Nghi phạm giết người đầu thú như thế nào?

Nghi phạm giết người đầu thú như thế nào?
TPO - Sau khi về quê ở thôn Hoành Từ (Đông Cường, Đông Hưng, Thái Bình), Nguyễn Hữu Dưỡng được người thân và chủ tịch xã khuyên nhủ, đã ra đầu thú. Hàng xóm bất ngờ, bố mẹ suy sụp khi biết Dưỡng phạm tội.

> Quá trình phá án giết người cướp vàng

Nhà Nguyễn Hữu Dưỡng ở Thái Bình. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhà Nguyễn Hữu Dưỡng ở Thái Bình. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Chiều nay (19-2), phóng viên Tiền Phong có mặt tại thôn Hoành Từ, xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, Thái Bình - quê nghi phạm Nguyễn Hữu Dưỡng (SN 1985) trong vụ án giết người, cướp vàng ở Thường Tín (Hà Nội). Nhà của Dưỡng nằm trong con ngõ nhỏ, cách đường chính khoảng 100m. 

Ngay từ đầu ngõ, người dân đã xì xào bàn tán về vụ việc. Ai nấy đều tỏ ra hết sức bất ngờ khi hay tin Dưỡng giết người cướp tiệm vàng ở Thường Tín.

“Tôi vô cùng bất ngờ khi biết tin. Ông bà Rương (bố mẹ Dưỡng - PV) vốn lam lũ. Ông ở nhà làm nghề sửa xe. Còn bà suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời làm tám sào ruộng” – Chị Hoa, người dân trong thôn cho biết.

Cũng theo chị Hoa, ông bà Rương sinh hai con là Nguyễn Hữu Dưỡng và Nguyễn Thị Dịu (khoảng 25 tuổi, đang làm việc ở Hưng Yên). Chị Hoa bảo, thường ngày, Dưỡng hiền lành, điềm đạm. Sau khi học hết cấp ba, Dưỡng đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2006, Dưỡng xuất ngũ về lao động tại địa phương. Dưỡng tự đi tìm việc làm thêm: phụ hồ, công nhân sản xuất bao bì ở Hưng Yên.

Sau một thời gian quen biết, tìm hiểu chị Đỗ Thị Ánh (ở thôn Xuân Thọ, cùng xã), đến tháng 1-2010, hai người kết hôn. Chị Ánh làm kế toán ở Hà Nội. Dưỡng đi làm tiếp thị cho hãng dầu ăn. Họ thuê trọ ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tháng hoặc dịp lễ, tết mới về thăm bố mẹ.

Ông Nguyễn Hữu Hưởng – Chủ tịch xã Đông Cường - trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ông Nguyễn Hữu Hưởng – Chủ tịch xã Đông Cường - trao đổi với phóng viên. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Hưởng - Chủ tịch xã Đông Cường, người đầu tiên tiếp nhận thông tin từ phía gia đình và hướng dẫn Dưỡng ra đầu thú, cho biết: Tối 16-2, Dưỡng đi xe máy từ Hà Nội về quê, sinh hoạt bình thường. Đến khoảng 22h ngày 18 - 2, ông Hưởng thấy điện thoại gọi nhỡ của bố đẻ và hai chú ruột Dưỡng. Liên lạc lại sau đó, gia đình nói Dưỡng gây án tại Thường Tín.

“Khi nhận được tin, tôi rất bất ngờ. Thường ngày, Dưỡng ít nói, hiền lành, không gây thù oán với ai trong làng xã cả” – ông Hưởng cho hay.

Sau đó, chú của Dưỡng là ông Nguyễn Hữu Nhiên đến nhà riêng của ông chủ tịch xã, nói rõ sự việc rồi đề nghị ông chủ tịch hướng dẫn thủ tục để Dưỡng ra đầu thú. Ông Hưởng đến gia đình Dưỡng, động viên gia đình, cũng như khuyên Dưỡng ra đầu thú. Ông cũng chỉ đạo trưởng công an xã báo cáo công an huyện Đông Hưng.

Đến khoảng 23h cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Nhiên và Dưỡng đến trụ sở UBND xã làm thủ tục đầu thú.

Cùng thời gian đó, công an huyện Đông Hưng cũng có mặt tại trụ sở UBND xã Đông Cường, lấy lời khai và lập hồ sơ vụ án.

Đến khoảng 3h sáng 9-2 , công an huyện đưa Dưỡng về trụ sở cơ quan.

Khi phóng viên Tiền Phong có mặt tại gia đình ông Nguyễn Hữu Rương (SN 1960), bà Bùi Thị Chuộng (SN 1957) - bố mẹ của Nguyễn Hữu Dưỡng, không khí u ám bao trùm ngôi nhà. Hai chú của Dưỡng là Nguyễn Hữu Nhiên và Nguyễn Hữu Xạ nói: “Chúng tôi đau khổ lắm rồi. Bố mẹ nó nghe tin bị choáng váng, nằm liệt giường hai hôm nay”.

Ông Xạ dẫn chúng tôi vào trong nhà thăm ông bà. Họ rất mệt mỏi, đau khổ nằm liệt trên giường, phủ chăn kín mít.

“Bây giờ, chúng tôi không có tâm trạng để trả lời các anh về vụ việc” – một người thân trong gia đình nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.