợ: "Khi vay tiền họ nói ngon nói ngọt lắm, vậy mà mới có mấy ngày đã bỏ trốn, không xử đẹp thì làm sao họ trả".
Theo hồ sơ vụ án, trước đây, chị H và C (ở quận 4, TP Hồ Chí Minh) đứng ra bảo lãnh cho anh H vay trả góp của Yến 20 triệu đồng với lãi suất 25%/tháng. Nhưng khi trả được 4 ngày thì anh H trốn biệt tăm. Yến cho đàn em đi tìm nhưng không gặp nên thị bắt giữ, đánh đập chị H, yêu cầu trả tiền thay. Từ đó, chị H làm đơn tố cáo.
"Cho vay đến 25% tháng là đã vi phạm pháp luật. Còn bắt giữ, đánh đập và buộc người khác trả nợ thay người nợ tiền mình là hành động rất đáng lên án chị có biết không?".
Yến gạt ngang: "Vậy thì đừng vay, đừng bảo lãnh. Chấp nhận chơi thì phải chấp nhận chịu chớ!". Thật ra thì lời lẽ ngang tàng của Yến chính là "lẽ phải" trong giới giang hồ, nơi không dành cho những người biết thượng tôn pháp luật.
Còn anh H. vốn không phải giang hồ nhưng vì quá túng quẫn nên làm liều vay lãi nặng. Đến khi không còn khả năng trả nợ đành phải bỏ trốn vì sợ Yến "xử" mình. Từ đó cho thấy, trong vụ án này lỗi một phần xuất phát từ phía nạn nhân.
Giữa năm 2010, chị N (29 tuổi, quê Nha Trang, Khánh Hòa) dùng ba giấy chủ quyền nhà (trong đó có hai giấy giả và một giấy chủ quyền thật của căn hộ thuộc cao ốc Phú Nhuận PN - Techcons của anh L.) để vay của Đỗ Trần Uyên Hạ 10 tỷ đồng với lãi suất 0,7%/ngày. Ngoài ra, N còn vay tín chấp của Hạ với số tiền gần 2 tỉ đồng, 11.000USD và 10 lượng vàng SJC.
Tuy nhiên, sau khi vay tiền xong, N chỉ trả được ít ngày lãi thì bỏ trốn. Hạ đi xác minh nguồn gốc của 3 căn nhà và phát hiện 2 sổ giả, còn anh L cho hay có cho N mượn giấy chủ quyền chứ không liên quan gì đến chuyện nợ nần.
Thế nhưng, Hạ yêu cầu anh L phải trả nợ thay cho chị N. Anh L không đồng ý thì Hạ dọa sẽ cho giang hồ từ Hải Phòng vào "xử đẹp".
Hạ thuê băng giang hồ đòi nợ thuê gần chục tên, bắt cóc anh N đưa lên xe 7 chỗ, đánh đập và ép anh N phải trả nợ thay. Nhận được tin báo, cơ quan Công an vào cuộc giải cứu anh N, bắt giữ Hạ cùng một số đồng phạm.
Trước đây, bà Lê Kim Đính (48 tuổi, ngụ đường Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) vay của bà Tống Thị Kim Dung (44 tuổi, ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) 8,5 tỷ đồng với lãi suất cao nhưng không có khả năng chi trả.
Khi Dung đòi nợ quá gắt, bà Đính nói với Dung có cho bà Hiếu (ngụ phường Tân Phong, quận 7) và ông Minh (ngụ quận 8) mượn nợ 1,5 tỷ đồng nhưng đòi hoài chưa trả. Nếu bà Dung giúp đòi được thì Đính sẽ trả hết phần này cho Dung. Dung đồng ý nhưng buộc bà Đính phải cùng mình đi tìm ông Minh và bà Hiếu đòi nợ.
Liền sau đó, Dung thuê băng đòi nợ với 7 tên, cùng Đính dùng vũ lực ép buộc bà Hiếu phải nhận nợ. Bà Hiếu cho biết, mình chỉ đứng ra bảo lãnh cho ông Minh vay nợ chứ không có mượn tiền của bà Đính. Thế nhưng, các đối tượng này đã bắt giữ bà Hiếu và ép buộc bà Hiếu phải viết giấy nợ Dung 1,5 tỉ đồng.
Sau khi có giấy nợ, bọn chúng thả bà Hiếu ra nhưng buộc bà mỗi tháng phải trả cho Dung 100 triệu đồng, nếu không thực hiện sẽ bị giết chết.
Ngày 25-9-2012, tại quán cà phê Lan Anh, trên đường Nguyễn Thị Thập, phường Bình Thuận, quận 7, khi Dung cùng một số đối tượng đồng bọn đến ép buộc bà Hiếu đưa số tiền 250 triệu đồng, các trinh sát thuộc phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang…
Vì sao không nhờ cơ quan pháp luật giải quyết?
Từ một số trường hợp đề cập ở trên, cho thấy, khi bị người khác quỵt nợ thì kẻ giang hồ hay người bình thường có xu hướng thuê côn đồ để đòi nợ mà không nhờ sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Vì sao?
Các chủ nợ cho rằng, vì cho vay lãi suất quá cao nên sợ nhờ cơ quan pháp luật can thiệp, vì có thể bị truy cứu về hành vi "cho vay nặng lãi".
Những người cho vay với mức lãi suất "tuy cao nhưng có thể chấp nhận được" thì cho rằng, việc vay mượn nhau là quan hệ dân sự, muốn đòi phải kiện ra tòa. Mà thời gian kể từ khi tòa thụ lý đến lúc xét xử phải mất hàng tháng. Đó là chưa kể bản án bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm… có khi quay tới quay lui mất hết năm, bảy năm mà chưa chắc đã xong.
Đã vậy, đến lúc thi hành án, người bị kiện chẳng có tài sản (hoặc đã tẩu tán hết) để thi hành thì cũng bằng không.
Nhiều người vì "ngán" khởi kiện dân sự nên tố cáo người quỵt nợ đến cơ quan Công an về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, sau đó, hầu hết đều được cơ quan điều tra hướng dẫn khởi kiện ra tòa vì cho rằng không đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.
Một điều tra viên của Đội 8, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh phân tích, đối với tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì thủ đoạn gian dối phải xuất hiện ngay từ đầu, tức người phạm tội cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin đó là sự thật nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, hầu hết các vụ vay mượn đều xuất phát từ miếng mồi lãi suất cao mà đây chỉ là một thỏa thuận dân sự.
Còn đối với tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì việc giao và nhận hoàn toàn ngay thẳng dựa trên hợp đồng (vay, mượn, thuê...) và sự tín nhiệm (người thân, quen biết, bạn bè..).
Sau khi có được tài sản mới xuất hiện hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn bỏ trốn, không có khả năng hoàn trả vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp. Thế nhưng để chứng minh hành vi này của họ là việc không dễ dàng.
Thực tế, nhiều người quỵt nợ khi được cơ quan Công an mời lên làm việc và hỏi vay tiền để làm gì thì họ bảo làm ăn nhưng bị thua lỗ. Còn vì sao rời khỏi địa phương thì họ viện cớ do sợ chủ nợ thuê giang hồ bắt giữ, đánh đập nên lánh mặt chứ không có ý bỏ trốn. Mà đã không bỏ trốn thì coi như là… quan hệ dân sự! Mà đã là dân sự thì phải ra tòa, mà ra tòa thì…biết đến chừng nào!
Chính vòng luẩn quẩn này đã tạo đất sống cho những kẻ đòi nợ thuê là nguyên nhân chính khiến các chủ nợ trở thành đối tượng phạm tội.
Do vậy, một lời khuyên dành cho các chủ nợ là đừng mờ mắt vì hám lãi suất cao và phải sống và làm việc theo pháp luật, đừng dùng "luật rừng" để "trị" con nợ. Vì như thế chỉ bị thiệt thân, vừa mất tiền vừa phải rơi vào vòng lao lý
Theo Phương Tuyền
Công An Nhân Dân