Bài học từ vụ kiện của ông Đoàn Văn Vươn

Bài học từ vụ kiện của ông Đoàn Văn Vươn
TP - Sau khi nghe báo cáo của nhiều bộ, ngành (đại diện Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao cũng tham dự), Thủ tướng Chính phủ đã kết luận vụ việc ở Tiên Lãng, trong đó có yêu cầu TAND huyện Tiên Lãng và TAND TP Hải Phòng nghiêm túc kiểm điểm việc xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng.

> Tiên đề từ Tiên Lãng

Hai anh em ông Vươn, ông Quý
Hai anh em ông Vươn, ông Quý .

Diễn biến sơ bộ vụ án: Sau khi nhận quyết định thu hồi đất cũng như quyết định bác đơn khiếu nại của UBND huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện vụ án hành chính.

TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm, bác đơn của ông Vươn. Ông Vươn chống án; tuy nhiên, sau khi ký biên bản thỏa thuận với đại diện UBND huyện, ông rút đơn chống án, và TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ giải quyết vụ án.

Quyết định thu hồi đất đối với ông Vươn, hiện Thủ tướng đã kết luận không thực hiện đúng pháp luật, yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi lại.

Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định bản án đã có hiệu lực pháp luật sẽ bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm, khi “quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ”.

Có thể nhận định bản án sơ thẩm vụ kiện của ông Vươn (đã có hiệu lực pháp luật) sẽ bị kháng nghị để xét xử theo thủ tục tái thẩm. Vấn đề lúc này, đó là hai cấp tòa Tiên Lãng và Hải Phòng rút ra được bài học gì qua vụ kiện của ông Vươn?

Theo nhiều chuyên gia pháp luật, vấn đề trước tiên không dành riêng cho hai cấp tòa này, mà chung cho cả ngành Tòa án, đó là cần bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật về đất đai cho các thẩm phán của các tòa hành chính.

Nhiều năm gần đây, các vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ khiếu nại, khiếu kiện. Những vụ khiếu nại đông người, vượt cấp, kéo dài nhiều năm cũng thường rơi vào lĩnh vực đất đai.

Trong khi đó, pháp luật về lĩnh vực này thường xuyên thay đổi, dưới luật lại có rất nhiều văn bản hướng dẫn hoặc sửa đổi, nên việc áp dụng không hề dễ dàng.

Vấn đề nữa cần rút kinh nghiệm, là khi tạo điều kiện cho người khởi kiện thỏa thuận với người bị kiện, thẩm phán cần giải thích rõ cho họ biết nếu rút đơn khởi kiện, họ không còn cơ hội để khởi kiện lại. Nếu rút đơn chống án, họ cũng mất cơ hội phục hồi việc này, và đương nhiên bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực thi hành.

Giải thích như vậy, là nhằm tránh cho người khởi kiện bị lừa dối, bội ước, hoặc đơn giản để họ thấy trước hậu quả việc mình sẽ làm.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cần rút kinh nghiệm vẫn là chuyện “xưa như trái đất” đối với các vụ án hành chính, mà người ta gọi nôm na là “dân kiện quan”. Đó là phải tìm ra phương cách để các thẩm phán thực sự chỉ “tuân thủ pháp luật”, không bị ảnh hưởng bởi những tác động từ chính quyền địa phương.

Về chuyện này, một lần nữa xin được nhắc lại đề xuất Tiền Phong từng nêu: Cần luân chuyển thẩm phán giữa các địa phương.

Chẳng hạn, để xét xử vụ ông Vươn kiện UBND huyện Tiên Lãng, TAND Tối cao sẽ điều động một thẩm phán từ địa phương khác – ví dụ từ huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ra Tiên Lãng một thời gian. Sau khi thụ lý, vị thẩm phán này mở tòa xét xử, ra bản án, rồi thanh thản bắt xe khách về lại Hà Tĩnh…

Việc luân chuyển thẩm phán có lẽ không khó, cái khó là làm sao thoát ra khỏi lối mòn đang đi mà thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG